Làng văn hóa - Yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, có hai tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hoá là cơ sở vật chất văn hoá và làng văn hoá đạt chuẩn theo quy định liên ngành. Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh nhiểu xã điểm, mạnh trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư thì đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương đang “trắng” làng văn hoá, khu dân cư văn hoá.

Thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) dẫu chỉ có 54 hộ dân nhưng đã có 22 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo. Còn lại hơn chục hộ vừa mới thoát nghèo được mấy năm trở lại đây nhưng giá trị bền vững thì cũng chưa thể chắc chắn được lâu dài. Một địa bàn được coi là vùng khó của đất phên dậu Kỳ Nam, quanh năm chảo lửa túi mưa, đất canh tác hầu như không có, đời sống lận đận với chuyện cái ăn cái mặc... thì làm sao tính nổi chuyện gì to tát hơn.

Thiết chế văn hoá là nhân tố quan trọng để xây dựng làng văn hoá nhưng nhiều địa phương ở Kỳ Anh vẫn còn thiếu và yếu.
Thiết chế văn hoá là nhân tố quan trọng để xây dựng làng văn hoá nhưng nhiều địa phương ở Kỳ Anh vẫn còn thiếu và yếu.

Chất lượng cuộc sống thấp, các điều kiện tối thiểu như nước sạch chưa có, cơ sở y tế kém chất lượng, hoạ hoằn lắm mới kiếm được vài trẻ học hết cấp ba... thậm chí, nhà văn hoá thôn là thiết chế có ý nghĩa cộng đồng nhất cũng chỉ được vài cái bàn, dăm cái ghế - tất cả đều nhờ nỗ lực sau hơn ba năm đóng góp của bà con. Ông Mai Văn Dụ - một người dân ở đây nói: Xã nghèo, dân nghèo, muốn mần chi cũng chịu. Thôi thì như kiều phận con nhà nghèo, được răng thì hay rứa thôi...

Sự an phận, chấp nhận đó trong câu nói của ông phần nào thấy được nội lực của địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Viềng - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Minh Đức thì việc xây dựng làng văn hoá, muốn hay không thì cũng phải có một số điều cơ bản như các thiết chế văn hoá, gia đình văn hoá, cảnh quan môi trường... Tuy nhiên, ngay cả điều kiện tối thiểu như nước sạch hợp vệ sinh mà cũng còn quá khó thì nhìn vào đâu để xây dựng làng văn hoá.

Theo quy định của ngành văn hoá thì một xóm, làng muốn công nhận làng văn hoá, ít nhất, đơn vị đó phải có 85% số dân có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, trên 80% có nhà xây ngói hoá, 85% đường làng ngõ xóm được bêtông hoá, có đời sống tinh thần lành mạnh, môi trưởng cảnh quan sạch đẹp... Với Kỳ Nam - một xã có trên 600 hộ dân thì đã có đến gần 30% hộ nghèo, diện tích đất trồng lúa toàn xã chưa đầy 40ha, còn lại là đất bạc màu với độ dốc cao, canh tác kém hiệu quả, các ngành nghề, dịch vụ khác hầu như chưa phát triển... đây là điều dễ hiểu vì sao sau hơn 10 năm phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, Kỳ Nam vẫn là một điểm “trắng” về làng văn hoá.

Sẽ rất khó để xây dựng đời sống văn hóa mới khi đói nghèo còn đeo đẳng người dân xã Kỳ Nam
Sẽ rất khó để xây dựng đời sống văn hóa mới khi đói nghèo còn đeo đẳng người dân xã Kỳ Nam

Ông Lê Minh Hồng – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Nam tâm sự: Cũng vận động, cũng nỗ lực hết sức vận dụng mọi nguồn lực, cấp uỷ chính quyền lăn lộn về với thôn với xóm... nhưng xem ra, càng hiểu dân, gần dân thì càng đồng cảm với cái khó khăn trong dân, ngay việc chọn lấy hai thôn là điểm mà vẫn còn khó, nói gì đến toàn xã. Sức dân có hạn, nguồn lực địa phương còn nhiều khó khăn thì cái khó vẫn luôn bó cái khôn...

Đến thời điểm này, Kỳ Anh có 116 trong tổng số 287 xóm được công nhận làng văn hoá. Trong đó, mới chỉ có 5/33 xã là Kỳ Thư, Kỳ Tân, Kỳ Tiến, Kỳ Hải và Kỳ Phú có số làng văn hoá đạt 100%, còn lại phần lớn đều khó khăn và trầy trật trong quá trình xây dựng. Thậm chí, còn có đến 7 xã thuộc vùng thượng của huyện như Lâm – Sơn - Thượng - Lạc... đều đang đúng nghĩa là điểm trắng – chưa hề có một làng hay cụm dân cư được xét duyệt và công nhận làng văn hoá. Về điều này, ông Nguyễn Lộc Hằng – Trưởng phòng Văn hóa – Truyền thông huyện Kỳ Anh nhấn mạnh: Rõ ràng đây là thách thức không nhỏ trong công cuộc xây dựng NTM. Nếu các địa phương không tích cực phấn đấu thì tiêu chí làng văn hóa rất khó đạt. Nhưng nếu không nghiêm khắc mà chạy theo thành tích thì việc công nhận danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa sẽ rơi vào tình trạng qua loa, đại khái, không thực chất và càng không bền vững.

Kỳ Thư được xem là điểm sáng văn hoá của huyện với các thế mạnh về văn hoá truyền thống và văn hoá làng nghề. Đây cũng là địa phương đầu tiên có đơn vị được công nhận là làng văn hoá cách đây từ hơn 10 năm trở về trước. Điện đường, trường, trạm, trụ sở nhà văn hoá... cả 7 thôn đều được đầu tư theo chuẩn mới như thế này. Theo ông Nguyễn Xuân Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thư thì vững và mạnh về văn hoá đã hỗ trợ đắc lực cho Kỳ Thư trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, giúp địa phương tự tin trước một số tiêu chí cơ bản như: trường học, điện, đường giao thông, bưu điện văn hoá và nhất là thu nhập bình quân đầu người.

Tuy nhiên, tại Kỳ Anh, những nhân tố tích cực này chưa nhiều. Sau hơn 10 năm phát động và xây dựng làng văn hoá, cùng với những cơ sở, tiền đề đã có sẵn nhưng Kỳ Anh mới chỉ có 40% thôn xóm được công nhận làng văn hoá. Nỗ lực còn lại trong vấn đề này của chặng đường xây dựng nông thôn mới là không hề đơn giản bởi xây dựng được làng văn hoá, đồng nghĩa với đó là sẽ có nhiều vấn đề khác được giải quyết.

Ông Phạm Khắc Dạ - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Kỳ Anh trao đổi thêm: Điều này cũng khó vì mọi thứ đã ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của người dân. Việc chấp hành chủ trương chính sách, thay đổi ý thức, nhận thức có thể được nhưng còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rồi các thiết chế văn hoá... đó là cả một vấn đề lớn không hề giản đơn...

Khó khăn cốt lõi nhất trong việc xây dựng làng văn hoá chính là việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống cho người dân và tạo lập được các thiết chế văn hoá phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Điều này không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt trong cách làm của mỗi địa phương mà hơn hết còn phải có sự tìm tòi cách tháo gỡ của các cấp, các ngành, để giúp mỗi người dân ý thức được mình vừa là chủ thể đi đầu trong xây dựng nhưng cũng là chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hoá do chính mình tạo dựng nên.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast