Nhiều ẩn họa từ các hồ chứa trên địa bàn Hà Tĩnh

Là địa phương có số lượng hồ chứa nhiều và đa dạng nhưng Hà Tĩnh cũng đang đối mặt với không ít thách thức khi hệ thống công trình thủy lợi này đang xuống cấp trầm trọng trong khi nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp hồ chứa không đáp ứng yêu cầu. Đây đang là bài toán khó của tỉnh, các địa phương và doanh nghiệp thủy nông, nhất là các huyện miền núi với mật độ công trình tương đối cao.

"Điểm nóng" Hương Khê

Với địa hình nghiêng dần từ Tây sang Đông có độ dốc lớn, lại bi chia cắt bởi nhiều sông, suối nhỏ, kèm theo lượng mưa lớn (bình quân hàng năm trên 2.000mm) nên Hương Khê là huyện dẫn đầu tỉnh khi có đến 145 hồ đập lớn nhỏ. Do đầu tư xây dựng từ nhiều thập kỷ nay, lại chịu tác động của điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên phần lớn công trình thủy lợi ở huyện miền núi này đã xuống cấp nghiêm trọng.

Thân là doanh nghiệp Nhà nước hẳn hoi nhưng Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hương Khê cũng ngày đêm lo ngay ngáy khi 3 con đập tuy tràn xả lũ đã được kiên cố hóa bằng bê tông nhưng khẩu độ và cao độ tràn lại không phù hợp với nhiệm vụ, thân đập đất vừa cao vừa yếu lại rò rỉ nước; ở 6 hồ chứa khác, tràn xả lũ trên nền đất đá tự nhiên đang bị xói lở nặng và đối mặt với nguy cơ vỡ.

Sự cố vỡ đập Ke 2/20 Réc ở xã Hương Trạch (Hương Khê) vào tháng 6/2009
Sự cố vỡ đập Ke 2/20 Réc ở xã Hương Trạch (Hương Khê) vào tháng 6/2009

Thống kê mới nhất của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho thấy, trong số 20 hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao cần sửa chữa khẩn cấp thì Hương Khê có đến 8 công trình là: đập Hầu (Hương Long), đập Trạng (Hương Thủy), hồ Mục Bài (Hương Xuân), hồ Cơn Song (Phúc Trạch), hồ Khe Trồi (Phúc Trạch), hồ Khe Con (Hương Giang) hồ Họ Võ (Hương Giang) và hồ Khe Sắn (Lộc Yên).

Một liệt kê khác về sự cố hồ chứa trong nhiều năm qua ở Hà Tĩnh cũng chỉ rõ, tất cả đều rơi vào Hương Khê: tháng 8/1978 vỡ đập Mạc Khê gây thiệt hại vùng hạ du; tháng 4/1994 vỡ đập Họ Võ khi đang thi công gây thiệt hại lớn về khối lượng xây lắp; tháng 6/2009 vỡ đập Ke 2/20 Réc làm hỏng tuyến đường sắt Bắc - Nam; năm 2007, mưa lũ gây vỡ 7 hồ chứa đến nay chưa có kinh phí khắc phục.

Báo động toàn tỉnh

Theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 345 hồ chứa các loại với tổng dung tích trên 785,6 triệu m3 nước, trong đó: 2 hồ dung tích lớn hơn 100 triệu m3, 7 hồ dung tích từ 10 - 100 triệu m3, 9 hồ dung tích từ 3 - 10 triệu m3, 40 hồ dung tích từ 1 đến dưới 3 triệu m3, 90 hồ dung tích từ 0,5 - 1 triệu m3, 199 hồ dung tích dưới 0,5 triệu m3… Ngoại trừ một số hồ chứa lớn mới được xây dựng và nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế mới thì hầu hết hệ thống được xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước trong điều kiện các tài liệu quan trắc khí tượng còn hạn chế, công nghệ thi công thô sơ, phương tiện thi công chủ yếu thủ công, vật tư thiếu nên chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Sau gần 3 năm xảy ra sự cố, đến nay, Hồ Đá Bạc vẫn đang "kêu cứu"
Sau gần 3 năm xảy ra sự cố, đến nay, Hồ Đá Bạc vẫn đang "kêu cứu"

Thêm vào đó, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tuy tổng lượng mưa hàng năm ít biến đổi nhưng cường độ mưa ngày càng tăng cao khiến các đỉnh lũ xuất hiện với tần suất lớn đã đe dọa sự an toàn của nhiều hồ chứa ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc, Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh....

Cũng theo ông Hợi, đa phần hồ chứa hiện có đều bộc lộ những khiếm khuyết. Về đập đất, các công trình hiện có đều là đập đất đồng chất và phần lớn xây dựng trong điều kiện vật tư, phương tiện khó khăn; bề rộng mặt đập nhỏ, đỉnh đập chỉ cao hơn mực nước dâng bình thường khoảng 1,2 - 1,3 m. Về hệ thống tràn xả lũ, ngoài một số công trình trung thủy nông trở lên có tràn điều tiết sâu có thể chủ động hạ mức nước sớm thì phần lớn hồ chứa có dạng tràn tự do, nhiều hồ kích thước tràn quá nhỏ kết hợp cầu tràn bằng đất nên không đảm bảo tần suất xả lũ. Đối với hạng mục cống lấy nước dưới đập, đa số thiếu kế theo tiêu chuẩn cũ, kích thước nhỏ, không có hành lang kiểm tra nên quá trình quản lý, khai thác không thể quan trắc, theo dõi để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; nhiều công trình do nguồn vốn hạn chế nên việc thiết kế và thi công không đồng bộ dẫn đến không có cả cầu công tác nên mỗi lần vận hành phải dùng thuyền, thậm chí bơi ra giữa lòng hồ đóng mở cống gây mất an toàn cho người quản lý…

Giải pháp gần xa chẳng qua kinh phí?!

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp thủy nông thì toàn tỉnh hiện có 51 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cần được ưu tiên sửa chữa, trong đó có 20 hồ chứa cần được sửa chữa khẩn cấp trước mùa mưa lũ 2012 với tổng kinh phí 832,4 tỷ đồng. Nêu vấn đề kinh phí để thấy nhu cầu cốt lõi nhất vẫn ở chỗ này chứ thực ra đặt trong bối cảnh suy thoái kinh tế, chủ trương cắt giảm đầu tư công và chỉ bố trí vốn cho đích danh từng công trình cụ thể cho từng năm đến năm 2015 thừa thấy, chỉ một vài phần trăm trong con số hơn 830 tỷ đồng nói trên đã quá xa xỉ rồi. Vậy, đặt trong điều kiện thiếu vốn hiện nay thì việc đảm bảo an toàn trước mắt cho các hồ chứa trong năm 2012 phải tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào?

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, dù gì thì việc trước mắt cũng phải tranh thủ thời kỳ mực nước hồ xuống thấp để kiểm tra toàn diện, đánh giá mức độ an toàn nhằm phát hiện sớm các ẩn họa và ưu tiên nguồn lực để xử lý. Tiếp đó, các địa phương, đơn vị, chủ công trình phải khẩn trương xây dựng phương án PCLB cho công trình và vùng hạ du; rà soát, bổ sung và ban hành quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa; tổ chức giải tỏa các vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình; soát xét nhân lực, vật tư dự phòng "4 tại chỗ" để kịp thời ứng cứu các sự cố dù nhỏ nhất. Đối với các hồ chứa có tràn xả lũ tự do, cần kiểm tra kỹ, xây dựng phương án tràn xả lũ phụ để khi mưa, lũ lớn thì chủ động tháo lũ nhằm đảm bảo cho công trinh, tránh tổn hại đến dân sinh.

"Về lâu dài, ngoài nâng cấp, sửa chữa công trình theo tiêu chí mới thì phải nghiêm cứu xây dựng tràn điều tiết sâu có cửa đối với hồ chứa có dung tích từ 5 triệu m3 trở lên; xây dựng một số trạm thủy văn đầu nguồn để tăng khả năng cảnh báo lũ sớm; lắp đặt thiết bị quan trắc, lượng mưa, mực nước cho các hồ chứa có dung tích từ 0,2 triệu m3 trở lên…", vị cán bộ lão luyện trong ngành thủy lợi Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast