Hương Khê vượt khó, làm lại vụ đông

Dù phải đối mặt với bao khó khăn do hậu quả từ 2 trận lũ lịch sử vừa qua nhưng huyện "rốn lũ" Hương Khê vẫn quyết làm lại vụ đông với tinh thần chủ động nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân và cung cấp thức thức ăn cho gia súc khi mùa mưa rét đang đến gần.

Những ngày qua, dù lên các xã vùng cao hay những xã vùng hạ của huyện Hương Khê, chúng tôi đều chứng kiến đông đảo bà con nông dân bám đồng vun cây, làm đất. Chị Đinh Thị Hoa, xóm 6, xã Lộc Yên cho biết: "Đám ngô này đã làm đi làm lại mấy lần rồi mà vẫn chưa được vì đất còn ướt quá nhưng nếu chờ thêm thời gian nữa thì lại quá thời vụ. Nếu không gieo được ngô thì gia đình sẽ vun luống trồng khoai. Phải trồng cái gì đó xuống và hy vọng có thu hoạch để giải quyết cái đói đã thấy trước mắt…".

Sản xuất vụ đông không chỉ góp phần bổ sung lương thực cho người mà còn có thức ăn phục vụ chăn nuôi
Sản xuất vụ đông không chỉ góp phần bổ sung lương thực cho người mà còn có thức ăn phục vụ chăn nuôi

Không chỉ gia đình chị Hoa, nhiều bà con nông dân ở Phú Gia, Hương Trạch, Hương Trà… đều có mặt ngoài đồng ngay khi nước lũ vừa rút để tiến hành trồng dăm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho những diện tích còn sống sót sau cơn đại hồng thủy. Tranh thủ thời tiết khô ráo, bà con đang tập trung nhân lực vun luống cao cho đất nhanh ráo để trỉa ngô.

Theo phòng NN&PTNT, chỉ tiêu đạt ra cho toàn huyện là: 300 ha ngô vụ đông, 900 ha ngô vụ đông muộn- Xuân sớm, 300 ha khoai lang, 700 ha rau và đậu các loại. Những giống ngô ngắn ngày như:Ngô nếp lai 1, ngô đường lai 10(thời gian sinh trưởng 70 ngày), VN2…đang được bà con nông dân lựa chọn. ở nhưng vùng đất còn nước không thể trồng ngô, bà con cho biết, sẽ trồng khoai lang, đậu, rau các loại để chống đói và làm thức ăn cho gia súc.

Đối với những vùng tập trung cây ăn quả như Phúc Trạch, Hương Trạch…, ngay sau khi nước rút, huyện, xã đã chỉ đạo bà con triển khai các biện pháp: khơi rãnh để thoát nước dư, đọng còn lại sau lũ; bổ sung các loại phân bón qua lá để cây mau phục hồi quang hợp và phát triển; bón vôi khử chua kết hợp với bón phân NPK quanh tán cây sau khi nước lũ rút 1-2 tuần; đối với những cây đã bị chết do ngập nước hoặc bị bệnh đều đã được chặt bỏ để loại trừ nguồn bệnh…

Ngoài những công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng vượt khả năng khôi phục của địa phương, cần xin cấp trên hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, những công trình hư hỏng nhỏ còn lại, huyện đã và sẽ phát tiếp tục phát động chiến dịch ra quân làm thủy lợi, giao thông nội đồng để phục vụ sản xuất.

Ông Lê Trần Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ngay sau khi lũ rút, huyện đã có phương án bổ cứu sản xuất vụ đông. Theo đó, ngoài đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho 22 xã, thị trấn, đề án còn đề ra các giải pháp, cách tổ chức thực hiện cụ thể; phân công các đơn vị, các ngành chức năng bám sát cơ sở, kịp thời chỉ đạo, tổ chức cho bà con thực hiện trên tinh thần khẩn trương, đúng quy trình…Toàn bộ 28 tấn ngô giống, 3 tấn hạt rau các loại đã được chuyển về cơ sở. Để đảm bảo diện tích đề ra, hiện huyện đang tiếp tục mua giống cung cấp cho bà con.

Hiện tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có Hương Khê đang gặp những khó khăn không dễ tự mình khắc phục. Trước tiên là phân bón. Sau trận lũ, hầu hết lượng phân chuồng phục vụ sản xuất đã trôi theo dòng nước. Cùng với đó, sức kéo cũng đã giảm sút đáng kể do trâu bò chết, ốm yếu do lũ lụt. Và đáng kể nữa là sự hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng của các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng…Những khó khăn trên đang cần có chính sách, sự hỗ trợ từ cấp trên và các tổ chức, cá nhân, các nhà sản xuất mới có thể giúp bà còn vùng "rốn lũ" vượt qua thời điểm khó khăn này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast