Miễn thủy lợi phí cho nông dân: Những tác động hai chiều

Gần 3 năm thực hiện chủ trương miễn thủy lợi phí cho các hộ sản xuất nông nghiệp đã có những tác động tích cực đến các hộ sản xuất nông nghiệp, các đơn vị cung ứng thủy lợi, song, cũng làm nẩy sinh những "tác dụng phụ" không mong muốn, cần sớm khắc phục.

Nông dân bớt gánh nặng

Đối với hộ sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn thủy lợi phí (TLP) của Chính phủ đã thực sự góp phần làm giảm bớt gánh nặng về chi phí và tạo điều kiện để người nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở một số xã, phường trong tỉnh, tuy không cụ thể về số tiền được hưởng từ chính sách miễn TLP nhưng đều thừa nhận, nông dân đã giảm được một trong số bốn khoản lo lớn nhất (3 khoản còn lại là: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Còn qua số liệu của một nhóm chuyên gia trong nước, miễn TLP đã làm giảm từ 3 - 8% trong tổng chi phí sản xuất của các hộ nông dân.

Chủ trương miễn thủy lợi phí đã tạo nên những tác động hai chiều
Chủ trương miễn thủy lợi phí đã tạo nên những tác động hai chiều

Một điểm chung đáng mừng nữa là, theo báo cáo của các đơn vị cung ứng dịch vụ thủy lợi lớn trong tỉnh như: Sông Rác, Kẻ Gỗ, Can Lộc, Linh Cảm…, từ khi thực hiện chính sách miễn TLP, diện tích đất sản xuất đã tăng lên đáng kể. Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Linh Cảm, cho biết: "Chính sách miễn TLP đã làm cho các hộ dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Nhiều diện tích đất trước đây bỏ hoang nay được đưa vào sản xuất. Nếu năm 2007, năm chưa thực hiện chính sách, diện tích tưới của đơn vị là trên 16.800 ha, thì đến năm 2010 đã xấp xỉ 19.000 ha. Thêm vào đó, các hộ còn quan tâm, đầu tư hơn vào sản xuất nên năng suất cũng tăng lên…".

Đối với các đơn vị làm công tác cung ứng dịch vụ thủy lợi, chính sách miễn TLP như dòng nước ngọt lành kịp về trên những cánh đồng khô hạn. Từ khi thực hiện chính sách miễn TLP, các đơn vị này đã không còn cảnh gõ cửa từng hộ xin thu TLP mà được cấp bù từ ngân sách. Không chỉ bớt được công việc thu - nộp TLP đầy vất vả, đụng chạm, các đơn vị này còn được nhận khoản cấp bù từ ngân sách cao hơn trước trung bình khoảng trên 3,5 lần (do mức lương, đơn giá tưới, diện tích tưới tăng).

Linh Cảm, Sông Rác, Can Lộc…là những ví dụ. Trước đây những đơn vị quản lý, khai thác các công trình này chỉ thu TLP đạt dưới 3 tỷ đồng/năm, nay được cấp bù trên dưới 10 tỷ đồng/năm. Kẻ Gỗ, trước thu được khoảng 6,5 tỷ đồng/ năm, năm nay được cấp bù 20 tỷ đồng/năm. Từ nguồn cấp bù trên, mọi hoạt động tưới của các đơn vị đã thực sự khởi sắc lên nhiều lần so với trước.

Ông Cao Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Hồng Lam, cho biết: "Trước đây do nguồn thu TLP thấp, cấp bù công ích không đủ theo kế hoạch làm cho công tác duy tu, sửa chữa…các công trình thủy lợi gặp rất nhiều khó khăn khiến công trình đạt năng lực tưới thấp. Từ năm 2008 đến nay, khó khăn trên đang dần được khắc phục. Các công trình được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, một số công trình, trạm bơm được nâng cấp, năng lực tưới được phát huy; đời sống của đội ngũ cán bộ, CNVC cũng tăng lên rõ rệt".

Từ nguồn cấp bù, các đơn vị đã quan tâm đầu tư xây dựng kênh mương, sửa chữa lớn, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực tưới. Tính trung bình, những đơn vị kể trên mỗi năm chi phí cho công tác này khoảng 1,5 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với trước.

Những "tác dụng phụ"

Tuy nhiên, trong thực thi chính sách miễn TLP cũng đã bộ lộ những vướng mắc, hạn chế cần sớm điều chỉnh, khắc phục. Trước hết, thời gian đầu, do kinh phí cấp bù TLP về cấp xã quá muộn làm cho cấp này không chủ động được ngân sách, lúng túng trong việc quản lý, sử dụng, dẫn đến vừa thiếu vừa tồn đọng kinh phí. Điều đáng nói hơn là tình hình tranh chấp diện tích tưới giữa một số đơn vị cung ứng dịch vụ thủy lợi với địa phương ngày càng lớn lên và đang có chiều hướng lan ra diện rộng. Điều này không chỉ gây bất ổn tại cơ sở mà còn làm cho diện tích tưới thiếu ổn định, chồng chéo dẫn tới lãng phí trong đầu tư và dễ làm thất thoát ngân sách nhà nước. Nguyên nhân là do đơn giá cấp bù TLP cao (gần 900.000 đồng/ha/vụ) lại được chuyển thẳng về địa phương nên nhiều diện tích trước đây địa phương vẫn ký hợp đồng tưới với Công ty, nay đứng ra nhận tưới; diện tích tưới đan xen, nhiều trạm bơm dưới cơ sở nằm trong vùng tưới của các Công ty…

Thêm nữa, miễn TLP đã làm giảm sút đáng kể ý thức của các hộ sản xuất trong việc trả nợ số tiền TLP trước đây. Hàng tỷ đồng nợ kéo dài nhiều năm nay đang có nguy cơ mất trắng. Sử dụng nước một cách "thả cửa", gây lãng phí; gây ô nhiễm, tắc nghẽn kênh mương do ném các bao đựng, vỏ thuốc BVTV…; thiếu ý thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi…của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp đang ngày càng gia tăng là những "tác dụng phụ" đáng lo ngại, ngoài mong muốn.

Tác động 2 chiều của chính sách miễn TLP trên địa bàn trong thời gian tới là vấn đề đáng bàn đối với những người có trách nhiệm. Kết quả phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và hành động của chúng ta.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast