Nhà tránh lũ cho gia súc ở Đức Thọ

Mỗi năm hàng ngàn hộ dân ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) phía ngoài đê La Giang thường phải sống chung với lũ từ 50-60 ngày. Trước tình cảnh đó, người dân nơi đây đã sáng tạo ra mô hình nhà "chạn" tránh lũ cho đàn gia súc, gia cầm.

Ngôi nhà chạn của anh Lê Hồng Quang (Đức La) được đâu tư xây mới, phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng, chống lũ.

Ngôi nhà chạn của anh Lê Hồng Quang (Đức La) được đâu tư xây mới, phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng, chống lũ.

Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm đưa ra những con số: 18/28 xã, thị trấn, 50% diện tích đất tự nhiên và 40% dân số toàn huyện nằm ở ven các con sông; đặc biệt 7 xã nằm ngoài đê La Giang được mệnh danh là "rốn lũ". Mỗi năm đến mùa mưa lũ, nước sông La, Ngàn Sâu… dâng cao, các xã ven đê phải chịu cảnh sống chung với lũ thường từ 50-60 ngày. Lũ đi qua để lại bao hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế, về cơ sở vật chất rồi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và cả đàn gia súc, gia cầm…

Do thường xuyên đối mặt với mưa bão nên người dân vùng "rốn lũ" Đức Thọ đã tích luỹ cho mình nhiều kinh nghiệm để sống chung với lũ. Tất cả các xã vùng lũ đều xây dựng các công trình như: trường học, trạm xá, trú sở UBND làm hai tầng kiên cố trên vùng đất cao ráo để khi cần chạy lũ, trở thành điểm sơ tán người dân đến ở, sinh hoạt trong nhiều ngày.

Nhà nào có điều kiện xây nhà mái bằng, hai tầng để tránh lũ. Để sống chung với lũ, nhà nào cũng có thuyền ba ván, có chạn gỗ kiên cố trên mái nhà cấp bốn để làm nơi dự trữ lương thực, thức ăn khô, nước uống, đảm bảo sinh hoạt cả nhà trong nhiều ngày tránh lũ.

Người dân các xã vùng ngoài đê La Giang còn có sáng kiến làm nhà "chạn" dành cho gia súc, gia cầm tránh lũ.

Anh Lê Hồng Quang ở xóm 2, xã Đức La, cho biết: Trước đây, mỗi lần lũ về, bọn tôi thường phải cưỡi trâu bò vượt lũ sang bên kia sông để lên đê La Giang, hay gửi vào nhà người quen trong đê…kéo dài nhiều ngày, rất phiền hà.

Sau đó, người dân có sáng kiến đắp đất làm ụ nổi cao chừng 2-3 mét, rộng 6-8 m2, trên che bạt để buộc trâu bò tránh lũ. Và trong chục năm lại nay, trên cơ sở ụ nổi trên, nhiều gia đình đã xây nhà "chạn" tránh lũ cho đàn gia súc, gia cầm.

Tuy không đồ sộ, những căn nhà chạn như thế này lại rất có ích với ngưòi nông dân trong mùa mưa lũ...

Tuy không đồ sộ, những căn nhà chạn như thế này lại rất có ích với ngưòi nông dân trong mùa mưa lũ...

Tuỳ theo điều kiện kinh tế, các gia đình có thể xây nhà chạn với quy mô khác nhau, với giá tiền từ 15-30 triệu đồng/cái, thậm chí lên đến 40-50 triệu đồng/cái. Nhà được xây làm 2 tầng, dựa trên kết cấu bốn cột bê tông kiên cố, diện tích mặt sàn bê tông thường rộng từ 15 - 25 m2, chiều cao mặt sàn từ 3 - 4m. Tầng dưới, bố trí chuồng trại chăn nuôi khi không có lũ; tầng trên được bố trí làm nơi cất giữ thức ăn dự trữ, là chỗ cho gia súc tránh lũ. Nhà chạn còn có thể là nơi cất giữ tài sản, lương thực... Mái trên được lợp bằng ngói Pro, hoặc lá mía, lá cọ…

Ông Đặng Chuyên, Chủ tịch UBND xã Liên Minh, cho biết: Nhiều trận lũ trước đã cuốn trôi hàng trăm con trâu bò, lợn gà; sau lũ gia súc, gia cầm lại bị dịch bệnh hoành hành, thiệt hại về kinh tế rất lớn. Gần đây, xã đã vận động nhân dân xây dựng nhà chạn vừa để gia súc tránh lũ vừa dự trữ thức ăn… nên đã giảm bớt nhiều thiệt hại. Nhờ có nhà chạn mà đàn gia súc, gia cầm trong xã luôn phát triển và trở thành một trong những nguồn thu chủ yếu của người dân . Mùa lũ năm nay, ngươi dân Xã Liên Minh làm mới gần 200 ngôi nhà chạn.

Ông Nguyễn Mỹ, năm nay trên 70 tuổi ở xóm 5, xã Liên Minh, kể: Mấy năm gần đây, lũ lớn luôn xuất hiện nhưng nhờ có nhà chạn nên mọi tài sản, trâu bò, lợn gà của ông không bị lũ cuốn trôi, gần 30 ngày sống trên nhà chạn, đàn gia súc của ông vẫn khoẻ mạnh.

Người dân Liên Minh mưu sinh trong mưa lũ

Người dân Liên Minh mưu sinh trong mưa lũ

Theo thống kê chưa đầy đủ đến thời điểm này nhân dân 7 xã ngoài đê La Giang và 4 xã vùng lũ của huyện Đức Thọ đã làm gần 1.000 ngôi nhà tránh lũ cho gia súc, gia cầm theo mô hình này và nó thực sự phát huy hiệu quả đối với những vùng hay bị ngập lụt.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast