Nghề muối ...

Xã Mai Phụ - huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) được biết đến với sản phẩm muối đặc trưng. Nhờ những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề muối trở thành nghề truyền thống của từng thế hệ diêm dân ở đây. Một ngày rong ruổi, cùng ra bãi “nại”, cùng dạt đất, cùng cào muối mới thấy được sự vất vả, nhọc nhằn từ công đoạn đầu tiên đến tận việc cuối cùng của nghề muối.

Bình minh đến trước khi có mặt trời.

Theo chân một người bạn mới 21 tuổi đời nhưng thâm niên cũng đã ngót nghét 15 năm tuổi nghề ra ruộng muối vào lúc trời còn nhá nhem tối, những tưởng sẽ là những diêm dân chăm chỉ nhất nhưng ruộng muối lúc 4 giờ sáng đã được bao trùm bởi không khí làm việc khẩn trương. Dọc con đường ra bãi “ nại” ( theo cách gọi của người dân địa phương) người cầm cào, cầm cuốc, người kéo xe cứ rầm rập, rầm rập với không khí đầy hào hứng để mở đầu một ngày làm việc cật lực.

Nhọc nhằn nghiệp muối.
Nhọc nhằn nghiệp muối.

Đây là thời điểm tranh thủ khí trời còn mát mẻ để sàng, lọc đất từ đất mặn độ một sang nước mặn độ hai. Công việc làm đất phải làm từ chiều ngày hôm trước để buổi sáng ngày tiếp theo có đất để lọc. Bà Thìn ( xóm Xuân Quý) chia sẻ: “ làm nghề ni vất vả lắm o à, làm cả ngày được sào muối chơ mấy”. Đất được phơi một lớp mỏng ( gọi là dạt đất), khi khô hơi nước bay lên còn kết tinh muối thì được đất giữ lại và qua các lớp lọc trong bể dạt ( bể lọc) cho ra nước muối mặn độ hai để làm nên hạt muối trắng.

Từ 4 giờ sáng đến giữa trưa mới lọc xong lượng nước muối đủ cho khoảng một sào muối. Bà con ở đây cho biết, mỗi ngày trung bình ba đến bốn người làm được một sào muối tương đương với 60 kg muối trắng. Giá muối thất thường, khi thăng khi giáng nhưng nói chung là thấp so với sức tăng của các sản phẩm nông nghiệp khác, năm 2012 giá muối ổn định ở mức 1500 đ/ 1kg. Một gia đình quần quật làm muối một ngày cũng chỉ được trên dưới 100 nghìn đồng nhưng khó có thể bỏ được vì nghiệp muối đã trở thành nghiệp gia truyền và nếu bỏ thì con đường mưu sinh khác cũng rất mong manh.

Được nắng là được muối

Mười hai giờ trưa, bà con diêm dân lại lục đục ra ruộng muối để tiếp tục làm việc. Cứ vùng vằng, ngúng ngoảy buổi trưa nghỉ lấy sức tí mà làm thì nghe được câu trả lời rất đỗi xót xa “ nghỉ trưa để giành khi khác, mùa ni mà nghỉ trưa là nghỉ làm, nghỉ ăn luôn đó mi”. Thật vậy, khi chúng tôi ra đến bãi “nại” thì đã có rất nhiều người đang mải miết với công việc của mình. Giữa trưa, cái oi nồng của nắng miền Trung kinh khủng hơn lúc nào hết nhưng đó lại chính là thời điểm để các hạt muối kết tinh. Mặc nắng, mặc nóng các bà, các chị trùm kín mít chỉ để lộ hai con mắt nhưng vẫn vạt nước, vẫn cào, vẫn nói chuyện, vẫn cười nói rôm rả để xoa dịu cái nắng, cái mệt mỏi, nhọc nhằn và như để khẳng định sức người trước thiên nhiên khắc nghiệt. Bác Tiến ( xóm Xuân Phong) có lẽ là người đàn ông hiếm hoi trên ruộng muối chân tình chia sẻ: “ vất vả lắm cháu à, vốn bỏ ra thì nhiều mà thu về không ăn thua. Người ta không phải chạy ăn từng bữa nên còn găm hàng đến hết mùa lại bán còn nhà bác thì được bao nhiêu ngày mai phải đổi lấy gạo ăn rồi”.

Thành quả của ngày "đội" nắng
Thành quả của ngày "đội" nắng

Là nghề mang tính thời vụ, mỗi năm chỉ sản xuất được khoảng bốn đến năm tháng có nắng ( từ tháng ba đến tháng bảy âm lịch) vì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên cũng lắm gian nan. Dải đất gió Lào, cát trắng quê ta là điều kiện thuận lợi nhưng cũng đầy khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất muối ăn. Sáng đến trưa nắng như đổ lửa nhưng có thể chiều lại đổ mưa, không nhanh tay ra che chắn thì công sức cả buổi làm như “ giã tràng xe cát”. Bà Tâm ( xóm Xuân Quý) cho biết : “ nhà tui làm nghề ni lâu lắm rồi, biết vất vả nhưng phải gắng bám trụ cho có cái nghề thôi. Mùa hè con cháu nghỉ học nên cũng tạo công ăn việc làm cho chúng trong những ngày rảnh rỗi”.

Khoảng bốn đến năm giờ chiều, khi nắng hết gắt, hạt muối đã thành hình là lúc thành quả lao động đã dần được thu hoạch. Các hạt muối được nắng bám chặt vào nền xi măng nên phải dùng cái cào có lưỡi bằng kim loại mỏng, cán dài để cào, vón muối thành từng đụn nhỏ cho vào rổ, đợi chảy hết nước dư trong rổ mới hoàn tất một sản phẩm muối đạt yêu cầu. Trên ruộng muối lúc này hầu hết là những diêm dân “nhí”, các em nhỏ ở đây lao động khá sớm, tranh thủ thời gian rảnh trong hè, các em theo chân bố mẹ, anh chị ra ruộng muối làm việc và nghiễm nhiên trở thành những diêm dân thứ thiệt.

…và thành quả

Đến cuối ngày, thành quả của một ngày lao động mệt nhọc đã có nhưng niềm vui đó lại trở thành nỗi xót xa. Đầu tháng ba năm nay, nghe thông tin nước ta cho nhập khẩu mấy chục nghìn tấn muối mà bà con thêm phần lo lắng, lo vì rớt giá, vì không có ai mua. Chị Hải ( xóm Nam Phong) cho biết: “ Một ngày ba mẹ con chị làm một sào được ba rổ muối nếu ra chợ bán thì mỗi rổ được 30 nghìn còn không thì đổi ngang một yến muối bằng năm cân lúa”.

Những năm trước, khi công ty sản xuất muối Hà Tĩnh còn thu mua sản phẩm ngay tại ruộng thì bà con đỡ cực nhưng gần đây nguồn cầu đó không còn nên bà con phải đổi ngang giá, bán chợ hoặc cho vào kho muối tại gia để hết mùa bán. Hầu hết bà con ở đây phải chạy ăn từng bữa, làm ngày nào xoay xở luôn trong ngày ấy nên phải bán với giá rẻ.

Nghề truyền thống ngày càng bị mai một

Theo số liệu thống kê của UBND xã, tỉ lệ số hộ làm muối đến thời điểm hiện tại khoảng 20%. Nhiều người bỏ nghề một phần vì vất vả mà sản lượng không cao, phần vì giá cả bấp bênh nên họ đã bỏ nghề đi tìm hướng mưu sinh khác.

Những ô muối bị bỏ hoang
Những ô muối bị bỏ hoang

Bây giờ trên ruộng muối đa phần là người già và trẻ nhỏ bám trụ với nghề bởi những người trong độ tuổi lao động đi tìm nghề làm ăn khác. Thanh niên trai tráng đi làm công nhân trong các công ty, các ông các bác trai thì theo nhà thầu đi làm “khoán”, các chị thì đi làm công theo ngày trên thành phố mà ở các thành phố lớn người ta gọi là “ chợ lao động”.

“ Vẫn biết hạt muối là hạt kết tinh của sự nhọc nhằn, nghề muối là nghê vất vả nhưng bỏ thì chúng tôi làm chi để sống. Chỉ mong nhà nước tạo điều kiện cho bà con bán muối được giá cao, các công ty thu mua đều đặn thì chúng tôi sẽ gắng ở lại với nghề”. Xin được mượn lời chia sẻ chân thành của bà con diêm dân nơi đây để khép lại bài viết, khép lại một ngày vất vả để làm nên hạt muối – hạt không chỉ có vị mặn.

…Và hi vọng ngày mai…nắng lên với bà con nơi đây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast