Kỳ Lạc, bao giờ hết nỗi băn khoăn?

Tuyến tỉnh lộ 22 từ xã Kỳ Lâm về Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Con đường quanh co này ôm trọn trong lòng nó khát vọng đổi đời của những người dân nghèo Kỳ Lạc. Nhiều người vẫn tin một ngày không xa mảnh đất “lam sơn chứơng khí” sẽ tiến kịp miền xuôi.. Thế nhưng đằng sau niềm vui vẫn còn đó những băn khoăn trăn trở…

Con đường nối những miền vui

Những năm trước vào mùa mưa xã Kỳ Lạc trở thành một “ốc đảo”ngăn cách với miền xuôi do bị chắn bởi 2 ngọn núi Rú Cồng và Động Điếm. Mặt khác hệ thống đường sá cầu cống, tràn vượt lũ ở đây còn hạn chế dẫn tới việc là vùng núi cao nhưng mỗi khi có mưa lớn, kéo dài là bị ngập úng. Tuyến đường từ Kỳ Lâm vào xã Kỳ Lạc chỉ chừng 10 km bấy giờ trở thành nỗi ám ảnh khi nhiều cái chết thương tâm xảy ra trong mùa mưa lũ.“ Phương tiện liên lạc từ xã Kỳ Lạc với bên ngoài chỉ duy nhất bằng điện thoại. Có năm tình trạng này kéo dài tới 10 ngày” - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc Nguyễn Thái Toàn buồn bã nhớ lại.

Đậu Hè Thu ở Kỳ Lạc phát triển tốt năng suất đạt trung bình 70 kg sào
Đậu Hè Thu ở Kỳ Lạc phát triển tốt năng suất đạt trung bình 70 kg sào

Cũng vì giao thông đi lại quá cách trở nên bao đời nay, cuộc sống của người dân Kỳ Lạc gần như tách biệt với miền xuôi, tự cung tự cấp là chính. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã Kỳ Lạc luôn ở ngưỡng và xấp xỉ 40%. Mặc dù thế mạnh của Kỳ Lạc là rừng, sống giữa rừng bao bọc xung quanh cũng bạt ngàn rừng nhưng do đường sá chuyên chở khó khăn, công cán chi phí cao lại bị ép giá nên thu nhập chẳng đáng là bao. Toàn xã có trên 8.000 ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 70 ha diện tích trồng lúa, chia đều cho gần 4.000 nhân khẩu, còn lại chủ yếu là diện tích sản xuất.

Là xã thuần nông nhưng người dân Kỳ Lạc vẫn chỉ ước không phải đi mua hạt thóc về ăn mà đâu có được. Có một nghịch lý tồn tại ở đây là hàng hóa sản xuất ra được bán với giá rất bèo trong khi lượng lương thực, nhu yếu phẩm, phân bón phục vụ cho sản xuất được tư thương đem đến bán với giá cao ngất ngưỡng. Cũng bởi.. đường sá đi lại quá khó khăn.

Trụ sở UBND xã Kỳ Lạc đã trở nên khang trang
Trụ sở UBND xã Kỳ Lạc đã trở nên khang trang

Trở lại lần này, xã Kỳ Lạc đón chúng tôi bằng con đường rộng thênh thang với tổng số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ dồng dài xấp xỉ 10 km từ xã Kỳ Lâm về Kỳ Lạc và chỉ mất chừng hơn 10 phút thay vì loạy hoay hàng tiếng đồng hồ trèo đèo lội suối như trước đây. Còn quá sớm để tin rằng kinh tế xã Kỳ Lạc sẽ có bước phát triển nhanh nhưng khi ranh giới đươc dỡ bỏ bằng một con đường chí ít cũng là điều kiện lý tưởng giúp xã nghèo Kỳ Lạc bắt kịp với miền xuôi

Vẫn còn bao nỗi băn khoăn...

Không chỉ có con đường, trú sở UBND xã xưa kia là ngôi nhà cấp 4 cũng đã được thay thế bằng ngôi nhà 2 tầng khá khang trang. Còn nữa, trường THCS với hơn 100 triệu đồng được đầu tư khuôn viên trường giờ đây đã được bao bọc xung quanh bởi hệ thống tường rào khá kiên cố. Sân trường không còn nhấp nhô nham nhở như xưa. Hệ thống công trình nhà vệ sinh đang được thi công với số vốn 250 triệu đồng. Đó là những tín hiệu đáng mừng sau những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên đằng sau niềm vui, còn quá nhiều nỗi buồn lắng đọng

Nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân lên vùng “rừng thiêng nước độc” nhiều giáo viên trẻ hăm hở là thế, nhưng rồi đối mặt với bao khó khăn đã có không ít người muốn bỏ nghề. Về, về.. cái điệp khúc ấy nghe như khẩu lệnh ngầm của một thế trận đang vỡ. Nhưng mệnh lệnh của trái tim đối với tình yêu trẻ đã níu chân giúp họ đứng vững ở mảnh đất này

Những căn phòng dột nát là nơi cư trú của những giáo viên “cắm bản”.
Những căn phòng dột nát là nơi cư trú của những giáo viên “cắm bản”.

Đã 9 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” xã Kỳ Lạc, Hiệu trưởng THCS Nguyễn Thành Nông hớn hở khoe: “ Mới đây Sở Giáo dục & Đào tạo có hỗ trợ 10 máy vi tính và 1 máy chiếu đa chức năng trị giá hơn 100 triệu đồng”. Rồi khuôn mặt chợt chùng xuống thầy nói tiếp “ Đến nay trường vẫn chưa có các phòng học chức năng phục vụ dạy và học. Đặc biệt là nhà ở nội trú cho giáo viên. 19 người ở nội trú trong 12 phòng thì có đến 8 phòng xập xệ, mục nát. Nắng còn đỡ, mưa xuống nhiều giáo viên lên lớp với bộ quần áo sũng nước là chuyện thường”.

Ngoại trừ trường mầm non và tiểu học đã đạt chuẩn, không biết đến bao giờ trường THCS và trạm y tế xã trạm mới trở thành chuẩn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Rất khó tìm câu trả lời, bởi cơ sở vật chất còn quá nghèo. “ Mấy năm qua, chúng tôi đã chạy ngược chay xuôi tìm nguồn để nâng cấp trạm y tế xã. Nhưng 2 tỷ lại là số tiền quá lớn. Bây giờ trong cảnh cả nước phải“ thắt lưng buộc bụng” có lẽ mong muốn của người dân lại càng trở nên xa vời” ông Toàn thất vọng cho biết thêm.

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường chứ không hoàn toàn vào việc dạy và học của thầy và trò. Vì vậy, tỷ lệ đậu vào THPT của THCS Kỳ Lạc những năm gần đây rất thấp. Đó cũng là trăn trở của chúng tôi trên suốt quãng đường về

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast