Liên kết tiêu thụ nông sản - Cần những giải pháp đồng bộ

Ở nhiều địa phương, việc “liên kết 4 nhà” được thực hiện rất hiệu quả, không chỉ tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được các tiến bộ KHKT, hình thành tư duy làm ăn mới mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, đối với Hà Tĩnh - một tỉnh sản xuất thuần nông, khi sản phẩm làm ra, bà con nông dân vẫn đang lao đao với bài toán tìm kiếm thị trường tiêu thụ...

Những mô hình liên kết nhỏ lẻ

Từ năm 2006, sau khi tham gia dự án trồng rau hữu cơ, ông Trần Thanh Xuân (Thạch Hà) tham gia vào tổ hợp trồng rau an toàn của xóm Khang. Dự án trồng rau kết thúc, tổ hợp tác cũng tan rã nhưng từ thương hiệu "Rau sạch Thạch Liên", ông Xuân đã tìm được mối liên kết cung cấp rau cho siêu thị Co.op Mart. Đều đặn, cứ 4h chiều hàng ngày, siêu thị thông báo cho ông số lượng rau yêu cầu của ngày hôm sau và 5h sáng ông Xuân lại thồ một xe hàng giao cho siêu thị. Theo thỏa thuận, giá bán cho siêu thị được tính bằng hoặc nhỉnh hơn giá bán thông thường ở chợ. Cung cách mua bán cũng thuận lợi, đặc biệt, từ việc gom hàng cho siêu thị, ông Xuân đã góp phần tiêu thụ một lượng lớn rau giúp bà con nông dân trong thôn.

Rau sạch của nông dân Hà Tĩnh đang trở thành mặt hàng đắt khách ở Siêu thị Co.op Mart BMC
Rau sạch của nông dân Hà Tĩnh đang trở thành mặt hàng đắt khách ở Siêu thị Co.op Mart BMC

Không chỉ nông dân tìm đến thị trường, ở Hà Tĩnh bước đầu đã có những doanh nghiệp chủ động xây dựng mối liên kết với người nông dân. HTX chế biến nông sản Thành Sen là một ví dụ. Mấy năm gần đây, từ khi chuyển sang mặt hàng ớt xuất khẩu, HTX Thành Sen đã chủ động liên hệ, đặt vấn đề với các địa phương để phát triển các vùng nguyên liệu. Theo đó, HTX đứng ra liên hệ và đóng vai trò đầu mối cung cấp giống, phân bón và trực tiếp chuyển giao KHKT cho bà con nông dân chuyển đổi các loại cây trồng giá trị thấp sang trồng ớt. Thực tế triển khai ở một số địa phương cho thấy, mỗi sào ớt cho thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Tiếp sức cho hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất này, 2 năm nay, Liên minh HTX đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, dạy nghề và hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm. Sau nhiều nỗ lực, đến vụ đông xuân 2010 - 2011, Hà Tĩnh đã có khoảng 500 ha ớt cung cấp nguyên liệu cho HTX chế biến nông sản Thành Sen.

Là những tổ chức, đơn vị hoạt động liên quan trực tiếp đến người nông dân và các HTX, trong những năm gần đây, Hội Nông dân và Liên minh HTX Hà Tĩnh đã vận dụng các nguồn kinh phí nhà nước và các chương trình, dự án để từng bước triển khai các mô hình liên kết "4 nhà". Liên minh HTX có các chương trình đào tạo nghề gắn với tư vấn, hỗ trợ các HTX tìm đầu ra cho sản phẩm như: nghề mây tre đan xuất khẩu, trồng nấm… Hội Nông dân Hà Tĩnh xây dựng các mô hình sản xuất rau sạch, mở quầy tiêu thụ nông sản sạch để gắn sản xuất với tiêu thụ.

Một trong những nguồn lực góp phần tạo nên mối liên kết giữa người nông dân với thị trường ở Hà Tĩnh trong những năm qua là Dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo (IMPP) Hà Tĩnh. Các chương trình tập huấn, hội thảo, tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm mà IMPP phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai trong thời gian qua đã góp phần chuyển biến nhận thức và đổi mới cách làm của bà con nông dân theo xu thế sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần.

Tuy nhiên, những nỗ lực từ người nông dân, doanh nghiệp đến những hoạt động của các tổ chức, đơn vị và các chương trình, dự án đều đang mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống nên hiệu quả mang lại chỉ là những mô hình liên kết manh nha bước đầu.

Rối như tơ vò

Nhìn nhận một cách khách quan, sợi dây liên kết "4 nhà” để tiêu thụ nông sản ở Hà Tĩnh vẫn rối như tơ vò. Khó khăn và vướng mắc nằm ở cả phía người nông dân, doanh nghiệp lẫn Nhà nước. Người nông dân vẫn nặng tư tưởng sản xuất tự cung, tự cấp, chưa có thói quen tìm hiểu và đón đầu thị trường nên đành chấp nhận thực trạng sản phẩm làm ra tiêu thụ bấp bênh, may rủi. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết và những kiến thức cơ bản về pháp luật trong hoạt động kinh tế của người nông dân hết sức hạn chế. Bởi vậy, mỗi mô hình liên kết được xây dựng đều vướng từ việc đã thông tư tưởng đến tìm kiếm nguồn vốn và tổ chức sản xuất theo đúng hợp đồng đã được ký kết.

Dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng do đầu ra bấp bênh nên nhiều địa phương ở Hà Tĩnh chưa dám mở rộng diện tích trồng dưa đỏ
Dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng do đầu ra bấp bênh nên nhiều địa phương ở Hà Tĩnh chưa dám mở rộng diện tích trồng dưa đỏ

Thiếu năng lực trong tiếp cận nguồn vốn và các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng là một thực tế đang diễn ra tại các doanh nghiệp và HTX ở Hà Tĩnh. Để vay được vốn phát triển sản xuất, doanh nghiệp và HTX cần có dự án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp mới đảm bảo các yêu cầu đầu tư tín dụng của ngân hàng. Các chính sách khác như: cấp đất, hỗ trợ GPMB, vay vốn ưu đãi… đều đòi hỏi doanh nghiệp và HTX phải nắm bắt được chính sách và vận dụng, tranh thủ được những chính sách đó. Bên cạnh đó, năng lực quản trị, điều hành, thực hiện các giao dịch, hợp đồng với các đối tác lớn của doanh nghiệp cũng chưa đáp ứng yêu cầu khi hợp tác với các bạn hàng trong và ngoài nước.

Sự yếu kém trong tổ chức sản xuất - kinh doanh và tiếp cận thị trường của người nông dân lẫn doanh nghiệp cộng với những biến động không thuận lợi trong thị trường tiêu thụ đã dẫn đến thực trạng mối liên kết "4 nhà" thường hết sức lỏng lẻo. Một ví dụ như nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan đã du nhập vào địa bàn Hà Tĩnh gần 10 năm nay với 18 HTX, tổ hợp tác tổ chức sản xuất.

Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu không thuận lợi cộng với sự thụ động trong việc tìm đầu ra của các đơn vị nên đến nay quy mô và chất lượng của nghề mây tre đan hầu như chỉ dẫm chân tại chỗ. Vừa rồi, Hội Nông dân Hà Tĩnh tìm được một đối tác nước ngoài muốn ký hợp đồng cung cấp 1 công-ten-nơ với khối lượng lớn. Nhưng tiếc thay, “vét” hết sản phẩm của tất cả các HTX làm nghề trên địa bàn cũng chỉ đáp ứng được 1/15 khối lượng mà khách hàng yêu cầu. Đáng tiếc hơn, trong tất cả các HTX sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Hà Tĩnh chưa có một đơn vị nào có đủ kiến thức pháp luật kinh tế quốc tế để thực hiện việc đàm phán với đối tác nước ngoài.

Mối liên kết lỏng lẻo giữa "4 nhà" ở Hà Tĩnh ta còn thể hiện ở việc các hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người sản xuất thiếu tính bền vững. Ông Đặng Văn Phúc – Chủ nhiệm HTX chế biến nông sản Thành Sen cho biết: Trong quá trình mở rộng các vùng nguyên liệu, vấn đề khó khăn nhất của đơn vị là người sản xuất thường e ngại khi ký các hợp đồng kinh tế vì còn băn khoăn khi quyết định lựa chọn cây trồng mới, sợ không đảm bảo số lượng theo yêu cầu và lo ngại giá sản phẩm của doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường. Trong khi đó, để hạch toán được lợi nhuận, HTX chỉ có thể tổ chức ký hợp đồng thu mua với một khối lượng sản phẩm khá lớn.

Thực trạng khó khăn trong xây dựng mối liên kết "4 nhà” còn có nguyên nhân quan trọng là thiếu bàn tay hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước. Mặc dù, nhiều chính sách liên quan đến việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân đã được ban hành nhưng các cơ quan hữu quan chưa thực sự nỗ lực đưa những chính sách này đến với các đối tượng được thụ hưởng. Bởi vậy DN, HTX và cả người nông dân hết sức khó khăn khi tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh, hiện mới chỉ có 5% HTX vay được vốn và hơn 2% đơn vị được cấp đất theo quy định.

Cần những giải pháp đồng bộ

Xin được mượn lời bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh làm phần kết cho bài viết này: "Thực tế triển khai một số mô hình liên kết "4 nhà” là năng lực hoạt động của cả nhà sản xuất và nhà tiêu thụ trên địa bàn Hà Tĩnh còn yếu kém. Nếu không có sự tham gia quyết liệt, mạnh mẽ hơn của Nhà nước thì việc liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân sẽ rơi vào thế bế tắc. Giải pháp cho vấn đề này, trước hết cần sớm xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp, trong đó hoạch định được các ngành nghề, lĩnh vực và các nhóm đối tượng sản phẩm tiêu thụ tại địa bàn trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Chiến lược phát triển nông nghiệp phải dựa trên nền tảng của việc khai thác những điều kiện thuận lợi về tư liệu, nguồn lực và môi trường sản xuất đồng thời chú trọng đến việc bồi đắp nguồn tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn những tiềm năng để phát triển một cách bền vững.

Bên cạnh đó, chính quyền cần có cơ chế rõ ràng, minh bạch đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp; các ngành chức năng chỉ đạo, phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể và kiên quyết để thực hiện các chính sách một cách hiệu quả; ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các chương trình, hoạt động thực hiện “liên kết 4 nhà”, xem đây là vấn đề cốt lõi để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một vấn đề quan trọng nữa là, đội ngũ cán bộ các cấp cần thay đổi tư duy, cách làm để đến với người dân bằng tấm lòng nhiệt tình và phương pháp, kỹ năng làm việc hiệu quả. Có như vậy, chính sách, nguồn lực mới đến được với người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Trọng Quế - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh: “Liên kết để tăng năng lực sản xuất cho người nông dân”.

Không nhiều nông dân Hà Tĩnh có đủ năng lực để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Trong khi đó, nhà tiêu thụ bao giờ cũng yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chí về số lượng và chất lượng. Vì vậy, cần phải tạo điều kiện thúc đẩy thành lập các hiệp hội, tổ hợp tác, HTX để tập hợp nhiều thành viên cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trong những năm gần đây, Liên minh HTX đã tập trung phát triển các loại hình kinh tế tập thể để thúc đẩy quá trình liên kết trong sản xuất của người nông dân. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục đầu tư hỗ trợ để nâng cao năng lực và đưa chính sách ưu đãi đến với các loại hình kinh tế tập thể, làm nền tảng thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Chủ hộ nuôi tôm và cung ứng thức ăn nuôi tôm: “Sản xuất quy mô lớn giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi”.

Cơ sở nuôi tôm của gia đình tôi có quy mô hơn 20 ha đất mặt nước. Nhờ nuôi theo phương thức công nghiệp nên sản lượng đạt được khá lớn. Mỗi đợt chúng tôi cung cấp cho doanh nghiệp 30-40 tấn tôm thương phẩm, đảm bảo đủ số lượng sản phẩm theo yêu cầu, vì vậy chúng tôi thường có lợi thế trong khi đàm phán giá. Đối với đơn vị thu mua, nếu hộ nuôi cung cấp số lượng sản phẩm lớn bao giờ cũng được trả giá cao hơn vì họ không phải bỏ chi phí cho việc gom hàng ở nhiều địa điểm khác nhau. Bởi vậy, cơ sở của chúng tôi mặc dù bán sỉ nhưng giá lại đắt hơn người khác bán lẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast