Mùa vàng Cẩm Xuyên

Vụ đông xuân năm 2010 – 2011 là vụ sản xuất đứng trước hàng loạt khó khăn. Trong đó đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu giống do bị lũ lụt cuốn trôi, kế theo đó là tình trạng rét đậm rét hại kéo dài khiến hơn 2 ngàn ha lúa chết rét phải khôi phục lại cộng với đó là tình trạng dịch rầy nâu gây hại trên diện rộng. Tuy nhiên, đây là vụ sản xuất được đánh giá được mùa nhất trong vòng 4 năm trở lại nay ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Vụ đông xuân 2010 – 2011, gia đình ông Hoàng Minh Quang ở thôn 1, xã Cẩm Duệ làm hơn 1 mẫu ruộng. Với diện tích đó bình thường phải cần 35 đến 40 cân giống nhưng có đến hơn 1 nửa số giống ông dành chuẩn bị đã bị hai trận lụt tháng 10 năm 2010 cuốn trôi. Trước thực trạng đó khi bước vào vụ sản xuất mới cùng với số giống được Nhà nước hỗ trợ, ông đã thực hiện gieo cấy theo mô hình “3 giảm 3 tăng” nhằm hạn chế tối đa lượng giống phải bỏ ra. Thế nhưng khó khăn không dừng lại ở đó, ngay khi gieo xong lại gặp phải rét đậm, rét hại khiến hơn 4 sào ruộng của gia đình ông bị chết phải gieo cấy lại hoàn toàn. Đứng trước nhiều vụ thất bát nên ông quyết không buông xuôi với ruộng đồng. Khi được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ giống để gieo lại, ông đã tập trung chăm sóc, tăng cường đầu tư phân bón, theo sát đồng ruộng nên đến nay ông đã rất phấn khởi, bắt đầu thu hoạch những ruộng lúa nặng trĩu nặng.

Đối với ông Nguyễn Văn Linh ở thôn 1, xã Cẩm Thăng thì niềm vui còn tăng lên gắp bội. Gia đình ông làm 1 mẫu 3 ruộng, trong đó có tới 8 sào bị chết rét phải gieo cấy lại. Trước đây với diện tích đó phân tán 14 thửa ruộng nhưng sau chuyển đổi ruộng đất chỉ còn 5 thửa ở 4 xứ đồng. Vụ sản xuất đông xuân gặp nhiều khó khăn nhưng chưa năm nào gia đình ông được mùa như năm nay, theo ước tính ban đầu của ông nhiều sào được trên 3tạ. Đáng mừng nhất, vụ này ông cũng không tất bật đi nhân công buộc lúa, chở về nhà và lo lắng chờ máy tuốt nữa bởi đã có máy gặt đập liên hoàn. Ông Linh phấn khởi cho biết: “Chưa vụ sản xuất nào gian nan như năm nay, lúa chết nhiều, 30 Tết vẫn còn lên nhà trưởng thôn nhận giống về gieo; vừa ăn Tết cổ truyền vừa lo ngâm giống nhưng bây giờ thì mừng lắm, lo được mùa lại được cả giá nữa.”

Vụ đông xuân năm 2010 – 2011 huyện Cẩm Xuyên gieo cấy 8.700 ha lúa, trong đó có tới trên 2 ngàn lúa xuân muộn bị chết rét. Với quyết tâm không để đất trống cùng với nguồn giống hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong huyện đã phải đưa ra 214 tấn giống lúa các loại vốn là giống của vụ sản xuất hè thu liền kề để khôi phục sản xuất. Những khó khăn về giống, về thời tiết dù đã được lường trước từ đầu vụ nhưng vẫn khiến người dân hết sức vất vả. Tuy nhiên, bên cạnh đó thuận lợi lớn nhất là vụ sản xuất đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nên cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đều hết sức quan tâm, tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ người dân về giống nên đã tạo được niềm tin, sự phấn khởi để mỗi người nông dân đều dốc hết tâm sức vào đồng ruộng. Vì vậy, vụ này được đánh giá được mùa nhất trong vòng 4 năm trở lại nay, với năng suất bình quân khoảng 50tạ/ha, nhiều giống chất lượng cao thực hiện theo mô hình “3 giảm 3 tăng” năng suất ước khoảng 54tạ/ha.

Máy gặt đập trên đồng ruộng thôn 1, xã Cẩm Thăng. Ảnh: Nguyễn Tâm

Máy gặt đập trên đồng ruộng thôn 1, xã Cẩm Thăng. Ảnh: Nguyễn Tâm

Niềm vui nối tiếp niềm vui bởi vụ sản xuất đông xuân nay không chỉ được mùa mà đây cũng là vụ sản xuất đánh dấu bước tiến trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Vụ sản xuất trước, toàn huyện chưa hề có máy gặt đập liên hợp nhưng vụ đông xuân năm nay, toàn huyện Cẩm Xuyên đã có 10 máy ở các xã Cẩm Bình, Cẩm Thành, Cẩm Quang, Cẩm Thăng, Cẩm Trung và Cẩm Nam. Mỗi máy được huyện hỗ trợ 10 đến 15 triệu đồng. Nhờ thành công trong chuyển đổi ruộng đất cộng với sự tích cực trong việc làm giao thông nội đường, mở mang các tuyến đường nên khi máy này đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả vừa đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để làm kịp xuống giống hè thu vừa hạn chế chi phí thuê nhân công, giảm hao tổn sản lượng lương thực do vương vãn trong quá trình vận chuyển. Vụ đông xuân năm 2010 – 2011 cũng khẳng định thêm tính hiệu quả trong việc thực hiện mô hình “3 giảm 3 tăng” gồm giảm lượng giống, giảm dư lượng đạm, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Chương trình đã được triển khai trên diện rộng với trên 300 hộ nông dân tham gia. Thực hiện chương trình này các hộ dân chỉ gieo từ 2,5 đến 3kg giống/sào, tiết kiệm được 60 đến 70kg giống/ha, tương đường với 1 đến 1,2 triệu đồng. Điều này đã thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu của người dân lại tăng năng suất cây trồng.

Ông Lê Ngọc Hà – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên: “Đây là vụ sản xuất gặp quá nhiều khó khăn do thời tiết bất thuận và thiếu giống trầm trọng nhưng nhờ quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền cùng với sự nỗ lực vượt khó của người dân nên đã đem lại một mùa vàng. Nếu 10 đến 15 ngày nữa mà thời tiết thuận lợi để bà con thu hoạch thì quả là một vụ mùa bội thu”.

Sự phấn khởi vì lúa được mùa đang tiếp thêm sức lực để người dân huyện Cẩm Xuyên có thêm động lực bước vào một vụ sản xuất mới với những hứa hẹn thắng lợi phía trước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast