H­ương Sơn tập trung phòng chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất vụ đông sau lũ

Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ vừa qua, hiện nay công tác đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, vệ sinh môi trường và khôi phục sản xuất đặt ra hết sức bức thiết đối với huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã tập trung vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và triển khai khôi phục sản xuất vụ đông...

Với phương châm: “Nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, huyện Hương Sơn đã thành lập các đoàn công tác với thành phần chủ chốt là các y, bác sĩ Trung tâm y tế dự phòng và Bệnh viện đa khoa huyện trực tiếp xuống tận các xã bị ngập lũ cấp phát thuốc khử khuẩn vệ sinh môi trường và khám chữa chữa bệnh cho bà con nhân dân.

Cán bộ TTYT dự phòng huyện phun thuốc phòng dịch tai các xã ngập lụt
Cán bộ TTYT dự phòng huyện phun thuốc phòng dịch tai các xã ngập lụt

Cán bộ ngành y tế huyện cũng tư vấn, hướng dẫn cho bà con nhân dân cách phòng chống, phát hiện sớm các bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và cách xử lý môi trường, nguồn nước sinh hoạt đảm bảo phòng chống dịch bệnh theo đúng kỹ thuật.

Các y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn trực tiếp cấp phát thuốc và khám chữa bệnh cho người dân tại các xã vùng lũ
Các y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn trực tiếp cấp phát thuốc và khám chữa bệnh cho người dân tại các xã vùng lũ

Bác sỹ Lê Nhật Thành – Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Hương Sơn cho biết: “Trong mấy ngày qua, cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn, đội ngũ y tế thôn bản, phối hợp cùng cấp uỷ chính quyền địa phương huy động nhân dân ra quân thực hiện vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Trung tâm y tế dự phòng huyện còn phối hợp với đoàn Quân y Thanh Hóa phun thuốc khử khuẩn các đường làng, ngõ xóm, trường học, chợ…Đến nay (26/10), đơn vị đã hoàn thành công tác phun hóa chất vệ sinh phòng dịch trên 22/22 xã bị ngập lũ”.

Huyện Hương Sơn đã tổ chức phát trên 13 cơ số thuốc phòng chống các bệnh như: đau mắt đỏ, tiêu chảy, cảm cúm, viêm phổi, bệnh ngoài da….Cấp trên 7 tạ CloraminB, 70 ngàn viên thuốc Aqua, trên 2 tạ keo và 30 ngàn gói làm trong nguồn nước trực tiếp cho 22/22 xã thị trấn bị ngập lụt. Hiện tại, các xã vùng bị ngập lũ đang tiếp tục tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, phun hoá chất khử khuẩn; hơn 18.000 giếng nước được xử lý nguồn nước phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con nhân dân

Người dân xã Sơn Thịnh vệ sinh môi trường, xử lý rác thải
Người dân xã Sơn Thịnh vệ sinh môi trường, xử lý rác thải

Bên cạnh tập trung làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, ngay sau khi nước lũ rút, cùng huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương khôi phục sản xuất vụ đông.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Vừa thiệt hại về tài sản, lương thực tích trữ, vừa mất trắng toàn bộ diện tích cây trồng vụ hè thu - mùa và vụ đông do lũ nên nguy cơ thiếu đói trong mùa giáp hạt của bà con vùng lũ Hương Sơn là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, việc khôi phục tối đa diện tích trong điều kiện có thể, là một trong những vấn đề được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động nhân dân bằng mọi biện pháp khôi phục lại một số diện tích đang có khả năng phục hồi; tiến hành làm đất gieo trỉa lại những diện tích bị mất trắng, phấn đấu đạt diện tích 2.000 ha ngô. Hiện huyện đã đưa về 16 tấn ngô giống cấp phát cho nhân dân để nước rút đến đâu, làm đất gieo trỉa đến đó”.

Nhân dân xã Sơn Trung (Hương Sơn) chăm sóc số diện tích ngô còn sót lại sau lũ

Nhân dân xã Sơn Trung (Hương Sơn) chăm sóc số diện tích ngô còn sót lại sau lũ

Vì thời vụ đã muộn nên huyện chủ trương cơ cấu các loại giống ngắn ngày như MX2, MX4, VN2, VN6... và khuyến khích nhân dân thực hiện theo phương pháp gieo ngô bầu, ngô mạ. Với phương châm “Vớt vát được chút lương thực nào hay chút đó” và “Không làm được thức ăn cho người thì làm thức ăn gia súc”, những ngày qua, nhân dân các địa phương đang tranh thủ từng giờ ra đồng xới xáo, dặm tỉa những diện tích còn có khả năng phục hồi, đồng thời những vùng nước đã rút, khẩn trương tiến hành làm gieo trỉa lại.

Hiện huyện đã đưa về 16 tấn ngô, 2,6 tạ hạt cải giống cấp phát cho nhân dân để nước rút đến đâu, làm đất gieo trỉa đến đó.

Hiện huyện đã đưa về 16 tấn ngô, 2,6 tạ hạt cải giống cấp phát cho nhân dân để nước rút đến đâu, làm đất gieo trỉa đến đó.

Chị Lài ở xóm 1, xã Sơn Trung cho biết: "Nhà tôi trồng gần 2 sào, trong đó hơn một nửa hư hỏng hoàn toàn, số còn lại có thể khôi phục. Ngay khi nước lũ vừa rút, tôi đã ra dọn dẹp ghét rác, rửa bùn trên cây, trên lá, sau đó nước xuống hẳn thì tiến hành xới xáo lại hàng, vun gốc cho cây ngay thẳng rồi tiến hành bón phân thúc để cây mau hồi phục. Số diện tích hư hỏng hoàn toàn hiện đã làm đất xong xuôi, vài ngày nữa đất khô hẳn là xuống giống. Tuy đã muộn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm bằng hết diện tích. Nếu thu được bông thì càng tốt, còn không, thân và lá ngô cũng là nguồn thức ăn vô cùng quan trọng cho hai con bò và 3 con hươu trong mùa đông khó khăn về thức ăn gia súc này".

Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết: "Vụ đông này Sơn Quang có kế hoạch gieo trỉa 120 ha ngô nhưng mới trỉa được 91 ha thì lũ đến, làm ngập 74 ha. Ngay từ hôm 22/10, khi lũ vừa rút, chúng tôi đã chỉ đạo nhân dân ra khôi phục bằng cáh dọn vệ sinh, xới xáo, vun gốc, bón phân... Nhờ vậy, trong số đó có 30 ha đã hồi phục và đang bắt đầu xanh non trở lại. Số diện tích bị hư hỏng hoàn toàn, đến thời điểm này chúng tôi cũng đã gieo trỉa xong, đảm bảo khép kín diện tích như trước lũ. Tại một số vùng đất thấp có kế hoạch trồng ngô ban đầu, nay do đất còn quá ướt, sợ quá chậm so với thời vụ nên chúng tôi chuyển sang trồng rau cải. Nước rút đến đâu,bà con sẽ làm đất trồng đến đó"...

Nhan dân xã Sơn Quang ra quân làm đất và xuống giống ngô

Nhan dân xã Sơn Quang ra quân làm đất và xuống giống ngô

Những ngày này, trên các cách đồng Hương Sơn, bên cạnh màu xanh non trở lại của số diện tích được hồi phục, bà con đang đồng loạt ra quân làm đất và xuống giống ngô. Không chỉ Sơn Quang mà nhiều xã đã xuống giống được khá như: Sơn Giang, Sơn Diệm, đã gieo trỉa được trên 40 ha; Sơn Trung, trên 30 ha...

"Bên cạnh khôi phục cây ngô, huyện cũng khuyến khích bà con tận dụng tối đa diện tích để tiếp tục trồng khoai lang và rau đậu các loại, phấn đấu trồng thêm được 400 ha khoai và 400 ha rau đậu. Hiện tại huyện cũng đã cung ứng được 2,6 tạ hạt giống rau, đủ cho nhu cầu sản xuất của bà con nhân dân" - ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast