Lãi suất cho vay le lói tín hiệu giảm

Trong xu hướng giảm dần lãi suất đầu ra về 17-19% như tinh thần cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuần rồi, các ngân hàng thương mại đang lên kế hoạch thực hiện cam kết này.

Đối tượng hướng đến của những nhà băng này phần lớn là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nông nghiệp nông thôn. Lần này, không chỉ các ngân hàng quốc doanh, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang vào cuộc nới lãi suất đầu ra thấp xuống.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, đơn vị này đang triển khai gói cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp từ khoảng một tuần nay. Theo đó, đối với sản xuất kinh doanh thông thường, mức lãi khoảng 18,5% một năm. Kỳ hạn cho vay phổ biến ở 6 tháng. Riêng với các khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, lãi suất cho vay thấp hơn 1,5% một năm.

Về khả năng giảm lãi suất đầu ra trong một vài tháng tới, Phó Giám đốc Vietinbank cho rằng, có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho đà giảm này. Lạm phát- cơ sở để kiểm soát lãi suất - đang có dấu hiện được kiềm chế tốt, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại do nhu cầu vay mượn của doanh nghiệp giảm xuống vì tiêu thụ hàng hóa khó, chi phí vốn tăng là hai yếu tố có thể khiến lãi đầu ra hạ nhiệt. Thêm vào đó là thanh khoản liên ngân hàng hiện nay khá tốt, lãi suất thị trường này giảm nhiệt so với thị trường một nên hoàn toàn có khả năng tác động giảm lãi cho vay.

Trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất 17-19% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Trong thời gian sắp tới, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất 17-19% một năm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Giảm lãi suất đầu ra cũng đang được nhiều nhà băng khác hưởng ứng. Techcombank triển khai gói "Tài trợ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lãi suất ưu đãi" kéo dài đến hết năm nay với mức lãi ưu đãi chỉ từ 19,5% một năm. Trong khi đó, Eximbank cho biết sẽ hỗ trợ 500 tỷ đồng với lãi suất chỉ 17% một năm cho kỳ hạn vay 3 tháng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đại diện ngân hàng này chia sẻ, chương trình nói trên cũng được áp dụng song song với việc tài trợ xuất khẩu bằng VND, lãi suất ngoại tệ 7% một năm cho kỳ hạn vay tối đa 6 tháng.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, mục đích hạ lãi suất của nhà băng này là giúp cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoạt động ổn định và thuận lợi hơn. Theo ông Thắng, đối tượng ưu tiên của đợt cho vay lãi suất ưu đãi lần này là các doanh nghiệp thuộc ngành nông, lâm, thủy sản.

Theo thông tin từ nhiều ngân hàng, bước đầu, giảm lãi suất chỉ ưu tiên đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hay các mục đích như phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Riêng tín dụng phi sản xuất dồn cho chứng khoán, bất động sản... vẫn có thể bị siết.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Vietinbank bày tỏ, nhà băng này vẫn sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay bất động sản. Với các dự án hiệu quả cao, độ rủi ro thấp, ngân hàng vẫn có thể duyệt hồ sơ và giải ngân, song lãi suất doanh nghiệp phải chịu chắc chắn vẫn ở mức cao, khoảng 21-22% một năm trong bối cảnh hiện tại.

Hôm 26/8, cuộc họp giữa Ngân hàng Trung ương với 12 ngân hàng thương mại tại Hà Nội đã đi đến đồng thuận giảm lãi suất cho vay về 17-19%. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không cứng nhắc áp dụng các tỷ lậ an toàn vôn sử dụng vốn của ngân hàng thương mại trong đó đặc biệt là vốn thị trường sơ cấp (dân cư và doanh nghiệp) và thị trường hai (liên ngân hàng). Ngoài ra, lượng tiền cung ứng cũng sẽ được điều hòa hơn.

Các chuyên gia cho rằng, với thông điệp hạ nhiệt lãi suất đầu ra, Ngân hàng Nhà nước quyết tâm là làm được. Tuy nhiên, đến khi nào lãi suất mới quay về vùng mục tiêu 17-19% một năm trên toàn hệ thống, không thể nói trước.

Đại diện một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội cho biết, không thể chỉ sau cuộc họp mà nói ngày mai, ngày kia sẽ giảm lãi cho vay. Ông cho rằng, cần có quá trình nhưng trong vòng một hai tháng tới, xu hướng giảm sẽ rõ nét hơn. Theo ông, hiện nay, có một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đưa lãi suất đầu ra về 17-19% trong đó có vàng và tỷ giá USD/VND. "Có thể tại một số ngân hàng, ở một thời điểm, xuất hiện việc người gửi tiền rút tiết kiệm đi mua vàng gây ảnh hưởng ít nhiều đến thanh khoản. Nhưng nếu như thị trường bình ổn, áp lực tỷ giá được kiểm soát, lộ trình giảm lãi suất cho vay càng nhanh đạt được", ông nói.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, hiện nay tất cả các ngân hàng đều chịu áp lực giảm lãi suất, nhưng lại vướng vì sự mất cân đối trong toàn hệ thống. Hiện nay các ngân hàng lớn có nguồn vốn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ của nền kinh tế lại trót cho vay vượt nguồn vốn huy động. Số khác có khả năng cung ứng tín dụng lại không cho vay được vì vướng trần tăng trưởng tín dụng 20%.

"Giải quyết được sự mất cân đối này, sẽ có nguồn vốn giá rẻ cho thị trường", ông nhận định.

Theo Phó Chủ tịch Bưu Điện Liên Việt, có thể từ đầu tháng 9, mức lãi sẽ giảm xuống. Ông dự đoán, lúc đầu chắc các nhà băng điều chỉnh khoảng 0,5% một năm. "Mức này mới nhìn tưởng ít, nhưng nếu so với chỉ số lạm phát hiện nay là khoảng 17%, thì gần như tương xứng. Trong tháng 9, tôi cho rằng tất cả các ngân hàng sẽ điều chỉnh về mốc cao nhất chỉ là 20%", ông bày tỏ.

Công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước trong tuần từ 13/8 đến 19/8, mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường là còn 17-17,5% một năm (kỳ hạn ngắn) và 18-19% (dài hạn). Vay nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu, lãi suất thấp hơn khoảng 1,5% một năm.
Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast