Mùa gặt trọn vẹn

Vượt lên bao khó khăn, gian truân trong mùa vụ hè thu 2011, đến lúc này các địa phương đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã có một mùa gặt khá trọn vẹn.

Nông dân xã Hồng Lộc (Lộc Hà) gặt lúa chạy bão
Nông dân xã Hồng Lộc (Lộc Hà) gặt lúa chạy bão

Tính đến nay, toàn tỉnh đạt 95% diện tích lúa được thu hoạch gọn, bảo toàn 19 vạn tấn lương thực là sức mạnh cộng hưởng của toàn đảng, toàn dân trong cuộc chạy đua với thời gian giành lấy thế chủ động trong sản xuất. Có lẽ hiếm có năm nào sản xuất nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Đợt rét kéo dài 36 ngày vào đầu vụ đông xuân không chỉ gây ảnh hưởng đến sản lượng lương thực toàn tỉnh mà còn kéo theo chậm mùa vụ sản xuất hè thu đến gần một tháng. Sức ép về mùa vụ, dự báo bất lợi về thời tiết vào cuối vụ là những tín hiệu ảm đạm cho vụ hè thu 2011. Và giải pháp nào để có một vụ sản xuất hè thu “ăn chắc” là bài toán khiến cả nhà chuyên môn và người nông dân không khỏi đau đầu.

Khi bà con nông dân đang hối hả thu hoạch đông xuân thì công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu 2011 đã được sở NN&PTNT hoạch định cụ thể. Từ kỹ thuật canh tác, điều tiết nước tưới cho đồng ruộng đến giống và thời vụ đều đã được các nhà chuyên môn tính toán một cách chuẩn xác, nhằm tránh thiên tai bão, lũ vào cuối vụ, bảo đảm an ninh lương thực cho nông dân. Mặc dù thời gian cập rập, gấp rút và muôn vàn khó khăn trước vụ sản xuất mới nhưng đến cuối tháng 6 hầu hết diện tích lúa trên toàn tỉnh đã gieo cấy đúng thời vụ. Tổng diện tích lúa là 44.296 ha, trong đó lúa hè thu 41.190 ha, đạt 101,48% KH. Các cay trồng khác cũng đạt kế hoạch: đậu xanh 10.230 ha; ngô 1000 ha; lạc 398,2 ha; khoai lang 835 ha; rau 2387 ha…

Máy gặt đập liên hợp hỗ trợ đắc lực cho bà con xã Kim Lộc (Can Lộc) thu hoạch lúa

Đến nay đã thu hoạch được 95% diện tích với năng suất bình quân đạt hơn 45 tạ/ha. Một minh chứng cho sự thành công đó là thời điểm cứu lúa của các địa phương trước cơn bão kép số 4 và số 5. Hơn một nửa diện tích lúa đang nằm giữa đồng khi có tin cơn bão đến, chỉ đạo của UBND tỉnh trở thành mệnh lệnh có sức lan toả lớn, từ miền xuôi lên miền ngược, các lực lượng, đủ mọi máy móc đã xung kích bám đồng cứu lúa cùng bà con nông dân. Chỉ trong mấy ngày, diện tích lúa được thu hoạch đã tăng đáng kể, đạt 80% diện tích trước 30/9. Ông Phan Thanh Nhàn, Phó chủ tịch huyện Lộc Hà cho biết: “So với các địa phương khác, lúa hè thu Lộc Hà gieo cấy muộn, do vậy đến trước cơn bão số 4 và số 5, toàn huyện chỉ mới thu hoạch được 150 ha trong số 1820 ha. Ngay khi có công điện khẩn của UBND tỉnh, huyện đã huy động lực lượng giúp dân cứu lúa, đồng thời động viên bà con thu hoạch gấp số diện tích xanh chắc để bảo toàn sản lượng. Chỉ riêng ngày đầu ra quân, chúng tôi đã thu hoạch được gần 300 ha lúa. Sự kỳ diệu đó được kết tinh từ sức mạnh cộng hưởng của toàn dân, toàn quân”.

Có thể nói, bộ giống mới là nhân tố quyết định trong sự thành công của hè thu 2011. Chỉ 90 ngày cho một vụ sản xuất, lần đầu tiên trong bộ giống sản xuất vụ hè thu, từ cây lúa đến cây ngô giống ngắn ngày đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu sản xuất. Những chính sách kịp thời về giống của tỉnh chính là cái cần câu giúp các địa phương thực hiện cuộc “chuyển mình” quan trọng. Đặc biệt, bộ giống lúa ngắn ngày đã làm nên kỳ tích với PC6, TH3-3, IR 50404, VT–NA1, QR1… Đặc điểm nổi trội của bộ giống mới là không những đáp ứng nhu cầu cấp bách về thời gian mà chúng còn cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt và có khả năng thích nghi với nhiều chất đất, kể cả những chân ruộng bạc màu. Bên cạnh những giống đã khá quen thuộc với người nông dân như PC6, IR 50404 thì bộ giống lúa lai hai dòng TH3-3, lúa thuần QR 1 là những loại giống có tính năng vượt trội trong vụ hè thu này. Qua các mô hình điểm cho thấy, năng suất bình quân của TH3-3 đạt 59- 60 tạ/ha và QR1 là 54,8 tạ/ha. Theo tính toán, các loại giống này có thể cho thu nhập cao hơn các giống khác từ 8-9 triệu đồng/ha.

Cùng với việc thống nhất lấy nước điều hành sản xuất theo lịch thời vụ của ngành chuyên môn, phải nói thêm rằng, hè thu năm nay có nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa trong suốt vụ, nguồn nước dự trữ ở hồ chứa luôn đảm bảo là điều kiện để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đậu hạt cao. Thêm vào đó, bài học về mùa mưa lũ của năm trước là sự nhắc nhớ bà con nông dân nêu cao cảnh giác, chủ động giành lấy thắng lợi trước biến động của thiên tai. Nhiều vùng công tác thu hoạch lúa hè thu được triển khai rất sớm, vào những ngày bão đến gần, nông dân ở đây chỉ phải gặt nốt diện tích nhỏ còn ở trên đồng ruộng mà thôi. Đức Thọ, Hương Sơn là hai địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong việc chỉ đạo thu hoạch sớm lúa hè thu. Chị Cao Thị Hằng, thôn 3, Yên Hồ (Đức Thọ) chia sẻ: “Chúng tôi ở vùng trũng nên phải lo trước, 7 sào ruộng chỉ dùng giống ngắn ngày. Tuy năng suất không cao lắm nhưng đưa được lúa về nhà trước mưa lụt là yên tâm lắm rồi”. Cùng tâm sự, ông Trần Viết Hùng, thôn 1, Đức Quang, Đức Thọ cho hay: “Theo chỉ đạo của xã, tất cả mọi công việc đều phải hoãn lại, kể cả thu hoạch lạc để tập trung cho lúa hè thu nên phần lớn diện tích của bà con trong xã đều đã được phơi phong và cất giữ cẩn thận trước mùa mưa bão rồi”.

Thành công từ một vụ sản xuất khó không chỉ đưa đến những niềm vui nhân lên gấp bội phần mà còn để lại nhiều bài học quý. Để bảo vệ an toàn hạt gạo chắt từ “một nắng hai sương” của bà con nông dân, các cấp, các ngành chuyên môn cần nghiên cứu để có hướng phát triển mang tính chiến lược, bền vững để mùa vàng được tiếp nối mùa vàng bội thu…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast