Hương Sơn chủ động phòng chống dịch "tai xanh"

Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm ở Hương Sơn chưa có biểu hiện gì với các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, không vì thế mà chính quyền huyện, ngành chuyên môn tự mãn, chủ quan trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch"tai xanh" vốn đang hoành hành tại 13 tỉnh, thành trong cả nước như hiện nay.

Theo ông Phan Xuân Đức - Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện, thực hiện Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 15 - 4 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tiếp thu các biện pháp đối phó với dịch "tai xanh" ở lợn của BCĐ phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh, từ ngày 28 - 4, huyện đã chủ động thành lập chốt kiểm dịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh và bố trí cán bộ liên ngành để kiểm soát gia súc nhập vào địa bàn từ 2 huyện tiếp giáp là Thanh Chương và Nam Đàn (Nghệ An).

Chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh tại địa bàn xã Sơn Tiến - nơi giáp ranh với vùng dịch Nghệ An
Chốt kiểm dịch trên đường Hồ Chí Minh tại địa bàn xã Sơn Tiến - nơi giáp ranh với vùng dịch Nghệ An

Cùng thời điểm đó, huyện đã ban hành quyết định 806/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật.

Ngày 3 - 5, đoàn liên ngành huyện đã trực tiếp về một số địa phương có nguy cơ cao về phát sinh dịch như: Sơn Trung, Sơn Tiến, Sơn Hòa, Sơn Thịnh để kiểm tra công tác triển khai đối phó với dịch "tai xanh" cũng như việc kiểm soát giết mổ động vật và vệ sinh thú y, đồng thời chỉ đạo các địa phương tiến hành ký cam kết với các chủ hộ buôn bán không được vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ nơi đang có dịch vào địa bàn huyện.

Một ngày sau, nhận được thông tin hộ chị Trần Thị Linh, xóm Khe Sú, xã Sơn Kim 1, vừa mua bổ sung 20 con lợn nái hậu bị (từ 3 - 5 tháng tuổi) tại Trại giống ông Mai, xã Nam Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trạm thú y đã cử cán bộ trực tiếp làm việc. Qua kiểm tra, số lợn đó đều đã được tiêm phòng định kỳ và không có biểu hiện gì với một trong số các bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, cơ quan chuyên môn huyện đã yêu cầu chủ hộ tiêu độc vệ sinh chuồng trại, môi trường khu vực chăn nuôi hàng ngày, đồng thời đảm bảo các chế độ ăn uống hợp lý cho đàn gia súc trong những ngày nắng nóng gay gắt.

Ngoài tập trung xử lý các sự vụ mang tính đột xuất, UBND huyện đã giao cho Trạm Thú y soát xét lại công tác tiêm phòng trong đợt 1 vừa qua.

Kết quả cho thấy: vắc xin LMLM tiêm được 22.398 liều, đạt 86% kế hoạch; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò tiêm được 20.060 liều, đạt 77% kế hoạch; vắc xin dịch tả lợn tiêm được 5.035 liều, đạt 42% kế hoạch; vắc xin tụ huyết trùng lợn tiêm được 4.253 liều, đạt 36% kế hoạch; vắc xin LMLM lợn tiêm được 1.167 liều, đạt 32% kế hoạch; vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà tiêm được 84.285 liều, đạt 101% kế hoạch; vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt tiêm được 13.316 liều, đạt 130% kế hoạch.

Được đánh giá là địa phương có tỷ lệ tiêm vào loại cao trong tốp đầu của tỉnh nhưng các mũi vắc xin liên quan đến đàn lợn ở Hương Sơn vẫn chưa quá bán. Điều đó ít nhiều phản ánh, nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, nhất là các chủ hộ chăn nuôi lợn ở Hương Sơn vẫn còn những hạn chế nhất định, đồng nghĩa nguy cơ bùng phát dịch tại chỗ vẫn có thể xẩy ra vào bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Dương Quốc - Trưởng Trạm Thú y huyện, dịch "tai xanh" là một trong những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh nên việc chủ động phòng dịch phải được đặt ra cấp thiết.

Do đó, cùng với tăng cường thông tin tuyên truyền trên truyền hình huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở nhằm nâng cao nhận thức phòng chống dịch cho nhân dân, trạm đang khẩn trương tiến hành tiêm phòng cho những loại vắc xin đạt tỷ lệ thấp, trong đó, đặc biệt lưu ý đến các mũi tiêm cho đàn lợn như: dịch tả, tụ huyết trùng, LMLM.

Thời gian tới Trạm thú y huyện sẽ tham mưu với huyện phát động tiêu độc khử trùng môi trường trên toàn địa bàn với 690 lít hóa chất Benkocid vừa được Sở NN&PTNT cung ứng từ nguồn dự trữ quốc gia; quy hoạch khu tiêu hủy gia súc bất hợp pháp trong trường hợp bị bắt giữ tại chốt kiểm dịch; tiếp tục tăng cường việc nhập gia súc giống vào địa bàn thông qua các công ty, trang trai chăn nuôi hay dưới danh nghĩa các chương trình, dự án; tổ chức giám sát dịch đến tận hộ nhằm phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm, tránh lây lan dịch ra diện rộng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast