Hồ cạn, kênh khô và thách thức hạn hán

Người xưa vẫn bảo “mưa tháng sáu, máu rồng”. Thế mà, cả tháng nay những trận mưa xuất hiện hiếm hoi không đủ để làm ướt hết mặt ruộng khô trắng vì nắng hạn. Trong khi đó, nhiều hồ đập đang dần cạn kiệt, thiếu nước, cây trồng hè thu phải đối mặt với tình trạng hạn hán trên diện rộng…

Hồ cạn, kênh khô

Dù nắng nóng có phần bớt gay gắt hơn mọi năm, đổi lại các đợt nắng lại kéo dài dai dẳng, vì thế mà những trận mưa theo đó cũng hiếm hoi hơn. Trong khi đó, lúa hè thu đang bước vào giai đoạn đứng cái, làm đòng; đậu bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, nước là yếu tố không thể thiếu, giúp quyết định năng suất của các loại cây trồng. Không chỉ vậy, nó còn đóng vai trò đắc lực trong công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây lúa khỏi một số loài dịch hại, nhất là cào cào, chuột. Ấy thể mà suốt cả tháng 6 này, trên toàn tỉnh gần như không xảy ra mưa lớn, có chăng chỉ là vài ba trận mưa rào chưa đủ thấm đất.

Tình trạng thiếu nước sản xuất đã “gõ cửa” từng góc ruộng vùng thượng như Hương Sơn, Đức Thọ và một số xã của Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà… Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, đợt nắng nóng vừa qua đã làm nhiều hồ, đập bị cạn nước, trong đó chủ yếu là các hồ đập vừa và nhỏ. Đặc biệt là những vùng canh tác xa vùng tưới, các xã cuối kênh và nơi không chủ động nguồn nước đã gần như không có nước phục vụ sản xuất trong nhiều ngày qua. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết: “Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 800 ha lúa; 2.500 ha màu bị thiếu nước. Ngay như cây chịu hạn như đậu, mọi năm đã cho thu hoạch lứa đầu tiên rồi thế mà năm nay gió lào quất liên hồi khiến cây không phát triển nổi, héo rũ, khô tàn”. Đi giữa chiều hè bỏng rát, chúng tôi không khó để nhận ra những thửa ruộng nứt nẻ, khô khốc đang “há mồm” chờ nước.

Lòng hồ Nhà Đường (Can Lộc) đã cạn trơ đáy

Lòng hồ Nhà Đường (Can Lộc) đã cạn trơ đáy

Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán này là các xã lấy nước tưới từ hồ Khe Mơ như xã Sơn Hàm, Sơn Trường và Thị Trấn Phố Châu. Do bị vỡ từ trận lụt năm 2010, hiện nay đập đang sửa chữa nên chưa thể tích nước. Theo thống kê ban đầu, số diện tích thiếu nước trầm trọng lên đến khoảng 300 ha lúa và sẽ tăng lên nếu một vài ngày tới trời không mưa. Thiếu nước, lúa, đậu chuyển màu vàng cháy, thậm chí nhiều mảng bị cháy khô, cụt ngũn. Ông Nguyễn Văn Lưu (TT Phố Châu) ngao ngán: “Đất cát thế này thì trông mong gì được hả chị! Mưa chưa kịp thấm đất thì gió Lào đã cuốn khô rang cả. Kỳ bón thúc đòng đã đến, nếu không có nước thì mùa này coi như đã thất bại”. Cực chẳng đã, nước trên các hồ đập trên địa bàn huyện đang giảm mạnh, kể cả con sông Ngàn Phố mênh mông là vậy mà giờ đây cũng có nhiều đoạn cạn trơ, thấy rõ mồn một những cồn cát.

Sáng kiến máy bơm dã chiến của nông dân Kỳ Anh

Sáng kiến máy bơm dã chiến của nông dân Kỳ Anh

Nông dân Kỳ Anh cũng đang “bạc mặt” để chống hạn, cứu lúa. Hiện toàn huyện có khoảng 300 ha bị hạn, trong đó nặng nhất là tại các xã cuối kênh tưới như: Kỳ Phú, Kỳ Văn, Kỳ Ninh, Kỳ Thư. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu nước đầu nguồn ở các hồ, đập trong khi vùng tưới này cách trung tâm tưới đến hàng chục km (nơi xa nhất gần 30 km). Tuy nhiên, phần nhiều vẫn do tập quán canh tác không đắp bờ giữ nước cho đồng ruộng, thậm chí là chưa hình thành được tinh thần sẻ chia và ý thức tiết kiệm nước cho vùng xa hơn khi một số hộ dân vẫn tự ý xẻ kênh lấy nước một cách vô tội vạ! Thế cho nên, dẫu các đơn vị quản lý đã gồng hết sức cũng khó lòng điều hành tốt nguồn nước cho vụ sản xuất hè thu. Nhiều ngày trôi qua, con kênh chảy qua xã Kỳ Phú cạn trơ, lòng đáy nứt nẻ, khô cằn. Những nhát cuốc nện xuống mặt ruộng nền đất cát pha như muốn bật ngược trở lại. Cơn nắng hạn vì thế mà càng thêm bỏng rát, khốc liệt hơn.

Diện tích hè thu bị bỏ hoang tập trung nhiều nhất là ở Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh... Người nông dân có cái lý của họ. Chật vật bán mặt cả mùa, liệu ai dám đặt bát cơm của mình để “đánh cuộc” với ông trời?!

Nỗ lực cứu lúa

Không giống những vùng chủ động nước, người nông dân vùng hạn đang thức trắng cùng đồng ruộng để cứu lúa. Tất cả nguồn nước đều được huy động, từ trạm bơm xã, phương tiện bơm dã chiến đều được tận dụng triệt để. Không ít bà con ở Kỳ Anh còn sáng kiến máy bơm tự chế từ máy của xe máy mình để chắt chút nước còn lại của ao hồ đổ vào ruộng nhà. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Rác cho biết: “Diện tích tưới của hệ thống thủy lợi sông Rác trong vụ hè thu gần 5.000 ha. Tuy nhiên vì khoảng cách vùng tưới xa trong khi hệ thống kênh mương đi qua các xã đã xuống cấp nặng nề khiến cho công tác tưới gặp không ít khó khăn. Trong mấy ngày qua, công ty đã đóng tất cả các cống tưới để dồn nước về cho các xã cuối kênh. Nhờ sự phối hợp kịp thời của huyện Kỳ Anh, do vậy đã hạn chế hành vi tự ý đào, xẻ kênh lấy nước. Đến thời điểm này, nước đã về các vùng hạn xa nhất và sẽ kéo dài đến hết 7/8, nhằm đảm bảo nguồn nước đến được khắp các đồng ruộng”. Có mặt tại xã Kỳ Phú vào ngày đầu tiên đón nước, đâu đâu chúng tôi cũng gặp những gương mặt phấn khởi, tươi vui. Mọi người tranh thủ ra đồng để lấy nước cho ruộng nhà, có người dẫu chưa đến lượt nhà mình cũng muốn ra tận mắt nhìn dòng nước mát sau những ngày khô hạn. Ông Nguyễn Đình Dinh, xóm Phú Thượng cho biết: “Suốt 20 ngày mặt ruộng không có giọt nước nào, chúng tôi gần như phát hoảng. Ngay khi có nước, gia đình tôi tập trung lực lượng, phương tiện máy móc để lấy đủ cho ruộng nhà. Hi vọng cây lúa sẽ hồi sinh sau đợt bón thúc đòng sắp tới”. Để tiết kiệm nguồn nước, theo sự điều tiết các xóm sẽ thực hiện theo phương án luân phiên, trước hết là ưu tiên cho vùng cao và vùng xa.

Bà con nông dân xã Kỳ Phú (Kỳ Anh) phấn khởi đón nước sau những ngày hạn hán

Bà con nông dân xã Kỳ Phú (Kỳ Anh) phấn khởi đón nước sau những ngày hạn hán

Không đến nỗi chật vật như ở Kỳ Anh nhưng nước tại các hồ đập trên địa bàn huyện Can Lộc cũng đang giảm nhanh trông thấy. Đứng trên hồ Nhà Đường, lòng hồ chỉ còn lại mấy con thuyền mắc cạn; những cồn cát lớn nhỏ nằm la liệt trơ đáy. Từ 4 triệu m3 nước, có khả năng tưới cho trên 600 ha bây giờ không còn đủ ¼ lượng vốn có; cos chỉ còn lại 15,5 m (theo thiết kế là 21,2m). Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc cho biết: “Với lượng nước này thì chỉ còn đủ cầm cự cho vùng trên của xã Thiên Lộc, số diện tích con lại chúng tôi điều tiết nước trực tiếp nước từ trạm bơm Cầu Cao về cho đồng ruộng. Đây không phải là trường hợp duy nhất trong vùng. Mấy ngày hôm nay, các trạm bơm hoạt động liên tục cả ngày cả đêm, vừa phục vụ dã chiến chống hạn, vừa tạo nguồn cho các xã xa nguồn nước của huyện Can Lộc và một số xã huyện Lộc Hà”.

Trạm bơm Cầu Cao của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc hoạt động liên tục nhằm cung cấp nguồn nước cứu hạn cho cây trồng

Trạm bơm Cầu Cao của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Can Lộc hoạt động liên tục nhằm cung cấp nguồn nước cứu hạn cho cây trồng

Với cách điều chuyển nước khoa học, hợp lý này, huyện lúa Can Lộc dường như không hề hay biết đến cơn nắng hạn đang hoành hành. Đến thời điểm này, gần như tất cả các chân ruộng đều đủ nước, lúa xanh màu mướt mát, no đủ.

Nắng nóng vẫn chưa có vẻ gì muốn kết thúc, cuộc chiến cam go giữa một bên là ý chí quyết tâm giữ lúa của bà con nông dân và một bên là sự tàn khốc của thời tiết chỉ vừa mới bắt đầu. Không thể chậm trễ, các cấp chính quyền cần có động thái tích cực, phối hợp với các công ty thủy lợi, nhằm quản lý, điều tiết nguồn nước đúng, đủ và tiết kiệm nhất cho thời kỳ quan trọng nhất của vụ hè thu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast