Lập tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển để nâng cao hiệu quả và sản lượng khai thác

Trong bối cảnh nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển ngày càng khó khăn, bà con ngư dân Hà Tĩnh đã tiến hành thành lập các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Tổ đội đoàn kết sản xuất không chỉ giúp bà con giảm chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, có điều kiện bám biển dài ngày tìm kiếm ngư trường mới… mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Điểm tựa cho những chuyến ra khơi

Trong một chuyến đánh bắt xa bờ kéo dài 10 ngày, thuyền của anh Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Lâm Hoãn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) bị chết máy khi cách bờ 30 hải lý. Loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì anh nhớ ngay đến anh em của mình trong tổ hợp tác an toàn trên biển và gọi điện thông báo sự cố mình gặp phải. Ngay sau khi hay tin, tạm gác lại công việc đánh bắt ở thuyền của mình, một thuyền trong tổ hợp tác an toàn trên biển gần với thuyền anh Hoàng gặp nạn nhất đã có mặt kịp thời để kéo thuyền của anh Hoàng vào bờ.

Việc thành lập các tổ đội sản xuất trên biển sẽ góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả và nâng cao sản lượng khai thác hải sản xa bờ
Việc thành lập các tổ đội sản xuất trên biển sẽ góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả và nâng cao sản lượng khai thác hải sản xa bờ

Một lần khác, do thời tiết xấu nên thuyền của anh Hoàng bị đắm khi cách bờ 20 hải lý, 8 thuyền viên hết sức hoảng hốt nhưng cũng như lần trước, họ lại được giải cứu nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ tích cực của các anh em trong tổ hợp tác.

Hơn 20 tuổi, anh Nguyễn Huy Hoàng ở thôn Lâm Hoãn, xã Cẩm Nhượng đã theo cha và các bác đi biển. Cũng từ ngày đó, biết bao lần anh đã chứng kiến những rủi ro. Vì vậy, khi tự mình làm chủ chiếc thuyền 69 CV, chính anh đã vận động anh em đi biển thành lập tổ hợp tác an toàn trên biển và được bầu làm tổ trưởng.

Anh Hoàng cho biết: “Trước đây chúng tôi đánh bắt riêng lẻ, thuyền nào biết thuyền đó nên nhiều khi gặp rủi ro cũng phải tự giải quyết, tự gánh chịu. Nhưng từ ngày vào tổ hợp sản xuất an toàn trên biển, anh em trong tổ khi phát hiện ra luồng cá đều thông báo cho nhau cùng đến khai thác nên nhiều năm nay những chuyến thuyền về không của chúng tôi cũng ít dần đi. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên giúp đỡ nhau khi gặp sự cố trên biển. Vì vậy ai cũng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Mặt khác, khi vào tổ hợp tác, anh em trong tổ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tạo động lực thúc đẩy chúng tôi cố gắng hơn nữa trong hoạt động khai thác thủy sản”.

Tổ hợp tác an toàn trên biển của xã Cẩm Nhượng được thành lập từ năm 2008 trên cơ sở tự nguyện của một nhóm ngư dân. Đến nay, tổ hợp tác có 6 thuyền từ 45 CV trở lên tham gia với 50 hội viên. Ngư dân của 6 thuyền này như người một nhà, họ thường xuyên thông báo cho nhau biết các thông tin về tình hình ngư trường, giúp đỡ nhau trong khai thác thủy sản, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và giải quyết các sự cố khi hỏng máy, đắm thuyền, bão tố bất thường.

Ngoài ra, với nguồn quỹ hội 50 triệu đồng /năm, tổ hợp tác đã tạo điều kiện cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay mua sắm thêm ngư cụ, phương tiện đánh bắt, mở rộng hoạt động đánh bắt, chế biến thủy sản nhằm không ngừng nâng cao sản lượng và thu nhập của các gia đình đi biển. Trong quá trình buông lưới xa khơi, khi phát hiện những trường hợp đánh bắt trái quy định, họ cũng đã kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và ngành chuyên môn.

Thấy được lợi ích cũng như hiệu quả kinh tế của việc tham gia đánh bắt thủy hải sản theo tổ đội, bà con ngư dân xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) đã tích cực tham gia tổ đội đoàn kết sản xuất trên tinh thần tự nguyện. Thạch Kim là địa phương tiêu biểu trong việc thành lập tổ đoàn kết sản xuất trên biển.

Từ năm 2007 đến nay, Thạch Kim đã thành lập 6 tổ khai thác hải sản hoạt động hiệu quả, trong đó, các thành viên hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt, tìm kiếm ngư trường khai thác, chi phí chuyển giao công nghệ sản xuất, thông tin liên lạc, ngăn chặn các hoạt động khai thác hải sản trái phép, đặc biệt là hỗ trợ nhau khi có tai nạn tàu cá xẩy ra trên biển. Đến nay, ngoài đảm bảo thu nhập ổn định cho các lao động, các tổ đội còn có nguồn quỹ hàng chục triệu đồng giúp đỡ các thành viên lúc khó khăn hoạn nạn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Biện Ngọc Cường cho biết, từ khi các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập, năng suất, sản lượng đánh bắt của bà con ngư dân tăng đáng kể. 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác của xã đạt trên 1.200 tấn, bằng 62% kế hoạch /năm. Các thành viên trong tổ giúp nhau khai thác hải sản, giới thiệu ngư trường mới, chuyển đổi nghề. Mỗi chuyến ra khơi, các thành viên yên tâm bám biển dài ngày vì mọi thông tin về diễn biến thời tiết được cung cấp thường xuyên. Mùa mưa bão đang đến gần, việc thành lập tổ đội khai thác vùng xa bờ và vùng lộng để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như xử lý tai nạn có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống bão lụt, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân chủ động ứng phó với nhiều tình huống trên biển, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Mô hình cần nhân rộng

Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh cho biết, bà con ngư dân nhận thức một cách sâu sắc về việc liên kết thành lập tổ đội sản xuất đoàn kết trên biển. Trên nguyên tắc tự nguyện, tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương, các ngư dân đã cùng nhau thành lập tổ đội trên cơ sở quan hệ họ hàng, bạn bè, đánh bắt trên một ngư trường để hỗ trợ nhau. Sự ra đời của tổ đội sản xuất đoàn kết trên biển mang lại hiệu quả thiết thực. Ngư dân tiết kiệm được chi phí sản xuất và tăng thời gian bám biển, có điều kiện khám phá những ngư trường mới giàu tiềm năng. Các tổ đội còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cơ quan chức năng, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ vững ANTT trên biển. Đặc biệt, sự có mặt của ngư dân góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, chống lại sự xâm nhập trái phép của các tàu lạ.

Mô hình giám sát quản lý tàu cá bằng vệ tinh của Australia
Mô hình giám sát quản lý tàu cá bằng vệ tinh của Australia

Hà Tĩnh là một trong 27 tỉnh, thành ven biển được hưởng lợi từ dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar” của Bộ NN&PTNT. Theo đó, các tổ đội bước đầu đã được lắp đặt thiết bị vệ tinh phục vụ hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã thành lập được 12 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, mỗi tổ đội có từ 5-7 tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; trong đó, Thạch Kim 6 tổ, Kỳ Hà (huyện Kỳ Anh) 3 tổ, Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) 2 tổ và Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) 1 tổ.

Tuy nhiên, so với 3.790 tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh thì số lượng tổ đội sản xuất đoàn kết hiện nay còn quá khiêm tốn. Tàu có công suất dưới 20 CV chiếm đến 79,46%, thiết bị lạc hậu nên chất lượng sản phẩm sau khi đánh bắt không cao. Do đó, bà con ngư dân cần sự hỗ trợ để có điều kiện cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt. Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; có chính sách hỗ trợ để bà con ngư dân nhân rộng mô hình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast