Nghề mây tre đan xuất khẩu - Đường lớn đã mở...

Sau những tháng ngày ngược xuôi tìm kiếm thị trường, phối hợp với các cấp ngành, vận động nhân dân, rồi phát động sản xuất với bao nhiêu lo toan, trăn trở của cán bộ Hội Nông dân Hà Tĩnh, lô hàng mây tre đan đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Thành công bước đầu này chính là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể nghĩ đến những làng nghề mây tre đan phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian tới.

Có công mài sắt…

Hà Tĩnh là một vùng đất nhiều tiềm năng cho nghề mây tre đan phát triển với lực lượng lao động dồi dào, diện tích rừng nguyên liệu rộng lớn, đa dạng. Những năm qua, nguồn tiềm năng vô tận này vẫn chỉ là tiềm năng khi nghề đan phát triển manh mún, èo uột; sản phẩm chỉ là những vật dụng truyền thống như rổ rá, nong nia… ngày càng bị mặt hàng nhựa gia dụng lấn át.

Các xã viên HTX Thành Lợi đang khẩn trương hoàn thành những sản phẩm cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên
Các xã viên HTX Thành Lợi đang khẩn trương hoàn thành những sản phẩm cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên

Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới mở ra là một mảnh đất màu mỡ để ươm mầm cho nghề mây tre đan xuất khẩu định hình và lớn dậy. Khi triển khai các lĩnh vực thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế trong xây dựng nông thôn mới, với vai trò và thực lực đã được khẳng định, Hội Nông dân đã được Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh tin tưởng giao cho nhiệm vụ quan trọng này.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Chủ tịch Hội ND tỉnh, bao năm gắn bó, đồng hành cùng nông dân nhưng lần này khi đầu ra sản phẩm đã có đối tác thu mua với khối lượng lớn và lâu dài, thì việc phát triển làng nghề mây tre đan là một cơ hội không thể tốt hơn đối với bà con. Tuy nhiên, Hội cũng xác định được trách nhiệm khá nặng nề phía trước và vào cuộc với một tinh thần quyết tâm cao, niềm say mê, tâm huyết cùng sự nỗ lực, sáng tạo, kiên trì trong mỗi bước đi.

Cuối tháng 6/2011, Tập đoàn Thủy sản YAMAYASU - Nhật Bản chính thức ký hợp đồng lâu dài về thu mua sản phẩm khay đựng thủy sản với Hội nông dân tỉnh, trước mắt là cuối tháng 9/2011 phải xuất giao lô hàng đầu tiên. Mừng như bắt được vàng nhưng cũng mang một nỗi lo, đó là làm sao kịp đủ số lượng hàng đảm bảo theo cam kết khi thời gian giao hàng cận kề.

Tranh thủ thời gian sau giờ làm việc, lãnh đạo và cán bộ Hội ND tham gia sản xuất

Tranh thủ thời gian sau giờ làm việc, lãnh đạo và cán bộ Hội ND tham gia sản xuất

Hợp đồng ký chưa ráo mực, lãnh đạo và cán bộ Hội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết cho quá trình sản xuất. Không quản nắng mưa, đêm ngày, các vùng rừng nguyên liệu, các điểm sản xuất đều in dấu chân của cán bộ hội Nông dân.

Công tác đào tạo giáo viên dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được gấp rút thực hiện. Ngoài nguồn hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn của tỉnh, Hội đã vận dụng mọi nguồn kinh phí có thể để hỗ trợ thêm cho nông dân tham gia học nghề. Nhiều anh, chị em cán bộ Hội đã phải bỏ tiền túi của mình vào ngân sách Hội để có khả năng trả tiền ngay cho bà con khi giao sản phẩm cho Trung tâm…

Để việc dạy nghề đạt tiến độ và đảm bảo vững chắc, Hội đã lựa chọn những nông dân ở các địa phương từng có nghề đan lát, có tay nghề và tâm huyết đi học nghề để làm hạt nhân cho việc đào tạo nghề; liên kết với làng nghề mây tre đan ở Hà Nội để tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như ghép kết các lô hàng xuất khẩu cùng với họ trong trường hợp mình sản xuất chưa đủ.

Trong suốt mấy tháng trời, tại những điểm sản xuất tập trung cũng như các gia đình tham gia sản xuất, lãnh đạo và cán bộ Hội thường xuyên có mặt chỉ đạo, động viên và trực tiếp sản xuất cùng bà con. Đối với những sản phẩm chưa đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ, cán bộ Hội dành thời gian sửa chữa, hoàn thiện nhằm giảm thiểu lượng sản phẩm bị loại để bà con khỏi nản lòng…

Khi nông dân tâm huyết với nghề

Bên cạnh sự miệt mài, bền bỉ của những cán bộ Hội luôn trăn trở vì cuộc sống của hội viên, nông dân, sự quan tâm phối hợp của các địa phương cơ sở, một yếu tố hết sức quan trọng để làm nên kết quả bước đầu của nghề mây tre đan trên địa bàn tỉnh, chính là những nông dân yêu nghề và tâm huyết.

Ngay sau khi phát động dự án phát triển làng nghề, họ là những người đi tiên phong trong tiếp cận và học nghề, thành lập tổ nhóm, xây dựng cơ sở, tổ chức đào tạo nghề cho bà con, động viên anh em, bà con yên tâm vượt qua khó khăn kiên trì bám trụ và nâng cao tay nghề.

Lãnh đạo và cán bộ Hội ND tỉnh kiểm tra hàng trước khi xuất kho

Lãnh đạo và cán bộ Hội ND tỉnh kiểm tra hàng trước khi xuất kho

Ông Phan Văn Ngụ, Chủ nhiệm HTX mây tre đan Thành Lợi (Tân Lộc - Can Lộc), ngay sau khi nắm bắt cơ hội tiêu thụ thuận lợi, đã dày công kiện toàn lại tổ chức và hoạt động của HTX, vận động các xã viên tích cực tham gia sản xuất. Đặc biệt, được hội Nông dân tỉnh chọn làm điểm tổ chức hội thi đan hàng xuất khẩu, HTX đã có thêm động lực nhanh chóng nâng cao số lượng xã viên tham gia cũng như năng lực tay nghề. Nếu như những ngày đầu, bình quân HTX sản xuất được 100 sản phẩm/ngày thì đến nay, sau hơn 3 tháng, đã tăng lên 1.000 sản phẩm/ngày.

Hay như anh Thắng ở Thạch Văn (Thạch Hà), Chị Hồng ở Xuân Viên (Nghi Xuân) - những người phụ trách nhóm không chỉ là những người đầu tiên trực tiếp sản xuất mà còn không quản thời gian tuyên truyền, vận động bà con tích cực học nghề mới và làm ra sản phẩm để tăng thu nhập cho gia đình.

Các tổ sản xuất này đang lớn dần nhờ tấm lòng nhiệt huyết và niềm khát vọng có một nghề cầm tay cho bà con lúc nông nhàn. Từ chỗ chỉ vài người sản xuất với vài chục sản phẩm/ngày, năng suất đan của nhóm từ 50 sản phẩm/ngày rồi đạt trên 200 sản phẩm/ngày.

Còn anh Hưng ở xã Thạch Lâm (Thạch Hà), trong khi nhiều người trong xã cùng tham gia học nghề nhưng chưa chịu khó bám nghề, thì anh đã một mình cần mẫn sản xuất và đều đặn có hàng nhập cho Trung tâm. Anh cũng là một trong những người có tay nghề cao với năng suất trên 20 sản phẩm/ngày, đạt thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng.

Tương lai cho những làng nghề

Những kết quả đáng phấn khởi bước đầu sau một thời gian chưa dài đã làm chúng ta vững tin về những làng nghề mây tre đan phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh, góp phần nâng cao thu nhập và làm đổi thay diện mạo của các vùng nông thôn.

Lô hàng đầu tiên được bốc xếp lên xe chuẩn bị xuất sang Nhật Bản

Lô hàng đầu tiên được bốc xếp lên xe chuẩn bị xuất sang Nhật Bản

Tuy nhiên, trước mắt những người chèo lái vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở. Nhiều người dân chưa thực sự chịu khó để theo nghề; muốn có thu nhập cao ngay một sớm một chiều. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và chưa coi đây là một sinh kế vững chắc cho người nông dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân chưa đảm bảo yêu cầu đào tạo nghề trong giai đoạn mới…

Mặc dù vậy, từ nền tảng sẵn có, Hội nông dân tỉnh vẫn mạnh dạn đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, có 5.000 nông dân được học nghề, trong đó có 3.000 lao động thường xuyên sản xuất hàng hóa; mỗi tháng có 3 lô hàng xuất khẩu, trị giá 1,5 tỷ đồng; xây dựng được 3 làng nghề và 12 HTX; nâng cấp Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (trực thuộc Hội Nông dân hiện nay) thành Trường trung cấp nghề Hà Tĩnh…

Tương lai cho nghề mây tre đan xuất khẩu, cho sự phát triển của các làng nghề đang được nhen nhóm và hình thành từ những trăn trở và quyết tâm cao của những người làm công tác Hội; từ nhận thức của chính những người nông dân đang khao khát vươn lên. Và hơn thế nữa, sự vào cuộc của các cấp, ngành, các địa phương cơ sở là một trong những đòn bẩy vững chắc để đưa nghề mây tre đan xuất khẩu của tỉnh nhà thực sự trở thành nghề xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast