Hội thi tuyên truyền xây dựng NTM ở Đức Thọ - "Một mũi tên trúng hai đích"

Xác định CTMTQG xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài đòi hỏi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, thời gian qua, huyện Đức Thọ đã chỉ đạo 27 xã trong huyện tổ chức Hội thi tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức khác nhau đến tận mọi người dân, trong đó hình thức sân khấu hoá đã đem lại hiệu quả hết sức thiết thực.

Mỗi xã tổ chức một Hội thi mà các đội chơi tham gia là các thôn xóm tại đơn vị. Chương trình thường trải qua ba phần thi gồm: Màn chào hỏi, phần thi kiến thức và phần thi tài năng. Nội dung của Hội thi xoay quanh các kiến thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Các tiêu chí, nội dung, giải pháp về xây dựng nông thôn mới; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông thôn mới; các Nghị định, Nghị quyết, thông tư hướng dẫn về chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân…

Nhờ các Hội thi NTM mà truyền thống hát dân ca Nghệ Tĩnh trong nhân dân đang có nguy cơ thất truyền lại được khôi phục trở lại một cách mạnh mẽ. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Nhờ các Hội thi NTM mà truyền thống hát dân ca Nghệ Tĩnh trong nhân dân đang có nguy cơ thất truyền lại được khôi phục trở lại một cách mạnh mẽ. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Mục đích chính của Hội thi là nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần chung tay xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Bên cạnh đó, sau khi các hội thi diễn ra, nhiều người đã nhận ra rằng: Nhờ có chương trình này mà truyền thống hát dân ca Nghệ Tĩnh trong nhân dân đang có nguy cơ thất truyền lại được khôi phục trở lại một cách mạnh mẽ.

Bao đời nay, dân ca Nghệ Tĩnh là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, truyền thống này vẫn tồn tại và ăn sâu vào tiềm thức của bao lớp lớp người con miền quê nơi đây. Nhưng trước sự du nhập của nhiều nền văn hóa ngoại lai khi chúng ta mở cửa nền kinh tế thị trường thì có một thực tế đáng buồn là dân ca Nghệ Tĩnh đang dần bị mai một.

Kể từ khi có sự chỉ đạo của các tổ chức đoàn thể về việc thực hiện tổ chức Hội thi tuyên truyền tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu như đêm nào cũng vậy, sau những ngày làm việc vất vả với ruộng vườn hay đi buôn bán, những người nông dân lại tập trung về các hội quán thôn xóm để tham gia tập luyện chuẩn bị cho Hội thi tại xã. Trong đó tham gia đủ mọi thành phần, lứa tuổi: từ những cụ cao tuổi cho đến các bạn trẻ thanh niên, rồi phụ nữ, cựu chiến binh… tất cả đều hăng say quyết tâm tập luyện để phấn đấu “giật giải” về cho thôn mình.

Vì đây là hội thi mang tính sân khấu hoá cho nên các phần thi như chào hỏi, tài năng đã được các diễn viên, nghệ sỹ không chuyên thực hiện chủ yếu bằng cách thông qua các câu hò, điệu ví, câu hát dặm truyền thống của quê hương. Từ cách giới thiệu thành viên đội thi cho đến việc nói về các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới đều được các tác giả “người nhà” viết và chuyển thể thành những câu hát dân ca Nghệ Tĩnh mượt mà quen thuộc.

Những ngày tập luyện cho đến lúc diễn ra hội thi, bên cạnh mục tiêu tuyên truyền để nhân dân hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới thì vô hình chung đã có một vấn đề khác được thực hiện mà từ lâu nay ngành văn hoá đang thực hiện nhưng chưa đem lại hiệu quả, đó chính là việc khôi phục và giữ gìn truyền thống hát dân ca Nghệ Tĩnh của người dân, mà đặc biệt là lớp trẻ hôm nay.

Tại buổi báo cáo tổng kết hội thi của xã Bùi Xá, ông Bùi Xuân Hạ - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Bên cạnh thành công của Hội thi là việc tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và đúng hơn về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nắm được 19 tiêu chí của chương trình thì thời gian qua cũng là dịp để toàn thể nhân dân chúng ta – những người con Nghệ Tĩnh có cơ hội để cùng nhau hát lên những câu hát dân ca, những câu hò điệu ví, lời ru của quê hương mà lâu nay mọi người đang dần quên lãng…”

Về với xã Đức Lâm, chị Lệ Thuỷ - thành viên đội chơi Ngọc Lâm cho biết: “Nhờ có chương trình hội thi này mà chị em chúng tôi có dịp được ôn lại và được cất lên những làn điệu dân ca của quê hương mình, thế hệ trẻ cũng đã được nghe, tập hát những câu hò điệu ví mà các em hầu như không biết đến hoặc không quan tâm và quên lãng”.

Hội thi có đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia, đặc biệt trong đó có các bạn trẻ - tương lai của quê hương đất nước. Cứ mỗi đêm diễn lại có hàng nghìn người dân tập trung về nhà văn hoá xã để trực tiếp xem và cổ vũ cho các đội thi, những ai không đi được thì ở nhà nghe qua hệ thống loa phát thanh của xã. Và với những người tâm huyết như ông Hạ, chị Thuỷ bên cạnh, khi thế hệ thanh niên hiểu và biết hát những câu hò điệu ví thì chắc rằng truyền thống hát dân ca Nghệ Tĩnh trong tương lai nơi đây sẽ vẫn còn tồn tại.

Huyện Đoàn Đức Thọ

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast