Hiệu quả từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH với việc làm thanh niên

Với quyết tâm làm giàu, lại có sự giúp đỡ về vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời gian qua, toàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình thanh niên lập nghiệp, vượt khó vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình và trở thành những ông chủ trẻ của các mô hình kinh tế trang trại, kinh doanh, sản xuất...

Anh Võ Thế Mùi, sinh năm 1979, ở xã Đức Lạng - Đức Thọ, là chủ của mô hình kinh tế VAC với 8ha cây ăn quả, 3 ha diện tích nuôi cá nước ngọt, đàn lợn 100 con và 400 con gà đẻ trứng. Anh là một thanh niên nông thôn tiêu biểu, sớm vào hoạt động ở tổ chức Đoàn xã, thông qua các buổi tập huấn về chuyển giao khoa học công nghệ về nuôi trồng của tổ chức đoàn các cấp, cùng với nghị lực thoát nghèo, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình kinh tế VAC khởi điểm từ nguồn vốn 15 triệu đồng.

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách xã hội, nhiều đoàn viên thanh niên Hương Sơn phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách xã hội, nhiều đoàn viên thanh niên Hương Sơn phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Đến nay, anh Mùi đã có số vốn khoảng 1,2 tỷ đồng, tổng thu nhập cá nhân mỗi năm trên 100 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương là 1,5 – 2 triệu đồng/ tháng. Theo anh Mùi, hiện nay có nhiều thanh niên đến trang trại của anh học cách làm giàu, không những hướng dẫn về kỷ thuật chăn nuôi mà anh còn tư vấn cho họ làm thủ tục vay vốn Ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Đoàn thanh niên.

Một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi khác là Nguyễn Minh Đức, sinh năm 1980 ở thôn Song Nam - Cương Gián – Nghi Xuân. Biết tận dụng vị trí địa lý của vùng biển quê anh, thông qua tổ chức đoàn anh đã vay từ ngân hàng CSXH số vốn 20 triệu đồng đầu tư nuôi nghêu trên diện tích 05ha, dù có những khó khăn trong bước đầu khỏi nghiệp, nhưng sau hai năm vượt khó anh đã thành công, lãi ròng hàng năm là từ 80 – 100 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động là thanh niên địa phưong với mức lương 2 triệu đồng.

Trên các địa phương nông thôn ở Hà Tĩnh còn có rất nhiều mô hình kinh tế khác đã giúp thanh niên có nghị lực thoát nghèo bằng chính nguồn vốn của Ngân hàng CSXH. Theo anh Trần Thanh Hải ở Thôn Yên Liễu – Xuân Yên – Nghi Xuân là ông chủ trẻ 8X với mô mộc dân dụng và đóng thuyền đánh cá: “đã làm kinh tế thì vốn bao nhiêu cũng không đủ, dù ít hay nhiều thì nguồn vốn từ ngân hàng CSXH cho thanh niên vay lập nghiệp thật đáng quý”. Mô hình mộc không những đã làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, bên cạnh đó đã giải quyết việc làm cho 10 thanh niên khác trong xã với thu nhập 2,5 triệu đồng. Ở xã Mai Sơn, một xã nhỏ của huyện Hương Sơn cũng đã có tới 10 mô hình thanh niên vay vốn làm kinh tế đang từng bước có hiệu quả.

Trại chăn nuôi của đoàn viên Võ Thế Mùi, ở xã Đức Lạng - Đức Thọ
Trại chăn nuôi của đoàn viên Võ Thế Mùi, ở xã Đức Lạng - Đức Thọ

Đánh giá về vai trò nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đối với thanh niên, anh Nguyễn Hữu Thắng – Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Hầu hết các hộ thanh niên nghèo, hộ nghèo có thanh niên đều được tiếp cận vốn vay. Nguồn vốn vay ưu đãi thực sự trở thành động lực thúc đẩy thanh niên thực hiện ước mơ làm giàu trên quê hương. Hạn chế được một phần thanh niên ly hương tìm kiếm việc làm tại các địa phương khác, đồng thời giúp đỡ tổ chức Đoàn thực sự đồng hành với thanh niên trong việc lập thân, lập nghiệp”.

Thời gian qua, Ngân hàng chính sách và tổ chức Đoàn thanh niên các cấp đã phối hợp triển khai việc uỷ thác, đến hết ngày 31/3/2010, tổng dư nợ uỷ thác qua tổ chức Đoàn là 190 tỷ đồng với 406 tổ tiết kiệm và vay vốn. Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn... là những đơn vị quản lý vốn có hiệu quả và có nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi thông qua nguồn vốn vay của ngân hàng CSXH.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast