Kỳ tích sông Nghèn!

Công trình Para Đò Điệm là một trong những công trình ngăn mặn giữ ngọt đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng công nghệ thi công giữa lòng sông sâu. Trở lại Sông Nghèn hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết rằng kể từ vụ hè thu năm 2008, nước ngọt sông Nghèn đã tưới mát cho gần chục nghìn ha lúa và đất nông nghiệp vốn nhiễm mặn, khô hạn ngàn đời nay của nhân dân các huyện Can Lộc, Lộc Hà và Thạch Hà.

Trên công trình Para Đò Điệm.

Sáng cuối đông ở Đò Điệm mưa mỏng tang như rây bột. Những tinh thể li ti long lanh đậu lên bạt ngàn xanh mướt ngô non tựa như vãi ngọc. Từ hạ nguồn Para Đò Điệm, chúng tôi du thuyền lên miền thượng nguồn sông Nghèn, ngắm nhìn đôi bờ phù sa trải dài tít tắp một màu xanh no ấm. Mùa màng sinh sôi, cây cối vươn lên đón ánh nắng xuân, báo hiệu sự hiện diện của dòng sông nước ngọt đã về đồng và sẽ làm nên những mùa vàng bội thu. Du thuyền trên dòng sông Nghèn ngọt mát hôm nay, nhớ lại cách đây 5 năm về trước, vùng đất này chỉ là những bãi đất khô cằn, xơ xác; nước mặn xâm thực, cộng với sự khắc nghiệt của thời tiết đã biến cả một vùng đất rộng lớn gần như bị hoang mạc. Thiếu nước ngọt nên sản xuất nông nghiệp bấp bênh; nuôi trồng thuỷ hải sản kém hiệu quả…, vì thế, cuộc sống của người dân hai bên bờ hạ du sông Nghèn vô cùng vất vả, thiếu thốn. Thế nhưng, hôm nay đây, công trình Ngọt hoá sông Nghèn đã “hoá giải” được các vấn đề đó.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty quản lý và khai thác Công trình thuỷ lợi Can Lộc – đơn vị được trao “chìa khoá” công trình Para Đò Điệm, cho biết: “Công trình Ngọt hoá sông Nghèn thật sự làm nên kỳ tích đối với vùng đất nhiễm mặn và hạn hán lâu nay của các huyện Can Lộc, Lộc Hà và Bắc Thạch Hà. Vụ hè thu 2008 nước ngọt sông Nghèn đã tưới cho 7.739 ha diện tích đất nông nghiệp và, cho đến giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định, vụ đông xuân 2009-2010 này, nước ngọt sông Nghèn ít nhất sẽ tưới cho gần chục ngàn ha lúa, màu và đất nông nghiệp của các huyện trong vùng. Công trình này chắc chắn sẽ góp phần to lớn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng”.

Có được sự đổi thay kỳ diệu này, những người xây dựng công trình Para Đò Điệm đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt cho việc xây dựng công trình. Ông Trần Mạnh Tuấn - Trưởng ban QLĐT-XD thuỷ lợi 4 (Bộ NN&PTNT), cơ quan chủ đầu tư công trình, cho biết: “Trong quá trình thi công, do điều kiện địa hình quá khó khăn nên nhiều lúc anh em làm việc như “dã tràng xe cát” bởi rất nhiều lần cả ngày thi công nhào trộn hàng trăm, hàng ngàn m3 bê tông, sắt thép đổ xuống lòng sông để hoàn thành cuốn chiếu từng công đoạn, nhưng thuỷ triều dâng cao, mưa lớn đổ xuống... lại cuốn trôi toàn bộ. Và cứ thế, anh em phải vất vả làm đi làm lại mãi mới có được công trình như ngày hôm nay”.

Đến thời điểm này, tuy công trình chưa chính thức bàn giao nhưng Cty quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi Can Lộc đã tranh thủ vận hành và thực sự phát huy hiệu quả. Khi có nước ngọt, công ty đã quyết định cấp nước về đồng. Ban đầu Công ty tưới thử trên một số diện tích gần nhất để thử nghiệm, tưới xong, mọi ngời đều hồi hộp theo dõi. Và, niềm vui tràn ngập bởi chỉ sau ít ngày tưới thử, toàn bộ số diện tích lúa xanh tươi mơn mỡn. Từ thành công này, người dân trong vùng hưởng lợi xem công trình Para Đò Điệm như một “vị cứu tinh” bởi toàn bộ đất đai nhiễm mặn, hạn hán trước đây nay được thau chua rửa mặn, được tưới tắm đủ đầy; ruộng đồng, cây trái được hồi sinh. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư thêm hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống kênh trục chính, lúc đó, hiệu quả của công trình sẽ được phát huy tối đa tác dụng.

Một mùa xuân mới lại về trong hân hoan niềm vui của mỗi người con đất Việt. Hoà chung trong niềm vui của đất trời và xuân của lòng người, xuân này người dân trong vùng hưởng lợi công trình Ngọt hoá sông Nghèn lại vui sướng hơn bao giờ hết bởi nguồn nước ngọt mơ ước bao đời nay từ công trình Para Đò Điệm đang lan toả, thấm sâu vào từng thớ đất như dòng sữa mẹ ngọt ngào tưới mát cho vạn vật, cho cây cối đơm chồi nẩy lộc, cho đất cằn sỏi đá nở hoa xuân...

Công trình Para Đò Điệm không những ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là một công trình giao thông nối liền đôi bờ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên giao lưu qua lại mà xưa nay vốn đò giang cách trở. Công trình bao gồm 21 nhịp với tổng chiều dài 266m, rộng 7m tải trọng H13, X60; 12 cửa van tự động, 4 cửa van khung, 2 âu thuyền trọng tải 200 tấn. Khi hoàn chỉnh hệ thống kênh mương, công trình sẽ tưới và tạo nguồn cho khoảng 14 đến 16 ngàn ha đất nông nghiệp trên địa bàn 3 huyện Can Lộc, Lộc Hà và Thạch Hà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast