Nguồn nước sản xuất hè thu: Hồ đập đủ, các trạm bơm điện có nguy cơ thiếu!

Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết trong vụ hè thu tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi. Cùng với hệ thống công trình thủy lợi ngày một xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là khả năng cắt điện luân phiên tái diễn, đòi hỏi các địa phương của Hà Tĩnh cần chủ động các biện pháp phòng chống hạn nhằm đưa vụ hè thu đạt kết quả cao.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, tính đến ngày 12/5, mực nước các hồ chứa lớn, nhỏ trên địa bàn đều đạt cao so với thiết kế và vượt nhiều so với cùng kỳ năm 2010.

Cụ thể: hồ Kẻ Gỗ đạt mực nước 29,94m, dung tích 273 triệu m3 (bằng 79,1% thiết kế và bằng 128,2% so với cùng kỳ); hồ Thượng Tuy đạt mực nước 22,9m, dung tích 15,41 triệu m3 (bằng 81,5% thiết kế và bằng 131,7% so với cùng kỳ); hồ Sông Rác đạt mực nước 21,49m, dung tích 98,99 triệu m3 (bằng 79,5% thiết kế và bằng 119,3% so với cùng kỳ); hồ Kim Sơn đạt mực nước 96,5m, dung tích 16,2 triệu m3 (bằng 95,3% thiết kế và bằng 106% so với cùng kỳ); hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu đạt mực nước 21,3 m, dung tích 14,8 triệu m3 (bằng 93,1% thiết kế và bằng 130% so với cùng kỳ); hồ Vực Trống đạt mực nước 35,37m, dung tích 11,4 triệu m3 (bằng 87,7% thiết kế và bằng 361,9% so với cùng kỳ)…

Vùng Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh vẫn có nguy cơ tái xâm nhập mặn trên sông La
Vùng Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh vẫn có nguy cơ tái xâm nhập mặn trên sông La

Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Chiến cho biết, dựa vào tổng hợp mực nước và dung tích các hồ, đập lớn trên địa bàn có thể thấy, tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu tới không căng thẳng như năm 2010. Nói vậy không có nghĩa các địa phương được phép chủ quan bởi một số hồ, đập nhỏ, dung tích bé vẫn có nguy cơ hụt nguồn nếu nắng nóng gay gắt kéo dài. Tuy nhiên, lo ngại hơn cả vẫn tình trạng thiếu nước của hệ thống trạm bơm điện (sử dụng nguồn từ các sông, suối, cuối kênh chính một số công trình thủy lợi). Cụ thể là hệ thống các trạm bơm vùng hạ Can – Lộc Hà như: Tân Lộc, Bình Lộc, An Lộc; vùng cuối kênh Sông Rác như: Kỳ Phú, Kỳ Giang…

Cũng theo ông Chiến, việc thiếu nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiệt hại của các công trình thủy lợi sau hai trận lụt lịch sử trong tháng 10 – 2010 đang làm khó các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn (mới cấp 7,4/44 tỷ đồng theo kế hoạch). Để đảm bảo việc cấp nước phục vụ sản xuất, đầu vụ đông xuân, các doanh nghiệp thủy nông đã chủ động trích kinh phí, vay vốn ngân hàng để khắc phục tạm thời những hư hỏng nhỏ, song, bước vào vụ hè thu này, nếu không có kinh phí để sửa chữa các hạng mục lớn (tràn Cu Lây, tràn Khe Hao, kênh chính Linh Cảm, kênh chính Kẻ Gỗ, kênh chính Sông Rác…) thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng nguồn nước.

Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế cũng như dự báo diễn biến thời tiết trong vụ hè thu tới, Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh vẫn duy trì 2 phương án tưới như lâu nay. Thứ nhất, trong điều kiện không có mưa tiểu mãn và các tháng 6, 7 và 8 có lượng mưa bằng trung bình nhiều năm thì dự kiến diện tích tưới là 39.500 ha, trong đó, tưới tự chảy 21.689 ha và tưới bằng bơm điện 17.811 ha, tưới tạo nguồn 12.908 ha. Thứ hai, trong điều kiện có mưa tiểu mãn phổ biến đều trên địa bàn toàn tỉnh với lượng mưa >200mm và lượng mưa các tháng 6, 7 và 8 đạt lượng mưa trung bình nhiều năm thì dự kiến diện tích tưới sẽ tăng lên 40.590 ha, trong đó, tưới tự chảy 22.012 ha, tưới bằng bơm điện 18.578 ha và tạo nguồn để bơm 13.381 ha.

Nếu nắng nóng kéo dài trong vụ hè thu tới, các vùng cuối kênh vẫn đối mặt với nguy cơ khô hạn
Nếu nắng nóng kéo dài trong vụ hè thu tới, các vùng cuối kênh vẫn đối mặt với nguy cơ khô hạn

Điều quan trọng nhất trong vụ hè thu là phải đảm bảo “ăn chắc”. Muốn vậy, các địa phương cần chủ động ngay đầu vụ từ việc xây dựng sát kế hoạch từng loại cây trồng để có phương án chuyển đổi những diện tích cao cưỡng, cuối nguồn nước sang sản xuất cây trồng cạn.

Cùng đó, cần tổ chức kiểm tra, khảo sát, xác định khối lượng cần sửa chữa cụ thể của từng công trình, từng tuyến kênh mương để ưu tiên khắc phục, nạo vét; lên kế hoạch đắp bờ giữ nước tại chân ruộng, hoành triệt các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch, lợi dụng nước mưa, nước hồi quy để bà con bơm tát chống hạn, đồng thời có phương án tháo dỡ khi có lũ về; cân đối nguồn nước ở các hồ, đập, khe suối để có kế hoạch lắp đặt máy bơm dã chiến, lập phương án chuyển nước tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết để chống hạn; phòng tránh xâm nhập mặn bằng cách sửa chữa hệ thống đóng mở, đảm bảo roăng cống phải kín.

Điều mừng trong công tác phục vụ tưới nước vụ đông xuân vừa qua là dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng các công ty thủy nông vẫn nỗ lực đứng dậy để làm tròn nhiệm vụ chính trị gắn với duy trì sự phát triển của doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nhiều doanh nghiệp đã thay đổi phương thức sản xuất bằng việc bơm tưới vào giờ thấp điểm, giao khoán quản lý tưới cho các cụm, trạm trực thuộc, qua đó, tiết kiệm hàng chục triệu khối nước và nhiều tỷ đồng (Công ty TNHH MTV thủy lợi Kẻ Gỗ tiết kiệm 24 triệu m3 nước và hơn 1 tỷ đồng chi phí tưới, Công ty TNHH MTV thủy lợi Can Lộc tiết kiệm 3 triệu m3 nước và 64 triệu đồng chi phí tưới).

Hy vọng, những biện pháp đó tiếp tục được các doanh nghiệp thủy nông phát huy trong vụ hè thu - được dự báo sẽ gặp không ít bất lợi cả về khách quan lẫn chủ quan - nhằm cùng ngành chủ quản, các địa phương và bà con nông dân hoàn thành kế hoạch diện tích, năng suất, sản lượng đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast