Khẩn thiết phòng ngừa dịch “tai xanh” ở lợn

Hơn nửa tháng kể từ khi công bố hết dịch “tai xanh” tại Trại Liên hiệp chăn nuôi xã Đức Long (Đức Thọ), Hà Tĩnh lại đối mặt với nguy cơ lây lan thứ dịch bệnh nguy hiểm này khi Cơ quan Thú y vùng III (Cục Thú y) ngày 9/4 đưa ra thông báo, “người láng giềng” Nghệ An lại phát dịch trên đàn lợn.

Thông tin này đồng thời là lời cảnh báo với Hà Tĩnh khi thời hạn tiêm phòng đã hết (trong tháng 3) nhưng đến nay chưa có một mũi vắc xin “tai xanh” nào được chích vào đàn lợn của Hà Tĩnh. Thực tế buồn này càng cho thấy, vai trò của chính quyền các địa phương ở Hà Tĩnh đối với công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng, còn ý thức của đại bộ phận người chăn nuôi trong tỉnh đối với vấn đề phòng chống dịch bệnh từ xa vẫn còn kém dù hậu quả từ các trận “bão tai xanh” trong thời gian qua (tháng 4-2008 và tháng 11-2010) rất nặng nề.

Cùng với tiêm phòng, vấn đề đặt ra hiện nay đối với Hà Tĩnh là phải làm tốt công tác giám sát dịch bệnh từ ngoài vào
Cùng với tiêm phòng, vấn đề đặt ra hiện nay đối với Hà Tĩnh là phải làm tốt công tác giám sát dịch bệnh từ ngoài vào

Ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh lo ngại: “Phải khó khăn lắm các nhà khoa học mới giải được bài toán vắc xin “tai xanh” để tiêm phòng cho đàn lợn nhưng khi thử nghiệm thành công thì không đưa vào thực hiện đại trà được do người chăn nuôi bất hợp tác. Tiêm phòng là biện pháp duy nhất để phòng ngừa dịch bệnh nhưng với đà này, đàn vật nuôi nói chung, đàn lợn nói riêng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh vào bất cứ khi nào, ở bất kỳ địa phương nào”.

Như lời lãnh đạo ngành Thú y Hà Tĩnh thì “hàng rào bảo hộ” từ bên trong của hoạt động chăn nuôi lợn Hà Tĩnh đã không được thiết lập. Và nay, với sự tái phát dịch “tai xanh” tại 2 xã Long Thành và Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) làm 577 con gia súc mắc bệnh (tính đến ngày 9/4), Hà Tĩnh lại bị uy hiếp dịch từ bên ngoài. Sở dĩ nói vậy là bởi, Nghệ An là tỉnh liền kề, mặt khác số lợn con từ Nghệ An (đặc biệt là huyện Yên Thành) nhập vào tỉnh ta rất lớn. Nếu không làm tốt công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc từ ngoài tỉnh vào thì chẳng khác gì Hà Tĩnh rước dịch vào nhà.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch “tai xanh” nói riêng có hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng thì vấn đề khẩn thiết hiện nay là tập trung tiêm phòng, đặc biệt là vắc xin “tai xanh” cho đàn lợn theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 21/2/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các khu vực chăn nuôi và các điểm buôn bán động vật và sản phẩm động vật.

Cùng đó, đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành lập chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A tại phía Nam cầu Bến Thủy (Gia Lách - Nghi Xuân) để ngăn chặn việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn, đồng thời thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác thú y.

Đối với các huyện giáp giới với tỉnh Nghệ An như: Hương Sơn, Đức Thọ, ngoài thực hiện các biện pháp trên, cần thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, hội họp để thông báo tình hình dịch bệnh và các biện pháp chủ động phòng chống dịch “tai xanh” ở lợn; thành lập các chốt kiểm dịch (xã Sơn Tiến và xã Liên Minh) tại các đầu mối giao thông nhằm triệt để ngăn chặn việc nhập lợn giống từ Nghệ An vào địa bàn, đồng thời vệ sinh, tiêu độc phương tiện ra vào địa bàn; thành lập đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm trong công tác thú y.

Như trên đã nêu, hạn chế trong công tác tiêm phòng gia súc nói chung, đàn lợn nói riêng ở thời điểm này là do giá thành vắc xin “tai xanh” còn khá cao (trên 35 ngàn đồng/liều) nên không nhận được sự hợp tác từ các hộ chăn nuôi. Để từng bước cải thiện vấn đề, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp thì nên chăng UBND tỉnh Hà Tĩnh cần sớm có chính sách hỗ trợ giá tiêm phòng "tai xanh" cho người chăn nuôi. Ngoài ra, các địa phương ở Hà Tĩnh cũng phải chủ động trích ngân sách để gách phần nào trách nhiệm với tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast