Nghi Xuân khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản

Dồi dào về tiềm năng, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã và đang tích cực phát huy thế mạnh phát triển kinh tế thủy sản, từng bước đưa ngành nghề này thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương.

Phát huy thế mạnh

Với chiều dài bờ biển 32 km chạy qua 10 xã vùng ven biển, huyện Nghi Xuân rất thuận lợi cho nghề khai thác hải sản phát triển. Huyện có 961 tàu thuyền, trong đó có 12 đội tàu đánh bắt xa bờ và 6 đội tàu đánh bắt trung bờ. Công suất các loại tàu từ 30 - 40 CV có 233 chiếc, số tàu từ 12-40 CV có 341 chiếc, còn lại là dưới 12 CV và 354 thuyền thủ công. Mặc dù phụ thuộc vào thời tiết cũng như ngư trường nhưng bình quân hàng năm sản lượng khai thác hải sản đạt 6.000 tấn, giải quyết cho trên 6.050 lao động trực tiếp trên tàu và 300 lao động dịch vụ trên đất liền, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân ở các xã ven biển.

Về phía Bắc Nghi Xuân có dòng Sông Lam và tuyến lạch Đồng Kèn chảy ra biển tạo thành những khu vực rộng lớn về diện tích đất đai mặt nước, có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ cũng như nuôi nước ngọt. Đặc biệt, với bờ biển dài có khả năng nuôi lồng trên biển, nuôi trên tôm cát và có khả năng sản xuất xuất giống mặn lợ.

Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng biển Nghi Xuân
Nghề nuôi trồng thủy sản góp phần cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng biển Nghi Xuân

Với tổng diện tích 1.020 ha diện tích mặt nước mặn lợ và 1.640 ha diện tích mặt nước ao hồ, ruộng trũng huyện đã đưa vào sử dụng 750 ha để phát triển nuôi trồng thủy sản cả mặn lợ và nước ngọt. Ngoài ra, 10 ha nuôi tôm trên cát và 3 trại sản xuất giống mặn lợ và nước ngọt mỗi năm cũng cấp 3-6 triệu con giống các loại, đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu giống trên địa bàn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong năm 2010 toàn huyện đạt 1.860 tấn, trong đó nuôi mặn lợ 425 tấn và nuôi nước ngọt 1.435 tấn.

Khai thác hải sản phát triển kéo theo lĩnh vực chế biến cũng phát triển mạnh. Qua đó, đã hình thành nhiều cơ sở chế biến bột cá công suất đạt 600 tấn/năm, chế biến các sản phẩm nội địa truyền thống được khôi phục và phát triển. Toàn huyện hiện có 21 cơ sở, tăng 15 cơ sở chế biến so với năm 2001. Sản lượng nước mắm đạt 650.000 lít; ruốc và các sản phẩm khác 180 tấn. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng mới như cá khô, tôm khô có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng.

Theo kỹ sư Trịnh Quang Luật – Chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân thì nghề NTTS ở đây tuy phát triển nhanh nhưng còn thiếu quy hoạch chi tiết, chưa có sự gắn kết giữa các vùng nên công tác phòng trừ dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Sau khi chuyển từ trồng lúa năng suất thấp sang NTTS nhiều hộ dân bỡ ngỡ với KH-KT; thiếu vốn đầu tư ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nuôi trồng. Bên cạnh đó, một số chủ trương chính sách của nhà nước đầu tư vào NTTS chưa được cụ thể hóa nên triển khai chậm; đặc biệt, các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng chưa mạnh dạn cho nhân dân vay vốn để nuôi trồng thủy sản. NTTS vẫn chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến nên hiệu quả kinh tế mang lại trên một đơn vị diện tích chưa cao.

Công tác quy hoạch hệ thống mương cấp thoát nước chưa tốt, chủ yếu tận dụng hệ thống cấp và tiêu nước của thủy lợi, vì vậy trong quá trình cấp thoát nước còn dùng chung 1 kênh mương nên khi xẩy ra dịch bệnh thường bị lây lan ra diện rộng.

Khơi dậy tiềm năng

Xác định phát triển kinh tế thủy sản chính là thế mạnh của địa phương nhưng phải có bước đi vững chắc, không để tiềm năng bị “lãng phí”, Nghi Xuân đang tiến hành quy hoạch nuôi trồng thủy sản của từng vùng, từng địa phương, đồng thời đẩy mạnh NTTS theo hướng thâm canh nhằm tăng nhanh sản lượng hàng hóa có giá trị xuất khẩu. Trong đó xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung từ xã Xuân Phổ đến xã Xuân Hội và mở rộng một số vùng nuôi tôm trên cát đạt năng suất cao ở các xã Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Liên, Cương Gián gắn kết với quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Huyện cũng tiếp tục thực hiện chuyển đổi một số diện tích trồng lúa một vụ năng suất thấp và diện tích hoang hóa như ở khu vực rào Mỹ Dương đưa vào NTTS và nghiên cứu quy hoạch một số diện tích bãi triều ven biển để đưa các nhuyễn thể ngao, sò, ốc hương... vào nuôi; chú trọng đầu tư các trại sản xuất giống ở các xã bãi ngang ven biển, nâng hiệu quả sản xuất giống nước mặn lợ tôm, cua, nhuyễn thể, cá nước ngọt nhằm đáp ứng nhu cầu về con giống trên địa bàn.

Cùng đó, Nghi Xuân mở rộng các hình thức nuôi nước mặn, nuôi lồng bè và nuôi nhuyễn thể bãi triều ven biển; tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách khuyến ngư để xây dựng các mô hình trình diễn tại các vùng tập trung Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội, Cương Gián; du nhập một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao, các loài đặc sản về áp dụng nuôi trên địa bàn để từ đó nhân rộng ra toàn địa bàn; tăng cường các biện pháp an ninh và đảm bảo môi trường sinh thái tại các vùng nuôi...

Về khai thác thủy sản, huyện tranh thủ nguồn vốn triển khai xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng cảng cá Xuân Hội và mở rộng thị trường ở khu vực cảng cá nhằm tăng cường dịch vụ trên đất liền. Đặc biệt, tạo điều kiện phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ, trung bộ và vùng lộng; từng bước thành lập các tổ hợp tác và HTX nghề cá, hình thành các đội tàu để hỗ trợ nhau trong tổ chức sản xuất và vay vốn; phát triển các hình thức kinh tế hộ và liền hộ để sản xuất nghề cá; xây dựng cơ chế thông thoáng để cho các chủ đầu tư xây dựng các khu chế biến như: nước mắm, bột cá, tôm, mực, cá khô… và các vùng sản xuất giống tập trung thường xuyên quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast