Hương Sơn khẩn trương sản xuất vụ đông

Hương Sơn gieo trỉa được hơn 750 ha cây trồng vụ đông thì ngay sau đó gặp phải mưa lớn kéo dài làm gần 250 ha diện tích bị hư hại hoàn toàn. Mấy ngày gần đây trời hửng nắng bà con nông dân lại tay cuốc tay, tay cày khẩn trương ra đồng làm đất, gieo trỉa với phương châm “không bỏ hoang diện tích cây trồng vụ đông”.

Bà con nông dân xóm Tân Hồ xã Sơn Tân làm đất cây trồng vụ đông
Bà con nông dân xóm Tân Hồ xã Sơn Tân làm đất cây trồng vụ đông

Trời hửng nắng trên khắp cánh đồng huyện Hương Sơn đi đâu cũng bắt gặp bà con nông dân tay cuốc, tay cày làm đất ,gieo trỉa cây trồng vụ đông cho kịp thời vụ.

Sơn Quang là một địa phương có truyền thống về cây trồng vụ đông, đặc biệt là cây ngô có diện tích và năng suất sản lượng cao nhất nhì huyện. Ngay sau khi thu hoạch xong lúa Hè Thu bà con nông dân xã Sơn Quang không kịp nghỉ ngơi lại tiếp tục ra đồng làm đất, gieo trỉa trên diện tích 110 ha cây trồng vụ đông. Thế nhưng, mấy ngày sau đó gặp phải mưa to kéo dài hơn 30 diện tích ngô đông của các xóm vừa mới gieo trỉa bị ngập nước hư hỏng hoàn toàn. Mưa cũng đã làm cho nhiều diện tích khác ngập nước bà con nông dân cũng không thể tiến hành làm đất. Nhiều hộ dân ở đây tỏ ra lo lắng bởi vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm của gia đình. Mặt khác, cây ngô còn là nguồn thức chủ yếu cho đàn hươu hơn 850 con trong toàn xã…Ngày nào người dân cũng ra đồng tháo nước cho đất mau khô…và khi trời quang mây tạnh bà con nông dân lại hào hứng ra đồng làm đất, gieo trỉa. “ Hiện tất cả các loại giống về ngô và rau mau các loại đã được chuẩn bị đầy đủ nếu thời tiết thuận lợi chỉ gần một tuần Sơn Quang sẽ gieo trỉa hết diện tích trên.” Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã - khẳng định.

Rời Sơn Quang chúng tôi về xã Sơn Trung. Tại đây hàng trăm người dân đang tất bật làm đất trên khắp cánh đồng. Anh Phạm Văn Quỳnh – thôn Tân Tràng cho biết: Gia đình anh làm hơn 7 sào ngô vụ đông nhưng bị chậm thời vụ do ảnh hưởng của thời tiết nên khi thấy trời hửng nắng cả nhà ra đồng làm đất ngay. Có lúc ăn cơm trưa ngay tại đồng ruộng để tranh thủ thời gian làm đất, gieo trỉa cho hết diện tích trên…Ông Trần Song Hào – Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho hay: Mấy ngày này ở Sơn Trung chỉ có ông già và trẻ nhỏ ở nhà còn tất cả mọi người đều có mặt trên khắp cánh đồng để sản xuất vụ đông. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương huy động bà con tích cực ra đồng sản xuất, đến thời điểm này toàn xã đã làm đất và gieo trỉa được hơn 70 ha trên tổng số diện tích 170 ha.

Sản xuất cây trồng vụ Đông là thế mạnh của huyện Hương Sơn và luôn được chính quyền và nhân dân huyện Hương Sơn đặc biệt chú trọng. Theo ông Phan Xuân Đức – Phó phòng NN- PTNT huyện Hương Sơn thì vụ Đông năm 2011 toàn huyện Hương Sơn phấn đấu gieo trỉa 2.400 ha ngô, lạc và rau màu các loại. Tuy nhiên, vụ đông năm nay chậm hơn 20-25 ngày so với những năm trước, gây ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng của vụ mùa. Đặc biệt là một số cây trồng ưa ấm như: ngô, lạc, khoai lang rất khó hoàn thành theo kế hoạch nên huyện chỉ đạo các xã chủ động rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Theo đó, diện tích ngô, khoai lang, lạc giảm 30% so với năm ngoái. Thông thường những năm trước đến 25/9 là sẽ kết thúc giai đoạn gieo trồng cây vụ Đông để kịp thu hoạch cho sản xuất vụ xuân. Nhưng năm nay, lúa Hè thu thu hoạch muộn. Nếu gieo trồng cây vụ Đông thì sẽ không kịp thu hoạch để gieo trồng cây vụ Đông xuân cho đúng thời vụ nên bà con rất ngại trồng. Ở đây, ngô chiếm phần lớn diện tích cây trồng vụ Đông. Nếu muốn trồng phải làm bầu trước do đó bà con cũng rất ngại, vì làm bầu rất công phu mất nhiều thời gian. Một khó khăn khác là ngay sau khi toàn huyện gieo trỉa được 750 ha ngô vụ đông thì do ảnh hưởng của các cơn bão gây ra mưa lớn làm hơn 250 ha bị ngập nước hư hỏng hoàn toàn.

Vượt qua khó khăn, huyện Hương Sơn đang nỗ lực chỉ đạo quyết liệt bằng những giải pháp cụ thể để vụ đông năm 2011 không chỉ hoàn thành kế hoạch giao mà còn đạt năng suất, sản lượng cao mang lại niềm vui được mùa cho bà con nông dân nơi đây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast