Khống chế, dập tắt kip thời dịch cúm gia cầm ở Thạch Quý

Trưa ngày 19 – 1, tức là gần một ngày sau khi Chi cục Thú y Hà Tĩnh gửi mẫu xét nghiệm bệnh phẩm về hiện tượng vịt chết hàng loạt tại một hộ dân ở khối phố 9, phường Thạch Quý (thành phố Hà Tĩnh), Cơ quan Thú y Vùng 3 (Cục Thú y Việt Nam) đã có văn bản khẳng định dương tính với vi rút cúm A H5N1.

Nhân viên Trạm Thú y thành phố phun tiêu độc khử trùng vùng dịch

Nhân viên Trạm Thú y thành phố phun tiêu độc khử trùng vùng dịch

Gần một tuần kể từ khi hiện tượng vịt chết hàng loạt xuất hiện tại gia đình anh Trịnh Văn Thuận, khối phố 9, phường Thạch Quý nhưng không khí phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 trong khu phố này vẫn như vừa mới xảy ra.

Ngoài tăng cường cán bộ kỹ thuật từ các phòng chuyên môn mang theo hàng chục lít hóa chất Bencocid, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo Trạm thú y thành phố huy động hầu hết cán bộ, nhân viên sử dụng 6 máy phun động cơ để bao vây, khống chế vùng dịch; phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại tại gia đình anh Thuận, các tuyến đường ra vào vùng dịch, đặc biệt là tại 2 chốt kiểm dịch ở hai đầu tuyến đường độc đạo dẫn vào ổ dịch.

Nhận thấy mức độ nguy hiểm của thứ dịch bệnh chết người này, trong cuộc họp khẩn tại UBND phường Thạch Quý vào chiều ngày 19 – 1, ông Trương Tiến Hương – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh đã chỉ đạo địa phương sở tại xuất trích ngân sách mua gần 2 tấn vôi bột phục vụ công tác tiêu độc khử trùng, lập 2 chốt kiểm dịch đồng thời cắt cử người gác trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát hiện tượng vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch.

Đồng thời với công tác bao vây, khoanh vùng, xử lý tiêu hủy 100 con vịt còn sót lại tại gia đình anh Thuận, UBND thành phố Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan thú y rà soát các hộ chăn nuôi trong vùng dịch theo hướng dù gia cầm đang khỏe mạnh bình thường nhưng để đảm bảo dịch không lâu lan thì vẫn buộc phải tiêu hủy.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 13 hộ trong vùng dịch có tổng số 117 con gà, 14 con vịt, 8 con ngan đã tuyệt đối chấp hành. Sáng 20 – 1, quá trình tiêu hủy đã được tiến hành theo quy định của ngành chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Trạm Thú y thành phố Hà Tĩnh, nhờ triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nên bước đầu có thể khẳng định, dịch cúm gia cầm tại khối phố 9 đã được khống chế, xử lý dứt điểm. Những ngày qua, cùng với tiêu độc khử trùng, xử lý chôn hủy, Trạm đã lên kế hoạch cho 3 địa phương nằm trong vùng khống chế gồm: xã Thạch Hưng, phường Tân Giang và phường Văn Yên tiêm phòng dịch.

Trước mắt trong 2 ngày 21 và 22 – 1, đơn vị sẽ chỉ đạo thú y các xã, phường triển khai công tác phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên toàn thành phố. Sau thời gian này, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các xã, phường thống kê tổng đàn gia cầm, thủy cầm để tiêm phòng bổ sung số mới nhập đàn.

Theo ông Phạm Thanh Bình – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, cùng với mầm bệnh đang lưu truyền trong không khí bây lâu thì thời tiết giá rét đang là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát.

Nguyên nhân cơ bản của việc phát dịch cúm gia cầm ở phường Thạch Quý bắt đầu từ việc chủ hộ chăn nuôi không thực hiện tốt công tác tiêm phòng bắt buộc định kỳ mỗi năm hai đợt (vụ xuân và vụ đông) và tiêm phòng bổ sung cho các đàn mới phát triển. Đàn vịt tại gia đình anh Thuận bổ bệnh vào thời điểm đã đạt 38 ngày tuổi có nghĩa là phát sinh sau thời điểm tiêm phòng vụ đông nhưng do không tiêm phòng bổ sung khi phát triển đàn mới nên dịch bệnh xảy ra là điều dễ hiểu. Điều đáng nói không chỉ ở gia đình anh Thuận mà còn nhiều hộ chăn nuôi ở phường Thạch Quý đều chung nhận thức vì nuôi thời vụ, quá trình xuất bán nhanh nên từ trước đến nay hều như không chú trọng đến công tác tiêm phòng.Cũng theo ông Bình, thời tiết trong thời gian tới đang bất lợi với ngành chăn nuôi.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Canh Dần, ngay bây giờ, các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cơ sở soát xét công tác tiêm phòng bổ sung cho các đối tượng nuôi mới, che chắn chuồng trại để chống rét, đồng thời đảm bảo nguồn thức ăn xanh và thức ăn thô nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Cùng đó, cần tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm ra vào địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các biểu hiện bệnh khi còn ở diện hẹp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast