Nguy cơ mất an toàn từ các hồ chứa

Hà Tĩnh có 345 hồ chứa nước thì có đến 200 hồ trong số đó đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. Dù cơn bão số 3 không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn nhưng những cơn mưa trong nhiều ngày đã làm đầy nước các hồ, đập. Đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh để các địa phương cần tăng cường đảm bảo an toàn hồ chứa nước trong mùa “bão nổi”…

Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng hồ đập lớn. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 345 hồ chứa nước với tổng dung tích chứa trên 762,6 triệu m3 nước; 57 đập dâng và 381 trạm bơm. Trong đó có 4 hệ thống thuỷ lợi lớn là: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Linh Cảm và Sông Tiêm. Hàng năm, các công trình thuỷ nông đã cấp nước tưới cho hơn 50.000 ha lúa vụ đông xuân, 41.000 ha vụ lúa hè thu, 3. 000 ha lúa vụ mùa; cấp nước cho hơn 5.000 ha nuôi trồng thuỷ sản; phục vụ sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.

An toàn hồ chứa, đập dâng luôn tiềm ẩn nỗi lo trước mùa mưa bão
An toàn hồ chứa, đập dâng luôn tiềm ẩn nỗi lo trước mùa mưa bão

Với mật độ hồ, đập dày đặc đã biến Hà Tĩnh trở thành điểm xung yếu trong mùa mưa lũ. Vấn đề đặt ra là giải pháp để việc dự trữ nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của các hồ chứa cần đi đôi với việc đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão, nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh.

Những cơn mưa kéo dài trong nhiều ngày qua đã đưa lại nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đồng ruộng đã được “giải nhiệt” sau đợt nắng nóng, nguy cơ cháy rừng đã bị đẩy lùi. Thời tiết dịu mát, dễ chịu hơn cũng tạo điều kiện tốt cho các loại cây trồng phát triển. Đồng thời, sau đợt mưa, hệ thống hồ đập được bổ sung thêm nguồn nước quan trọng phục vụ để tưới cho cây trồng vụ hè thu cấp nước cho nhiều ngành kinh tế khác.

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh, hiện các hồ chứa nước trên địa bàn dung tích trung bình đạt từ 41% - 60% so với thiết kế. Hầu như ở tất cả hồ, đập, dung tích nước hiện tại đã vượt so với cùng kỳ năm 2010, thậm chí có nơi vượt gấp nhiều lần như: Cu Lây (210,9%), Vực Trống (338,9%), Đá Bạc (414,3%)... Một số hồ nhỏ nước đã đầy so với thiết kế như: hồ Kim Sơn (89,4%), Tàu Voi (81,3%), Đập họ (98,1%)… Điều đáng nói, trong số 345 hồ chứa thì có đến 200 hồ chứa nước nhỏ bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Trong đó, 8 công trình thuộc huyện Hương Khê; Hương Sơn 6 công trình; Kỳ Anh 9 công trình…

Tại công trình thuỷ lợi Kẻ Gỗ, một số hạng mục bị hư hỏng nặng như: cánh đóng, mở của cống tưới kênh chính Kẻ Gỗ bị gãy; mái đập phía thượng lưu (từ cốt 18-24m) có hiện tượng sạt lở, nguy cơ đe doạ vỡ đập khi có lượng nước dâng cao cộng với gió bão. Thống kê trên có thể cho thấy, nếu bão vào, mưa lớn thì nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân là rất cao.

Nguyên nhân chính là do hầu hết các công trình đã được xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hàng chục năm, trong khi thiếu kinh phí sữa chữa hàng năm. Công tác thiết kế, thi công và quản lý không đồng bộ; trang thiết bị, phương tiện quản lý chưa xứng với quy mô, nhiều công trình không có quy trình vận hành hoặc vận hành một cách tuỳ tiện. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khách quan, BĐKH đã làm cho thiên tai càng trở nên khắc nghiệt. Trận lũ lịch sử năm 2010 đã làm nhiều công trình bị hư hại nặng nề, nhất là các tuyến kênh mương nhiều đoạn bị phá vỡ đến nay vẫn chưa khôi phục được.

Ông Trần Duy Chiến, Chi cục phó Chi cục Thuỷ lợi cho biết: “So với mọi năm, năm nay mưa xảy ra nhiều hơn. Điều đó giảm nhẹ được gánh nặng về hạn hán nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ chứa, đặc biệt là đối với các công trình xuống cấp. Trước tình hình đó, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão, đồng thời, yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra toàn bộ hồ chứa nước trên địa bàn, từ đó đánh giá, phân loại sự cố xếp theo thứ tự ưu tiên để kịp thời nâng cấp, sửa chữa; đôn đốc Ban quản lý dự án, nhà thầu lập đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ các hạng mục công trình và lập phương án PCLB cho từng công trình”.

Theo dự báo, năm 2011 sẽ là năm xuất hiện 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và một nửa trong số đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Do vậy, hơn lúc nào hết, việc triển khai đồng bộ các biện pháp an toàn hồ đập trước mùa mưa bão là nhiệm vụ cấp bách đối với vùng “rốn” bão lũ Hà Tĩnh. Tất cả vì mục tiêu bảo vệ an toàn sản xuất và tính mạng cho nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast