Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo thành công giàn khoan tự nâng

Giàn khoan tự nâng 90m nước, công trình cơ khí trọng điểm do Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu, được hạ thủy vào ngày 10/9 vừa qua.

Đây là mốc quan trọng khẳng định năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc từng bước chế tạo, lắp ráp những sản phẩm cơ khí đạt công nghệ cao.

Với tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD, đây là dự án cơ khí trọng điểm quốc gia do Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) - đơn vị thành viên của Petrovietnam làm tổng thầu, đồng thời cũng là giàn khoan đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam.

Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo giàn khoan tự nâng - Ảnh: Chinhphu.vn
Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo giàn khoan tự nâng - Ảnh: Chinhphu.vn

Được khởi công từ tháng 6/2009 do Petrovietnam làm chủ đầu tư, dự án có tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%. Giàn khoan tự nâng 90m nước là một tổ hợp giàn khoan tự nâng, di động, có quy mô lớn trên biển, được sử dụng để khoan thăm dò, sửa giếng hoặc khai thác dầu khí.

Giàn khoan được thiết kế có khả năng chịu được tải trọng khắc nghiệt của môi trường biển như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất.

Chiều cao chân giàn là 145 m, giàn khoan được trang bị hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.000 m dưới đáy biển.

Để chế tạo giàn khoan này, các kỹ sư đã phải thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất.

Theo Petrovietnam, hiện trên thế giới có khoảng 677 giàn khoan trên biển các loại đang hoạt động, trong đó có 412 chiếc là giàn khoan tự nâng và 122 giàn khoan đang được thi công.

Mặc dù nhu cầu về giàn khoan là rất lớn, song số lượng các công ty có khả năng thiết kế thi công chế tạo giàn khoan lại rất ít do yêu cầu về kỹ thuật thi công rất phức tạp và yêu cầu về hàm lượng chất xám cao.

Xuất phát từ nhu cầu rất lớn về giàn khoan của ngành dầu khí, thực hiện chủ trương về nội địa hóa và phát triển ngành cơ khí trọng điểm của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định đầu tư lâu dài cho lĩnh vực cơ khí chính xác với công nghệ cao phục vụ trực tiếp cho công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, bằng cách tự tổ chức chế tạo các phương tiện phục vụ công tác trên mà khởi đầu là giàn khoan tự nâng 90m nước và giao cho PV Shipyard thực hiện.

Sau 26 tháng triển khai với nhiều thách thức khó khăn, bên cạnh việc đạt đúng tiến độ, từ dự án này đã hình thành nên một đội ngũ cán bộ chuyên gia và lao động kỹ thuật trình độ cao trong lĩnh vực cơ khí chế tạo dịch vụ dầu khí với gần 100 người được đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Phó Tổng giám đốc Vietsovpetro Lê Minh Tuân – đơn vị mua giàn khoan để phục vụ sản xuất cho biết, giàn khoan tự nâng 90m nước do PV Shipyard đóng chất lượng không thua kém giàn khoan của các nước.

Cũng theo ông Lê Minh Tuân, cả nước hiện nay chỉ có 3 giàn khoan tự nâng PVD1, PVD2 và PVD3 của Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) mua của Singapore, và 3 giàn khoan tự nâng gồm Tam Đảo 1, Tam Đảo 2 và Cửu Long của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro (nhưng chỉ có giàn Tam Đảo 2 là công nghệ mới, các giàn còn lại của Vietsovpetro công nghệ lạc hậu hơn và chỉ là giàn khoan tự nâng 60m nước).

Với mục tiêu gia tăng sản lượng thăm dò khai thác dầu cũng như chiến lược phát triển của Tập đoàn, nhu cầu sử dụng giàn khoan cho công tác thăm dò của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro nói riêng và của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nói chung là rất lớn.

Việc tự đóng được giàn khoan trong nước, giảm dần sự phụ thuộc phải đi thuê của nước ngoài đã tiết kiệm được nguồn ngoại tệ khá lớn cho đất nước, ông Lê Minh Tuân nói.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự thành công ngay từ việc đóng giàn khoan tự nâng đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của ngành cơ khí Việt Nam, đặc biệt là ngành cơ khí chế tạo dịch vụ dầu khí.

Được biết, sau khi chạy thử và tổ chức bàn giao giàn khoan 90 m nước này vào tháng 3/2012, Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) sẽ tiếp tục đóng giàn khoan di động thứ 2 cho Vietsovpetro và một số đối tác nước ngoài khác.

Nguồn: chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast