Ngành Công thương Hà Tĩnh tích cực góp sức xây dựng nông thôn mới

Công thương là một trong những ngành tiên phong của Hà Tĩnh khi sớm xây dựng, triển khai kế hoạch tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và có nhiều đóng góp thiết thực, cùng với các địa phương kiến tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ông Trần Nhật Tân – Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Trong 19 tiêu chí NTM có 2 tiêu chí điện và chợ thuộc lĩnh vực công thương. Điều quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch NTM và đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân trong lĩnh vực CN-TTCN, TMDV; tăng cường gắn kết sản xuất trong nông nghiệp với tìm kiếm, định hướng thị trường đối với các sản phẩm. Để giúp 12 xã điểmcủa tỉnh sớm hoàn thành các tiêu chí thuộc lĩnh vực ngành quản lý, Sở đã thành lập đoàn công tác trực tiếp về làm việc với các xã điểm để điều tra, khảo sát hiện trạng kỹ từng địa bàn và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quan trọng; định hướng giúp địa phương xây dựng đề án quy hoạch NTM và đề án phát triển sản xuất sát thực và có tính khả thi. Một điều quan trọng nữa là đã thay đổi tư duy, nhận thức cho cán bộ xã về tầm quan trọng của công thương đối với NTM”

Việc tìm kiếm thị, định hướng thị trường đối với các sản phẩm thủ công do người dân sản xuất đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM.
Việc tìm kiếm thị, định hướng thị trường đối với các sản phẩm thủ công do người dân sản xuất đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM.

Trong quá trình khảo sát thực tế địa bàn, với góc nhìn của ngành chuyên môn, Sở đã phát hiện nhiều bất cập, thiếu sót trong việc lập quy hoạch và đề án sản xuất của các xã. Một thực trạng chung là phần lớn các xã đều chưa xác định được hiện trạng của tiêu chí điện và chợ.

Về tiêu chí điện, các xã chưa đánh giá được hiện trạng của hệ thống điện hiện nay như: mức độ hư hỏng, tỷ lệ tổn thất điện năng, ảnh hưởng của hệ thống điện hiện nay đối với quy hoạch giao thông và cũng chưa tính toán được nhu cầu điện cho hoạt động CN-TTCN, làng nghề, TMDV trong tương lai. Việc xác định số lượng trạm biến áp cần đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo chưa được tính toán cụ thể, đưa ra số lượng đầu tư mới quá nhiều so với nhu cầu và khả năng tài chính của ngành điện.

Về tiêu chí chợ, hầu hết các xã chưa đánh giá kỹ lưỡng thực trạng hiện nay của các chợ như: diện tích, đầu tư xây dựng, số hộ kinh doanh, có ban quản lý chợ hay không… Vì vậy, việc định hướng quy hoạch chợ thường theo cảm tính, chưa dựa vào khả năng hội tụ, khả năng huy động vốn đầu tư chợ…, vì vậy thiếu thực tế và hiệu quả chưa cao.

Việc quy hoạch sử dụng đất dành cho nhu cầu phát triển CN-TTCN, TM-DV là cần thiết, tuy nhiên, hầu hết các xã đều đề nghị thành thành lập cụm công nghiệp, làng nghề cũng như dự kiến xây dựng các điểm thương mại mà không tính toán nhu cầu cần trong thực tế. Việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến từ sản phẩm nông nghiệp chưa được đề cập hoặc có xác định nhưng chưa đủ, chưa xác định được định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến trong tương lai, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng kêu giọi đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Sau khi chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong các lĩnh vực trên, Sở Công thương Hà Tĩnh đã tham mưu và giúp các địa phương chỉnh sửa một cách kịp thời. Cụ thể, đối với tiêu chí điện, tổ công tác giúp các địa phương phân tích hiện trạng việc cấp điện và sử dụng điện; tính toán nguồn điện cấp cho xã từ đó phân vùng phụ tải và tính toán bố trí số lượng TBA, đường dây phải đầu tư.

Chợ Tùng Ảnh (Đức Thọ) được thiết kế đạt chuẩn NTM, đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện, sớm đưa vào sử dụng
Chợ Tùng Ảnh (Đức Thọ) được thiết kế đạt chuẩn NTM, đang được đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện, sớm đưa vào sử dụng

Với sự hỗ trợ của đoàn công tác, các địa phương đã đánh giá đúng thực trạng của các chợ hiện nay, từ đó xác định nhu cầu đầu tư mở rộng trên cơ sở các chợ hiện có. Đối với các địa phương đã có chợ mặc dù chưa đáp ứng theo tiêu chí của nông thôn mới (như chợ Hương Trà - Hương Khê) có diện tích 2.000m2) nhưng hiện tại số hộ kinh doanh trong chợ còn thấp, diện tích mặt bằng chưa sử dụng hết thì không cần thiết phải mở rộng lên để đáp ứng tiêu chí theo quy định của nông thôn mới.

Trên lĩnh vực TM-DV, Sở tư vấn cho các địa phương xác định lợi thế để tiến hành quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị nhỏ, hệ thống bán lẻ tại xã, đồng thời, dựa vào địa hình, vị trí phù hợp, có thể xây dựng các đề án về du lịch sinh thái như ở xã Sơn Châu, Tùng Ảnh, Thạch Châu… nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác, tạo nên bước đột phá mới cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh (Đức Thọ), một trong những xã hoàn thành nhiều tiêu chí NTM nhất so với 12 xã điểm của tỉnh, cho biết: “Xây dựng NTM theo chuẩn bộ tiêu chí quốc gia là vấn đề mới và khó. Trong quá trình làm quy hoạch và xây dựng đề án sản xuất, thực sự cán bộ xã rất lúng túng, nhất là đối với các tiêu chí về điện và chợ. Nhờ có hỗ trợ của các cấp ngành, đặc biệt là sự vào cuộc cụ thể, nhiệt tình của đoàn công tác Sở Công thương, chúng tôi đã hoàn thành quy hoạch và đề án sản xuất đúng tiến độ, đạt yêu cầu đề ra. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, cán bộ sở Công thương đã giúp các cán bộ xã thay đổi tư duy, nhận thức về tầm quan trọng của công thương đối với NTM, từ đó đề ra những giải pháp sát thực tiễn hơn”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast