Khẩn trương khôi phục sản xuất sau bão

Không chỉ phá hỏng hệ thống cơ sở hạ tầng, bão số 3 với sức gió giật mạnh và lượng mưa lớn cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các trà lúa hè thu đã và đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Việc tập trung khôi phục sản xuất sau bão là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại trên các loại cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, bão số 3 ập đến khi 5 ngàn ha trà lúa hè thu chạy lụt đang bước vào giai đoạn thu hoạch và mới có 2.850 ha trong số đó được được gặt (Đức Thọ 2.500 ha, Hương Sơn 300 và thị xã Hồng Lĩnh 50 ha); 29 ngàn ha trà lúa hè thu thâm canh (trổ sau ngày 5 - 8) đang ở giai đoạn chín sáp, chín hoàn toàn; 6.825 ha trà lúa hè thu muộn (trổ sau 20 - 8) đang ở giai đoạn ngậm sữa; 4.297 ha lúa mùa bước vào giai đoạn đứng cái và đẻ nhánh.

Bão số 3 với sức gió mạnh kèm theo mưa lớn đã làm hư hỏng nhiều diện tích cây trồng hè thu
Bão số 3 với sức gió mạnh kèm theo mưa lớn đã làm hư hỏng nhiều diện tích cây trồng hè thu

Đối với các loại cây trồng cạn, hơn 10 ngàn ha bước vào thời điểm thu hoạch lứa 3 (đã thu được 2 lứa); trên 1 ngàn ha ngô đang ở giai đoạn chín sữa, chín sáp, chuẩn bị thu hoạch; 616 ha lạc ở thời kỳ phát triển củ.

Với sức gió mạnh kèm theo lượng mưa lớn, bão số 3 đã nhấn chìm 8.502 ha lúa hè thu, 286 ha ngô, 1.390 ha đậu, 637 ha rau màu, 10 ha lạc, đồng thời làm đổ ngập 400 ha sắc, 30 ha ngô đông mới trỉa, 9,4 ha cây ăn quả, 135 ha cây lấy gỗ...

Sau khi bão tan, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã chia các đoàn trực tiếp về cơ sở kiểm tra mức độ thiệt hại, đồng thời hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả, bổ cứu sản xuất.

Ngành nông nghiệp ước tính giá trị thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt ước khoảng trên 57 tỷ đồng.

Theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp, cả 3 trà lúa hè thu bị úng ngập đang đối mặt với việc giảm năng suất nếu không được tiêu úng kịp thời và dựng lúa bị đổ lên. Do đó, yêu cầu số một sau khi bão tan là cùng với tu sửa nhà cửa hư hỏng để sớm ổn định chỗ ở, bà con cần tiến hành ngay việc tiêu úng cho đồng ruộng để cứu lúa, hoa màu đang ngập nước.

Những diện tích hè thu chạy lụt thì gắn tiêu úng đến đâu thu hoạch đến đó, phấn đấu xong trước ngày 31 - 8.

Đối với trà lúa hè thu thâm canh, cùng với tiêu úng, bà con nông dân cần dựng lúa (nếu bị đổ gục) bằng việc dùng lạt giang buộc thành bó để tránh ngập nước, đồng thời theo dõi thời tiết và kiểm tra độ chín của lúa, nếu độ chín đạt trên 85% cần tiến hành thu hoạch gọn với quan điểm "xanh nhà hơn già đồng" và phấn đấu kết thúc trước ngày 10 - 9.

Các địa phương cần hướng dẫn người dân tiếp tục chăm bón, bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa, trong đó, đặc biệt lưu ý đối tượng sau cuốn lá nhỏ lứa 4, lứa 5 và bệnh lùn sọc đen; đối với các loại cây trồng cạn, cần tiêu úng để tận thu các lứa đậu còn lại, đồng thời chăm bón để đảm bảo năng suất cho các đối tượng hoa màu khác.

Cùng với khôi phục sản xuất hè thu - mùa, đây đang là thời điểm để các địa phương cần bắt tay vào triển khai sản xuất vụ đông theo hướng tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của thời tiết, bố trí sản xuất né tránh mưa bão, tập trung chỉ đạo, bố trí cây trồng - vật nuôi phù hợp, sản xuất đa cây, đa con, đa thời vụ nhằm đạt hiệu quả cao.

Vì thế, vấn đề cần ưu tiên lúc này là chuẩn bị đầy đủ giống cây trồng, các loại vật tư hàng hóa để tranh thủ thời tiết thuận lợi là ra quân sản xuất vụ đông.

Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo trỉa 6.122 ha ngô trước ngày 15 - 9 đối với cùng cao lụt, trước ngày 5 - 10 đối với vùng có độ cao trung bình và thấp lụt; giải pháp kỹ thuật là nên làm bầu ngô hoặc mạ ngô và sử dụng giống ngắn ngày.

Đối với cây khoai lang, chủ động nhân giống kết hợp với chăm sóc tốt diện tích gơ giống để đảm bảo đủ giống phục vụ sản xuất. Muốn vậy, các địa phương cần quy hoạch vùng nhân giống và đăng ký diện tích nhân giống cụ thể với Sở NN&PTNT để có phương án cân đối, xử lý trong trường hợp thiếu giống.

Thời vụ để nhân giống khoai lang cần tiến hành khẩn trương để tuổi hom giống đạt ít nhất 45 ngày.

Ngoài ra, các địa phương cần sớm nhổ bỏ những diện tích đậu hè thu thu hoạch lứa 3, lứa 4 kém hiệu quả và ngô đã thu hoạch sang làm đất gieo trồng cây vụ đông, đồng thời tận dụng diện tích đất vườn cao ráo để mở rộng sản xuất các loại rau màu khác.

Chấp hành mệnh lệnh của UBND tỉnh và các giải pháp hướng dẫn của ngành chuyên môn, những ngày qua, tranh thủ thời tiết khô ráo, nhiều địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông cùng hệ thống chính quyền cơ sở huy động nhân dân tập trung tiêu úng cây trồng.

Đến thời điểm này, Đức Thọ đã cơ bản xử lý xong vấn đề này và đang tiếp tục thu hoạch trà hè thu chạy lụt. Tại Can Lộc, Lộc Hà, vấn đề có phần hạn chế hơn do chênh lệch mực nước hạ lưu với thượng lưu cống Đò Điệm không nhiều, dẫn đến thời gian mở cống rất hạn hẹp nên úng ngập vẫn còn xẩy ra ở nhiều vùng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, từ nay đến cuối năm, các đợt không khí lạnh có khả năng xẩy ra sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm; tổng lượng mưa từ nay đến hết tháng 9 có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 10 và 11 có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3, ngay đầu vụ đông này, các địa phương cần đưa ra các kịch bản úng ngập cây trồng vụ đông để có biện pháp ứng phó hiệu quả nhằm hạn chế thiệt hại trên cây trồng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast