Ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn

Theo thông báo của Cục Thú y, từ cuối tháng 3 đến nay, dịch "tai xanh" đã bùng phát ở 12 tỉnh, thành phố, dịch cúm gia cầm phát sinh, gây hại ở 4 tỉnh và dịch LMLM xẩy ra ở 1 tỉnh. Là địa bàn có nhiều tuyến giao thông xuyên suốt Bắc - Nam, lại giáp giới với 2 tỉnh đang có dịch là Nghệ An (dịch "tai xanh") và Quảng Trị (dịch cúm gia cầm) trong khi tình hình buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, tỉnh ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm, trong tháng 4 vừa qua, ngành chuyên môn đã chủ động tham mưu để UBND tỉnh ban hành các công điện số 07, 08 và mới đây là công điện số 10 (ngày 29 - 4) về việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, nhất là tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát động vật lưu hành qua địa bàn tại Trạm kiểm dịch động vật nội địa Gia Lách nên đã phần nào hạn chế được số lượng gia súc vận chuyển trái phép vào địa bàn.

Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật nội địa Gia Lách phun tiêu độc phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn tỉnh
Nhân viên Trạm kiểm dịch động vật nội địa Gia Lách phun tiêu độc phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, do nhận thức của người dân vùng dịch chưa đầy đủ, trong đó có phần xót xa trước những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, kết hợp với sự hám lợi của nhiều thương lái trong và ngoài vùng dịch nên việc bán chạy gia súc mắc bệnh từ các tỉnh có dịch, các địa bàn phụ cận vào địa bàn tỉnh ta rất lớn và khó kiểm soát cho ngành chức năng.

Cùng với diễn biến phức tạp của việc buôn bán, vận chuyển gia súc, công tác phòng chống dịch từ xa cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khi tư tưởng chủ quan, lơ là với dịch bệnh vẫn còn xẩy ra ở một số địa phương, đặc biệt công tác tiêm phòng đợt 1 đã khép lại nhưng tỷ lệ tiêm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra như: vắc xin LMLM đạt 77,6%, vắc xin tụ huyết trùng trâu bò 65,5%, vắc xin dịch tả lợn 37,7%, vắc xin tụ huyết trùng lợn 24,3%, vắc xin cúm gia cầm ở vịt 64%...; đó là chưa kể, một số địa phương tuy đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thành lập chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông nhưng thực tế chưa hoạt động hoặc hiệu quả chưa cao.

Để người chăn nuôi tránh được những thiệt hại không đáng có do dịch bệnh gây ra cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, việc ngăn chặn, không để các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn giờ đây không chỉ là mục tiêu hướng tới mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương, ngành hữu quan.

Theo đó, các giải pháp cấp bách trong công tác phòng chống dịch ở thời điểm này cần tập trung vào việc đẩy mạnh tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, các biện pháp ngăn chặn dịch để người chăn nuôi tự giác tham gia. Khẩn trương kiện toàn và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, xã; tổ chức giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm các ổ dịch khi vừa manh nha, tuyệt đối không dấu dịch, không để tình trạng bán chạy, vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi làm lây lan dịch và ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng. Thành lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành ở các địa phương chưa tiến hành như: thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân, Vũ Quang, đồng thời duy trì tốt hoạt động đối với các địa phương đã có để tăng cường kiểm tra việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm; riêng các địa phương giáp ranh với Nghệ An là Hương Sơn, Đức Thọ và Nghi Xuân cần chủ động thành lập các chốt kiểm dịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, các trục giao thông liên tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh tả, tụ huyết trùng đối với đàn lợn nhằm đảm bảo tỷ lệ 100% trong diện phải tiêm trước ngày 10 - 5. Triển khai đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh, để đảm bảo tốt các điều kiện vật tư, nhân lực cho công tác phòng chống dịch, Sở NN&PTNT đã tiến hành phân bổ 7.860 lít hóa chất Benkocid do trung ương hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia (đợt 2) cho UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh để phục vụ đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường; Công an tỉnh cũng đã tăng cường lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát tại Trạm kiểm dịch động vật nội địa Gia Lách. Tuy nhiên, đó chỉ mới là các điều kiện cần còn điều kiện đủ thì phải từ nhận thức và nội lực trong việc chủ động ngăn chặn dịch từ xa của chính quyền các địa phương, đặc biệt là các chủ hộ chăn nuôi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast