Khẩn trương khống chế dịch LMLM ở Hương Sơn và Hương Khê

Theo Chi cục Thú y tỉnh, từ ngày 22 - 9 đến nay, không phát sinh thôn mới có gia súc mắc bệnh LMLM, gia súc bị bệnh LMLM đến thời điểm này ở tỉnh ta là 315 con, trong đó: Hương Sơn 167 con (Sơn Kim 1: 144 con, Sơn Kim 2: 23 con), Hương Khê 148 con (Hương Trạch 84 con, Phúc Đồng 37 con và Phương Điền 27 con). Giới chuyên môn nhận định, dịch dần được khống chế và sẽ sớm được dập tắt trong thời gian ngắn.

Để nhanh chóng khống chế dịch, những ngày qua, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền các địa phương đã triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống dịch như: cách ly gia súc ốm, lập cam kết với các chủ hộ nuôi có gia súc mắc bệnh không được đưa gia súc ra khỏi địa bàn

Nhân viên Trạm thú y Hương Khê đóng dấu chín gia súc mắc bệnh để quản lý tại chỗ
Nhân viên Trạm thú y Hương Khê đóng dấu chín gia súc mắc bệnh để quản lý tại chỗ

Cùng đó là đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn và sản phẩm từ trâu, bò, lợn ở những xã có dịch; lập 10 chốt kiểm soát gia súc và các vật dụng liên quan ra vào vùng dịch (Sơn Kim 1: 3 chốt, Sơn Kim 2: 2 chốt, Hương Trạch: 2 chốt, Phương Điền: 2 chốt, Phúc Đồng: 1 chốt); tiêu độc, khử trùng vùng dịch và các vùng có nguy cơ cao bằng vôi bột (Hương Sơn: 17 tấn, Hương Khê: 6 tấn) và hóa chất Benkocid (Hương Sơn: 300 lít, Hương Khê: 170 lít); tổ chức chôn hủy 13 con lợn vận chuyển trái phép vào địa bàn và 14 con trâu, bò mắc bệnh LMLM (Hương Trạch 5 con, Phương Điền 2 con, Sơn Kim 1: 5 con, Sơn Kim 2: 2 con).

Ngoài các biện pháp cấp bách bước đầu, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các xã có dịch tiến hành rà soát và tổ chức tiêm vắc xin LMLM cho gia súc mẫn cảm với bệnh (chưa được tiêm phòng hoặc hết thời hạn miễn dịch) với kết quả: Hương Sơn tiêm phòng được 20.223 con (đạt 77,5% diện tiêm), Hương Khê tiêm phòng được 13.200 con (đạt 49,4% diện tiêm).

Nhờ tập trung quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch nên trong những ngày gần đây, không phát sinh ca bệnh mới ở những thôn chưa có dịch.

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các địa phương nói trên, đồng chí Lê Đình Sơn - UVBTV TU, Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền địa phương: cùng với bao vây, khống chế, dập tắt dịch thì một biện pháp rất quan trọng cần được tiến hành ngay là đóng dấu chín để quản lý gia súc tại chỗ trong thời hạn 2 năm.

Theo đó, Trạm Thú y Hương Khê đã tiến hành đóng dấu chín cho 148/148 gia súc mắc bệnh tại các xã: Hương Trạch, Phương Điền và Phúc Đồng.

Ông Nguyễn Minh Long - Trưởng Trạm Thú y huyện Hương Khê cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ có gia súc mắc bệnh tuân thủ quy trình phòng chống dịch và quản lý gia súc sau dịch nên việc đóng dấu chín tại các ổ dịch trên địa bàn Hương Khê gặp nhiều thuận lợi, nhất là không gặp phải bất cứ sự cản trở nào từ phía người dân.

Khác với Hương Khê, việc đóng dấu chín nhằm quản lý gia súc sau khi mắc bệnh tại huyện Hương Sơn gặp rất nhiều khó khăn dù lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, Trạm Thú y Hương Sơn và chính quyền sở tại đã cố gắng thuyết phục nhưng không nhận được sự hợp tác của người dân.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: người dân viện cớ họ đang sinh sống trong vùng buộc phải di dời hoặc có khả năng di dời (để nhường đất cho việc triển khai quy hoạch tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo) nên không thể đóng dấu chín cho gia súc làm ảnh hưởng đến sinh kế trong thời gian tới. Rõ ràng, đây là sự ngụy biện khi các chủ hộ chăn nuôi này chỉ nghĩ đến quyền lợi của gia đình mà không nghĩ đến hoạt động chăn nuôi của cả cộng đồng, bởi, những gia súc mắc bệnh này là nguồn phát tán, lây lan dịch bệnh vào bất cứ lúc nào.

Theo lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, nguyên nhân gây bệnh LMLM lần này không có gì khác thường so với những lần trước đây.

Tại Hương Sơn, dịch bùng phát do gia súc chủ yếu thả rông trong rừng và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh theo định kỳ; bên cạnh đó, còn do một số hộ nuôi mua gia súc từ Nghệ An về nên có thể đã vô tình "rước" dịch từ ngoài vào.

Tại Hương Khê, ngoài yếu tố không tiêm phòng đầy đủ, còn do gia súc (xã Hương Trạch) thả chung với tỉnh Quảng Bình - địa phương đang có dịch LMLM.

Kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng III cũng không có gì bất ngờ ngoài loại vi rút Tuyp O (tuyp vi rút gây bệnh LMLM khá quen thuộc trong những năm qua trên địa bàn Hà Tĩnh).

Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết nóng - ẩm biến đổi liên tục trong khi phần lớn gia súc đã mẫn cảm với bệnh LMLM và một số bệnh khác (do thời gian kể từ lần tiêm phòng đợt 1 đến nay đã cách nhau 5 tháng).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y khuyến cáo các địa phương cần tranh thủ thời tiết khô ráo, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng định kỳ đợt 2 theo hướng đảm bảo số lượng và chất lượng từng mũi tiêm.

Đối với các địa phương miền núi, cần tiến hành soát xét lại gia súc thả rông trong rừng để có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng gia súc mắc bệnh hay đổ ngã trong rừng nhưng chủ hộ không hề hay biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast