Làm lại vụ đông:Khó đấy nhưng thấy dễ rồi!

Vụ đông chưa bao giờ là vụ sản xuất thuận buồm xuôi gió với nông dân Hà Tĩnh, song, dù bi quan đến mấy cũng không ai nghĩ nó sẽ bị xóa sổ hoàn toàn như năm nay. Chỉ trong 2 tháng (9 và 10) đã có tới 3 họa lớn dồn dập đổ vào đồng ruộng Hà Tĩnh, đẩy người dân ở hầu khắp các địa phương vào cảnh khốn cùng. Thiếu lương thực cho người, thiếu thức ăn cho gia súc buộc người nông dân phải dốc lực để làm lại.

“Không dễ nhưng chưa phải đã bó tay”

Làm lại vụ đông, khó hay dễ? “Không dễ nhưng chưa phải đã bó tay” – Kỹ sư Nguyễn Trí Hà, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT khẳng định. Theo kỹ sư Hà, cái khó nhất hiện nay là thời vụ đối với nhiều loại cây trồng chủ lực đã hết, đặc biệt là ngô. Thứ nữa là bà con nông dân đã dốc hết sức lực, vốn liếng từ đầu vụ đông đến nay nên không ít người sẽ "xẹp hơi" với lần khôi phục thứ ba này (lần đầu khắc phục hậu quả cơn bão số 3 vào đầu tháng 9, lần thứ hai khắc phục trận lũ trước vào cuối tháng 9 đầu tháng 10). Cuối cùng, yếu tố quyết định nhất vẫn là thời tiết từ nay đến cuối vụ tiếp tục diễn biến phức tạp với dự báo còn nhiều đợt rét đậm, rét hại đang chờ ở phía trước.

Nhân dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) làm đất gieo trỉa lại cây trồng vụ đông
Nhân dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) làm đất gieo trỉa lại cây trồng vụ đông

Tận mắt chứng kiến hậu quả do cơn bão số 3 gây ra vào đầu tháng 9, trận lũ thứ nhất vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 và đặc biệt là trận lũ lịch sử vừa kết thúc cách đây 2 tuần, mới thấy, những nỗ lực vớt vát sản lượng lương thực để phục vụ đời sống và làm thức ăn cho chăn nuôi trong mùa đông giá sắp tới của người nông dân đáng để trân trọng biết nhường nào. Nhu cầu lương thực cho người và thức ăn chăn nuôi chính là động lực lớn để bà con nông dân vùng lũ bắt tay làm lại lần nữa!

Nên bắt đầu từ đâu?

Vậy nhưng, câu hỏi đặt ra hiện nay là làm lại vụ đông cần bắt đầu từ đâu? Đầu tiên chính là tập trung chăm sóc những diện tích còn có thể phục hồi (chỉ khoảng 100 ha ngô thuộc vùng cao một số xã của huyện Hương Sơn) bằng việc xới xáo đất, phá váng, vun gốc, đồng thời tăng cường bón phân đủ hàm lượng để đạt năng suất cao nhất.

Tiếp đến là gieo trỉa lại các loại cây trồng truyền thống lâu nay. Với cây lạc, do thời vụ đã hết nên buộc phải loại trừ. Đối với trà ngô chính vụ, trên thực tế thời vụ không còn nhưng đặt trong bối cảnh lũ lụt triền miên như năm nay thì vẫn có thể du di bằng việc sử dụng các nhóm giống ngắn ngày (85 – 90 ngày) như: VN2, VN6, MX2, MX4…

“Nếu chính quyền cơ sở quyết liệt chỉ đạo và người nông dân dồn sức thì vẫn có thể gieo trỉa lại 2.500 ha/6.122 ha theo kế hoạch” – Trưởng phòng Hà nhận định – “Quy trình thu hoạch là gần 3 tháng nhưng có thể, sau 60 ngày là bà con đã có thể ăn tươi cứu đói được rồi (luộc bắp ngô ăn non trong trường hợp thiếu lương thực). Nếu gieo dày hơn, bà con còn có thể tỉa bớt để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Bài toán này lợi đơn lợi kép vô cùng”.

Bên cạnh tập trung cho trà ngô đông chính vụ, các địa phương ở Hà Tĩnh cần gieo trỉa hết diện tích trà ngô đông muộn – xuân sớm trên những vùng đất không thể gieo trỉa lạc xuân (tập trung chủ yếu ở Hương Khê và Vũ Quang) với cơ cấu giống P11, nhóm ĐK, nhóm LVN; thời vụ phấn đấu kết thúc trước ngày 10 – 12. Tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật đối với trà ngô này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đồng thời phải bón phân đầy đủ.

Sau ngô là cây khoai lang. Trên thực tế thời vụ cho loại cây trồng này đã kết thúc từ 30 – 10, song, cũng như ngô, khoai lang là cây vụ đông có vai trò quan trọng về lương thực (lấy lá), thực phẩm (lấy củ) và chăn nuôi gia súc (giây khoai) nên cần tận dụng tối đa quỹ đất hiện có để trồng lại. Can Lộc là địa phương nhận thức cao vai trò của loại cây được trù tính sẽ thay thế một phần rơm rạ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông nên đã mạnh tay chi 960 triệu đồng để mua giống hỗ trợ các địa phương sản xuất 160 ha (6 triệu đồng/ha tiền giống).

Cuối cùng trong nhóm cây vụ đông là rau màu ngắn ngày. Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của ngành nông nghiệp với loại cây trồng này là đất khô ráo đến đâu thì tranh thủ gieo trồng đến đó. Hình thức sản xuất có thể trồng thuần, trồng xen với khoai lang, trong đó, ưu tiên mở rộng nhóm giống ăn lá (cải xanh, cải bẹ), ăn quả (đậu cô ve, dưa chuột) và gia vị (rau mầm, rau quế, rau húng, mùi, tỏi). Việc sản xuất các loại rau màu không những đảm bảo phục vụ đời sống tại chỗ mà còn là nguồn hàng cải thiện thu nhập để nông dân có thêm chi phí đầu tư sản xuất trong thời gian tới.

Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ Hà Tĩnh, ngày 19 – 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1907/QĐ-TTg về việc hỗ trợ giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành phân bổ 40 tấn hạt giống ngô và 17,5 tấn hạt giống rau cho 12 huyện, thành, thị để kịp thời khôi phục sản xuất vụ đông sau lũ. Theo cân đối của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, số giống ngô do trung ương hỗ trợ chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nên nửa còn lại sẽ được UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ (ngoài ngô còn hỗ trợ 100% tiền giống khoai lang và rau màu).

Tiếp sức khôi phục sản xuất vụ đông và chuẩn bị làm đất sản xuất đông xuân với các huyện, thành, thị là 6 đoàn công tác vừa được Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thành lập và đích thân các Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn; thời gian hoạt động là một tháng, kể từ ngày 25 - 10.

Làm lại vụ đông, khó đấy nhưng thấy dễ rồi!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast