Kè chắn sóng biến thành chợ hải sản

Ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Nhượng) đang có những chuyến biển đầy ắp cá, mực. Nhưng niềm vui được mùa khai thác hải sản đã nhanh chóng trở thành nỗi lo lắng của chính quyền và người dân nơi đây khi mà có tới nửa chiều dài của tuyến kè chắn sóng đã bắt đắc dĩ phải biến thành chợ mua bán hải sản.

Với cùng một chiếc thuyền, cùng số lượng thuyền viên như cũ nhưng suốt gần 1 tháng qua sản lượng những chuyến đánh bắt gần bờ của ngư dân Cẩm Nhượng bình quân tăng từ 10 - 15 lần, có ngày tới 20 lần so với trước đây. Tuy nhiên, khi được mùa cá cũng là là lúc họ không thể tìm được nơi tiêu thụ nên đã bị tư thương ép giá (những tháng trước với 50 kg cá mu, ngư dân bán được 3 trăm ngàn đồng thì nay chỉ được 1 trăm ngàn, có ngày còn 70 ngàn đồng). Không dừng lại ở đó, điều đáng lo nhất hiện nay là độ an toàn của tuyến kè chắn sóng đang bị đe dọa nghiêm trọng khi bị biến thành nơi neo đậu của tàu thuyền và xe tải thu mua cá.

Kè chắn sóng Cẩm Nhượng trở thành chợ hải sản
Kè chắn sóng Cẩm Nhượng trở thành chợ hải sản

Cũng như những ngư dân khác vì không có cách nào khác nên khi cập bến thuyền đánh cá với công suất 40CV của ông Nguyễn Văn Hoa ở thôn Phúc Yên phải neo đậu ở chân mái kè chắn sóng, cách bến cá cũ khoảng gần 200m. Vào đây, tuy nhanh chóng bán được cá vì xe thu mua của tư thương vào được tận nơi nhưng do vướng vào múi sắt của kè biển nên thuyền của ông đã bị hỏng trục và chân vịt.

Ông Nguyễn Văn Hoa buồn bã nói: “Được cá thật đấy nhưng chẳng có gì vui cả vì giá quá rẻ, khi đắt thì biển động, khi mần ra được con cá thì không ai mua cho cả, để lại thì chả biết làm gì. Dù là rẻ nhưng chúng tôi còn bán được ở địa phận của mình chứ nhiều gia đình cùng đi biển đã phải đi bán ở những nơi khác rồi. Nếu ở đây mà cũng có được nhà máy cáp đông thì tốt cho ngư dân chúng tôi biết mấy. Lo lắng nhất bây giờ là tuyến kè biển. Tuyến kè như mái nhà của chúng tôi nhưng vì mưu sinh trước mắt nên đành phải liều vậy thôi, chứ nếu neo thuyền vào bến cá cũ thì không ai thu mua cho cả”.

Tuyến kè chắn sóng của xã Cẩm Nhượng có chiều dài 1.200m, là lá chắn bảo hộ tính mạng và tài sản cho hơn 10 ngàn dân địa phương. Do bến cá cũ của xã nằm trên nền đất cát nên xe thu mua không thể vào được. Vì lí do đó mà hơn 1 tháng qua, suốt chiều dài gần 600/1200m kè chắn sóng đã bị biến thành bến đậu của tàu thuyền và là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán hải sản. Đặc biệt, mỗi buổi sáng ít nhất có 3 xe tải với trọng lượng 30 tấn thường xuyên đỗ dưới mái kè. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn cũng như tính bền vững của tuyền kè biển, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão như hiện nay.

Cẩm Nhượng đang cần một chợ hải sản với hạ tầng đồng bộ
Cẩm Nhượng đang cần một chợ hải sản với hạ tầng đồng bộ

Ông Nguyễn Hoàng Lê – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng cho biết thêm: “Thấy bà con ngư dân sau một thời gian dài vật lộn với sóng biển vẫn không khai thác được là bao, bây giờ được mùa chúng tôi rất phấn khởi và hi vọng vào sự đổi thay cho họ nhưng niềm vui đến chẳng được bao lâu vì khi được cá nảy sinh quá nhiều bất cập. Làm cán bộ để dân phải bán sản phẩm do phải bất chấp cả tính mạng để làm ra với giá như thức ăn gia súc chúng tôi thật day dứt nhưng vì điều kiện địa phương không có lò cáp đông để thu mua nên đành phải chịu nhìn người dân vất vả. Đặc biệt việc ngư dân biến nửa chiều dài tuyến kè biển thành bến cá dẫu biết nguy hiểm nhưng chính quyền cũng không thể giải quyết được. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước cần sớm quan tâm để xây dựng cảng cá tại đây nhằm giải quyết khâu dịch vụ hậu cần tàu cá, góp phần phát triển kinh tế văn hoá, xã hội và vệ sinh môi trường cộng đồng ngư dân vùng ven biển”.

Xác định tính cần thiết trong việc hình thành cảng cá tại đây nên tỉnh Hà Tĩnh đã có phê duyệt xúc tiến xây dựng dự án cảng cá Cẩm Nhượng trong giai đoạn 2011 – 2015 với vốn đầu tư là 150 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Với trên 70% dân số sống vào biển và doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động khai thác hải sản đạt 45 tỷ đồng, rõ ràng việc xúc tiến xây dựng cảng cá như đã được phê duyệt là điều hết sức cần thiết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast