Nguy cơ sâu bệnh hoành hành trên cây trồng vụ Đông Xuân

Đợt rét hại kéo theo mưa phùn ẩm ướt vào trung tuần tháng 2 đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Trong khi đó, thời tiết có nền nhiệt độ thấp lại là điều kiện để một số loại sâu bệnh, chuột hại cây trồng xuất hiện và hoành hành trên dịên rộng. Để kiểm soát dịch bệnh lan rộng và bảo vệ năng suất của cây trồng vụ Đông Xuân, hiện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đã có những biện pháp để chỉ đạo các địa phương triển khai công tác phòng trừ sâu bệnh, tuy nhiên đó vẫn là việc làm cần mang tính cộng đồng…

Nông dân Cẩm xuyên đang rất lo lắng khi những trà lúa ngả vàng và khô
Nông dân Cẩm xuyên đang rất lo lắng khi những trà lúa ngả vàng và khô

Sâu bệnh và chuột tấn công cây trồng

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện nay trên cây trồng vụ Đông Xuân đã xuất hiện một số loại sâu bệnh phá hoại, trong đó lúa, cây trồng chủ đạo đang phải đối dịên với nhiều loại bệnh nguy hiểm, như: ruồi đục nõn, rầy nâu, bệnh đạo ôn,... Phổ biến nhất là loại bệnh sinh lý, toàn tỉnh đã có 150 ha lúa bị nhiễm bệnh sau đoẹt rét hại vừa qua. Điều đáng nói là chúng có khả năng lây lan trên diện rộng và bùng phát thành dịch. Biểu hiện của loại bệnh này là triệu chứng ngã lá vàng hoặc nâu thẫm, tập trung chủ yếu ở các giống: Xi23, NX30 của trà lúa Xuân trung trên những chân ruộng sâu trũng, lầy thụt. Tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình là 10- 30%, nơi cao đạt 50- 60%. Đây là một trong những loại bệnh mới xuất hiện trong vụ Đông Xuân này, nó có thể sẽ làm thối bẹ, dẫn đến lúa bị chết cục bộ.

Bên cạnh đó, người nông dân lại phải đối đầu với nạn chuột hoành hành khắp mọi nơi. Đúng như dự báo, thời tiết đầu mùa vụ nắng ấm kéo dài là điều kiện để chuột sinh trưởng. So với mọi năm, vụ này chuột phát sinh nhiều hơn với tỷ lệ 3- 8%, tập trung nhiều nhất là ở Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Đức Thọ…Chúng là loài gặm nhấm có sức tàn phá vào loại bậc nhất trong các loài phá hoại mùa màng nhưng cũng là loài tinh khôn nhất nên không dễ gì bị tiêu dịêt. Do vậy, để kiểm soát được vấn nạn này, bà con nông dân phải mất nhiều thời gian và công sức. Vào thời điểm này, một số loại cây trồng đã phát triển rộ, lúa đẻ nhánh rộ và chuẩn bị đến ngày trổ , ngô phát triển 7- 9 lá, lạc được 5 lá…là những thức ăn khoái khẩu cho loài gặm nhấm này. Không những thế, chúng còn gây hại cục bộ trên những chân ruộng cao gần gò đồi, ven đường quốc lộ.

Bà Hoà ở thôn 3, Thị trấn Cẩm Xuyên cho chúng tôi biết: “Trước Tết ruộng lúa vẫn xanh mơn mởn, tôi đang mừng thầm. Ngày mùng 4 Tết ra thăm ruộng, tôi phát hoảng khi thấy lúa đã bị ngả vàng và khô hết cả, có những cây bị thối bẹ dẫn đến chết. Ở giữa ruộng lại bị chuột cắn phá, dù mấy ngày nay gia đình tôi đã đánh bẫy diệt chuột vã mồ hôi, nhưng vẫn chưa thuyên giảm”. Cùng tâm sự, chị Phương, thôn 2 cho biết thêm: “Vụ Đông Xuân năm nay xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh hại cây trồng hơn mọi năm. Từ cây lúa, lạc đến các loại cây ăn quả khác của nhà tôi đều bị sâu bệnh “tấn công”, dù đã phun thuốc nhiều lần nhưng vẫn không khống chế được. Nhất là chuột, mấy ngày Tết không ra thăm đồng mà có ruộng rộng 1,5 sào thì chúng phá hoại mất gần 1 sào khiến chúng tôi phải cấy lại”.

Ở Thạch Hà, bệnh đạo ôn cũng đã có dấu hiệu ở một số trà lúa của xã Thạch Đài và Thạch Tân. Theo phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà, dù chỉ mới xuất hiện lác đác, cục bộ ở một số địa phương nhưng nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất cao và gây hậu quả nặng nề.

Đối với các loại cây trồng vụ Đông Xuân khác cũng không tránh khỏi sự hoành hành của sâu bệnh. Đó là các loại sâu xám, sâu cuốn lá trên cây ngô; bệnh chết ẻo ở cây lạc; sâu vẽ bùa, sâu nhớt, bệnh greening, vàng lá bám ở cây ăn quả; sâu róm trên cây thông…

Chống dịch mang tính cộng đồng…

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Ngay khi có những biểu hiện bất thường trên cây trồng, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật xuống đồng ruộng để cùng nông giám sát và chủ động xử lý kịp thời các đối tượng nguy hiểm, đồng thời trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân chọn những đúng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi liên tục thông báo về tình hình dịch bệnh, thời điểm dịch bệnh phát sinh và hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng trừ đến các địa phương trong tỉnh”.

Tuy nhiên, với thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Theo dự báo của Chi cục BVTV, thời gian tới, các loại sâu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh gây hại, đe doạ sự an toàn của các loại cây trồng. Do vây, để khống chế sâu bệnh, các ngành chức năng, địa phương và người dân cần vào cuộc một cách tích cực, tiếp tục theo dõi diễn biến của đối tượng và tăng cường biện pháp phòng trừ. Bên cạnh đó, các địa phương phải có kế hoạch ra quân diệt chuột, bảo vệ đồng ruộng. Các đơn vị đầu mối thuốc bảo vệ thực vật cần chủ động lượng thuốc để đủ cung ứng cho người nông dân. Tất cả vì mục tiêu quyết tâm giành thắng lợi ở vụ Đông Xuân 2010.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast