Khi sản phẩm từ đất nung vượt trội

Mặc dầu hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh, lò gạch tuynel đang đua nhau mọc, sự cạnh tranh bằng cái nghề nung đất xem ra cũng không kém phần gay gắt nhưng thương hiệu gạch tuynel Sơn Bình vẫn được khách hàng xa gần ưa chuộng nhất. Phát huy thế mạnh đó là nhờ đủ các yếu tố cấu thành từ nguyên liệu đầu vào, công nghệ kỹ thuật và tổ chức sản xuất.

Vạn sự khởi đầu nan

Thế là hơn 10 năm Xí nghiệp gạch tuynel Sơn Bình đã lần lượt có 3 người được Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh tin tưởng về năng lực điều hành quản lý đưa lên làm giám đốc. Khởi đầu là ông Nguyễn Văn Thông nay làm Giám đốc Xí nghiệp gạch tuynel Tân Phú, người thứ hai Nguyễn Lư Hải hiện là giám đốc Xí nghiệp gạch tuynel Kỳ Giang, người thứ ba là Nguyễn Minh Tâm từ xí nghiệp gạch tuynel Vĩnh Thạch nay được điều động về gánh vác trách nhiệm hai "thủ lĩnh" cũ.

Thương hiệu gạch tuynel Sơn Bình được khách hàng tín nhiệm cao
Thương hiệu gạch tuynel Sơn Bình được khách hàng tín nhiệm cao

Sự năng động và làm việc hết mình vì tập thể của hai người cũ đã góp thêm sức mạnh về lòng tin và kỷ cương trong đơn vị. Nhớ lại thưở còn manh nha trứng nước việc tạo dựng được một nhà máy gạch tuynel ở vùng đất Hương Sơn với công suất 15 triệu viên/năm, tiền đầu tư xây dựng nhà máy xấp xỉ 17 tỷ đồng cũng đầy nan giải và thách đố. Cả hai vị giám đốc cũ đều có chung một chí hướng đã "cưỡi lên lưng hổ rồi thì chỉ có tiến không được phép lùi " và họ đã hành động đúng như thế.

Cái thuận lợi được nhìn thấy ngay từ đầu khi nguồn nguyên liệu đất được khai thác tại chỗ trên địa phương xã Sơn Bình. Thời điểm đó, ông Lê Kinh Huyền "cha đẻ của dự án" đã chỉ đạo các chuyên viên bậc cao về kỷ thuật lấy đất này làm thử để trình lên các nhà khoa học phân tích đánh giá, kết luận và họ đã khẳng định chọn đất này nung gạch là đúng hướng, đúng sách. Những viên gạch mẫu đặt trên tủ bên trong phòng việc làm việc ông Huyền nhìn đỏ au, tươi roi rói. Nhưng vượt trôi hơn yếu tố tươi đỏ là độ nén, chắc, nhẵn.. đủ tin cậy để xây dựng những công trình bền vững nhất từ nông thôn tới thị thành.

Một điểm thuận lợi khác, xí nghiệp đang cần tuyển công nhân và những nam thanh nữ tú vừa học xong trung học phổ thông đang khát việc làm. Lớp trẻ vào làm việc ở nhà máy hầu hết là con em nông dân hay công chức nghèo hoàn cảnh khó khăn nhưng lại có đức tính cần cù và chịu khó. Con em có việc làm đỡ gánh nặng lớn cho cha mẹ nên Xí nghiệp gạch tuynel Sơn Bình đã tạo được sự đồng tình của nhân dân Hương Sơn. Đặc biệt nhân dân và cán bộ chính quyền địa phương xã Sơn Bình. Thế là đất Hương Sơn từ xã Sơn Long, Sơn Trà , Sơn Hà, Sơn Châu , Sơn Thuỷ.. con em vào nhà máy không ai bỏ cuộc. Mặt dầu nghề "đào đất cất gỗ" là cái nghề nặng nhọc, vất vả nhưng khổ luyện mãi thành quen.

Với kỷ cương lao động nghiêm túc, khoa học không quá cường độ nên ai cũng thấy khoẻ mạnh. Năm khởi nghiệp đầu tiên vào đầu tháng 5 năm 2001 nhà máy gạch tuy nen Sơn Bình bước đầu phải gánh vác hai việc lớn : việc thứ nhất đảm bảo cơ sở vật chất để đi vào guồng máy hoạt động nhẹ nhàng. Việc thứ hai khi làm ra sản phẩm phải có khách mua. Xí nghiệp gạch tuynel thời ấy đã hình thành bộ phận tiếp thị và rong ruổi từ thành thị đến nông thôn để mời chào quảng bá thương hiệu sản phẩm đơn vị mình.

Đài phát thanh truyền hình Hà Tĩnh và Báo Hà Tĩnh ngoài phát sóng đăng thông tin công bố cụ thể giá thành trên đài, báo còn có những chuyên đề phóng sự phản ánh kịp thời không khí hoạt động sôi nổi của nhà máy. Chính sự nhạy cảm của khách hàng đã tạo nên động lực lớn cho đội ngũ cán bộ công nhân nhà máy gạch tuy nen Sơn Bình. Với 4 tháng thử nghiệm đầu tiên, dây chuyền hoạt động khoẻ khoắn đã cho ra lò hơn 7 triệu viên gạch viên gạch tuy nen. Mừng hơn chỉ vài tháng sau lượng gạch trên sân đã hết vèo.

Giám đốc Nguyễn Văn Thông thở phào nhẹ nhõm, người lao động cũng thấy hạnh phúc khi giá trị ngày công của mình được hưởng đúng theo sức lao động. Cái duyên của người làm gạch ở Sơn Bình không hiểu có sự phù hộ của "thần linh thổ địa" không mà gạch vừa ra lò đã có ô tô xếp hàng rồng rắn để chở đi xây dựng các công trình, tới mọi miền từ Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang đến Khu công nghiệp Vũng Áng rồi ra tận thành thành phố Vinh.

Với phương châm của ban giám giám đốc thời điểm ấy: "Muốn bán được sản phẩm trước hết cần biết tiên lượng sức mình", người làm bộ phận tiếp thị và bán hàng phải thông tin, báo cáo cập nhật cho giám đốc hàng ngày biết tình hình thực tế: sản phẩm làm ra khách hàng nhận xét thế nào, tình hình biến động của thị trường ra sao để kịp thời điều chỉnh. Tâm lý của khách hàng là gạch tốt nhưng không được vượt trội với các doanh nghiệp khác về giá.

Một thành công lớn cho gạch Sơn Bình thu hút được khách hàng về chất lượng sản phẩm cao, thái độ phục vụ chân tình niềm nở biết chiều khách trong mọi hoàn cảnh. Khi chất lượng vượt trội so với các sản phẩm hiện có trên thị trường, đơn vị bắt đầu mở rộng được thị phần và trở thành thương hiệu mạnh có thể cạnh tranh được với tất cả các sản phẩm gạch tuy nen của các doanh nghiệp khu vực miền Trung.

Nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu khách hàng gần xa, Công ty đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh đã quyết định cho Xí nghiệp gạch tuy nen Sơn Bình tiếp tục đầu tư, cải tạo, xây dựng dây chuyền công nghệ nâng công suất lên 18 triệu viên/năm -20 triệu viên/năm. Đến năm 2008, xí nghiệp mở thêm dây chuyền sản xuất ngói. Nhà máy gạch tuy nen Sơn Bình biết chiều chuộng tất cả các đối tượng. Chính những người nông dân vất vả nhất trong huyện Hương Sơn dành dụm được tiền từ sản xuất chăn nuôi mới có "cơ may" đến nhà máy gạch Sơn Bình để tìm đến ngói lợp mái thay tranh.

Từ sự nghiêm túc trong quản lý đến ý thức người lao động trong công việc không những chiếm được lòng tin của nhân dân, gạch tuy nen Sơn Bình còn dành được những phần thưởng cao quý khác. Năm 2007, xí nghiệp được Bộ khoa học công nghệ trao giải thưởng "Chất lượng Việt Nam "; năm 2008, trung ương Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam trao giải thưởng "Sao vàng Bắc Trung bộ ".

Gạch tốt từ thái độ lao động tốt

Khi tôi đưa ra câu hỏi: "Làm sao gạch Sơn Bình đẹp và chắc đến thế ?" thì anh Phan Đình Hưng, bảo: "Đơn vị muốn bán được sản phẩm trước hết không được ai làm dối làm ẩu. Tất cả đều xuất phát bằng thái độ lao động từ khâu lấy đất, tạo hình, đốt lò đến việc xếp gạch lên xe cho người tiêu dùng.. Vì vậy muốn tay nghề cao người lao động không còn đường nào khác phải chịu khó rèn luyện. Tất cả đều phải biết quý trọng thời gian và nghiêm túc thực hiện nội quy cơ quan ban hành".

Ngói tuynel Sơn Bình ngày càng khẳng định chất lượng
Ngói tuynel Sơn Bình ngày càng khẳng định chất lượng

Giám đốc Nguyễn Minh Tâm nhận xét vài nét về Hưng: "Đây là một đốc công có uy tín lớn đối với người lao động, lao động đúng giờ giấc, đức tính bao giờ cũng trung thực và thẳng thắn. Hưng nói được và làm được, Hưng quê ở Sơn Thuỷ hồi học phổ thông. Hưng vào diện học sinh khá của lớp nhưng khốn nỗi gia đình lại quá nghèo, bố mất sớm nên anh quyết định xin vào đây làm công nhân để có tiền giúp mẹ nuôi em ăn học. Từ một công nhân ở tổ tạo hình Hưng bao giờ cũng hoàn thành xuất sắc định mức được giao. Anh được mọi người bầu là chiến sĩ thi đua rồi vinh dự được kết nạp đảng. Hưng không bao giờ đốt cháy thời gian để vào la cà quán xá uống bia rượu, hút thuốc lá hay dây vào chuyện chơi bài mà tập trung cao độ cho công việc tập thể. Vợ Hưng - Lê Thị Nguyệt hiện là tổ trưởng tổ tạo hình cũng là người phụ nữ tận tâm tận lực với việc chung. Viên gạch vuông thành sắc cạnh hay méo vẹt khi đưa vào dây chuyền Nguyệt phải đứng mũi chịu sào.. Tổ trưởng Nguyệt cũng như công nhân nhào nặn được viên gạch đẹp đều phải trả học phí hàng ngày bằng những giọt mồ hôi ướt đầm cả tóc, tai, mặt mũi và bộ đồ áo bảo hộ luôn dính đầy bụi đất. Mệt mỏi là thế, nhưng tan tầm Nguyệt lại về đảm đang việc nhà chăm lo chu đáo cơm nước cho chồng con.".

Ngoài cặp vợ chồng anh Phan Đình Hưng phải kể tới anh Nguyễn Hữu Sơn thợ đốt lò và chị Nguyễn Thị Hương Thuỷ quản đốc phân xưởng gạch. Tôi đi cùng một cán bộ của đơn vị để vào tận nơi Sơn đang làm việc, khuôn mặt Sơn đỏ au như trái chín. Tôi hiểu Sơn đang đối diện với lò nung, đối diện với ngọn lữa đang ẩm ỉ cháy để nung đất thành gạch nóng đến hàng ngàn độ lữa thì không ai nói ra cũng biết sức chịu đựng bền bỉ và khoẻ khoắn của anh biết dường nào. Mặc dầu trong nhà máy những chiếc quạt điện vẫn thường xuyên nhả hết công suất để giảm tải sự nóng bức ngột ngạt nhưng những người thợ đứng lò như Sơn bao giờ cũng thấy hơi lửa bốc từ chân lên tới đỉnh đầu. Cứ mỗi lần ra lò bộ đồ áo của Sơn bụi gạch dính vào trộn với mồ hôi như một lớp keo sền sệt..

Sơn thành thật tâm sự: "Vài ngày đầu tập đứng lò trưa về mệt quá bưng cơm ăn chẳng thấy ngon. Nhưng về sau quen đi càng đứng lò càng ăn khoẻ". Người thợ đứng lò điều khiển ngọn lữa ở lò nung chẳng khác gì người cuỡi ngựa điều khiển dây cương ngựa. Họ phải thường xuyên bình tỉnh và linh hoạt để ngọn lữa ấy vào đúng quỹ đạo cho gạch chín đều. Gạch to lữa quá dễ bị cháy sém, gạch nhỏ lữa trở thành gạch "đẻ non " khách hàng chê.. Tuy tiền lương của thợ đứng lò ở đây mỗi tháng được hưởng từ 3 - 4 triệu đồng nhưng sự hy sinh của họ còn lớn hơn lương nhiều.

Dẫu đang đối mặt với bão giá, với lãi suất cho vay cao từ phía ngân hàng và sự canh cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu trên đất Hà Tĩnh mọc lên như nấm, Xí nghiệp gạch Sơn Bình vẫn tin ở sức mình, tin ở sản phẩm mình sẽ không " thua em, kém chị" trước áp lực này. Niềm tin ấy đang biến thành hiện thực khi 8 tháng năm 2011 đã sản xuất 11 triệu viên gạch và tiêu thụ đạt 12 triệu viên (1 triệu viên tồn từ năm cũ), doanh thu 11 tỷ đồng nộp ngân sách 800 triệu đồng. Lương người lao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/ tháng.

Khi tôi rời cổng nhà máy, trời đã tắt nắng nhưng tiếng những đoàn xe từ xa tới lấy gạch vẫn nối đuôi nhau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast