Nguồn lực mới cho xã nghèo

Xuân Lộc là một xã thuần nông, có điều kiện sản xuất không mấy thuận lợi nên từ trước tới nay thuộc diện xã nghèo của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Trong hành trình vươn lên thoát nghèo, những năm qua, xã đã nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, trong đó, dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo (IMPP) được khởi động ở địa phương từ năm 2007 đến nay đã và đang tiếp thêm nguồn lực mới cho Xuân Lộc từng ngày đổi thay diện mạo.

Với mục tiêu góp phần cải thiên thu nhập bền vững cho người nghèo tại các vùng nông thôn, dự án IMPP tập trung các hoạt động hộ trợ cho người nghèo tham gia vào các loại thị trường và hướng vào các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo thiếu vốn, thiếu việc làm và những gia đình có tiềm năng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Là 1 trong 50 xã thuộc 8 huyện được hưởng lợi dự án trong toàn tỉnh, xã Xuân Lộc được dự án triển khai các hoạt động như hỗ trợ ngân sách tổ chức tập huấn KHKT sản xuất, kiến thức thị trường, cách hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế gia đình và quản lý nguồn vốn vay; cấp vốn cho các địa phương thành lập các quỹ TDTK phụ nữ và xây dựng các công trình hạ tầng.

Với sự hỗ trợ kiến thức và nguồn vốn của dự án, gia đình anh Trần Liệu đã xây dựng

thành công mô hình kinh tế trang trại

Chủ tịch UBND xã Lê Công Quý cho biết, xuất phát từ nhu cầu nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp của một địa phương thuần nông, dự án đã hỗ trợ kinh phí, kết hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức hàng chục cuộc tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Thông qua chương trình tập huấn kiến thức KHKT, dự án đã góp phần giúp địa phương ứng dụng các giống lúa năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng thị trường như lúa lai, P290, X23, SL12, nếp 97,98. Với 575 ha sản xuất lúa, từ năm 2007 đến nay, năng suất lúa ở Xuân Lộc đã được nâng từ 1,8 tấn/ha lên 2,3 tấn/ha. Bên cạnh đó, từ việc nâng cao nhận thức và kiến thức trong chăn nuôi cho người dân, những năm qua, Xuân Lộc luôn là địa phương dẫn đầu trong công tác tiêm phòng với tỷ lệ tiêm trong mỗi đợt đạt 90%. Đàn gia súc gia cầm của xã không chỉ phát triển mạnh về số lượng mà còn an toàn trước dịch bệnh; hàng chục mô hình chăn nuôi cho thu nhập từ 10 triệu đồng/năm trở lên đã ra đời và phát triển bền vững.

Trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã được dự án IMPP đầu tư 90% kinh phí (tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng) xây dựng 3km đường bê tông liên thôn nối các xóm Văn Thịnh- Đồng Yên- Mỹ Yên và Bình Yên. Con đường đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất, giao thương. Đặc biệt, theo đồng chí Chủ tịch UBND xã thì đây chính là tuyến đường chủ lực phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con vùng giáo. Tuyến đường bê tông mới được đầu tư đúng trọng điểm đã góp phần xây dựng niềm tin của bà con giáo dân vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Cũng từ nguồn vốn cấp của dự án IMPP, xã Xuân Lộc đã xây dựng được quỹ TDTK phụ nữ, do Hội phụ nữ xã quản lý. Dự án đã phối hợp với hội phụ nữ xây dựng Ban quản lý quỹ và và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý về quy chế hoạt động của quỹ cùng với những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong vận hành quỹ TDTK. Quỹ TDTK xã đã thành lập được 16 tổ với 290 thành viên tham gia, trong đó tập trung vào đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Đến thời điểm này, quỹ đã giải ngân được 467/500 triệu đồng vốn theo kế hoạch phân bổ đến năm 2010 cho 97 thành viên vay vốn. Chị Trần Thị Ngụ- Chủ tịch HPN xã cho biết: “Bên cạnh được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi với lãi suất 0,8%/tháng, các thành viên của quỹ TDTK còn được dự án tổ chức tập huấn kiến thức để nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh. Ngoài ra với quy định mỗi thành viên góp tiền tiết kiệm 10 ngàn đồng/tháng, tạo thói quen tiết kiệm cho chị em.”

Trong chuyến công tác cùng cán bộ dự án IMPP ở Xuân Lộc, chúng tôi được ghé thăm gia đình anh Trần Liệu- chị Trần Thị Loan ở xóm 4- một trong những hộ đã gắn bó với các hoạt động của dự án từ năm 2008 đến nay. Trong thời điểm tìm hướng đột phá thoát khỏi đói nghèo bằng mô kinh tế tổng hợp cá- lúa- vịt- lợn, gia đình anh Liệu đã may mắn có được sự tiếp sức kịp thời từ các chương trình hoạt động của dự án. Được tập huấn KHKT và được vay vốn từ sự hỗ trợ của dự án, cộng với nội lực và ý chí làm giàu của gia đình, đến nay, anh Liệu đã có trang trại chăn nuôi rộng 13 sào, trong đó có 8 sào nuôi cá thâm canh. Năm 2009, mặc dù gặp rủi ro do bão lụt, gia đình vẫn thu lãi hơn 20 triệu đồng. Dự kiến trong thời gian tới, sau khi đã được xây dựng kiên cố và bài bản, mô hình kinh tế tổng hợp này sẽ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Anh Trần Liệu tâm sự: “ Sau nhiều năm bôn ba nhiều nơi, tìm nhiều nghề để mưu sinh, cuối cùng tôi đã tìm được con đường thoát nghèo bền vững trên chính quê hương mình. Hi vọng rằng sẽ có nhiều hộ như gia đình tôi được địa phương tạo điều kiện và dự án hỗ trợ bằng các hoạt động thiết thực để vươn lên chiến thắng đói nghèo”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast