Nhiều khó khăn trong vụ sản xuất đông xuân

Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án để sản xuất vụ đông xuân 2010 - 2011 đạt hiệu quả tối đa về diện tích, năng suất, sản lượng nhưng với diễn biến hiện tại thì Hà Tĩnh đang gặp phải không ít khó khăn để đạt kế hoạch đề ra.

Năm nay, Hà Tĩnh chuẩn bị khá kỹ lưỡng các phương án nhằm đưa vụ đông xuân thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Theo đề án, chỉ tiêu kế hoạch vụ đông xuân 2010 - 2011 là sản xuất trên 53 ngàn ha lúa, gần 19 ngàn ha lạc, 2.800 ha ngô xuân, trên 700 ha đậu các loại, 4 nghìn ha rau đậu thực phẩm, 2.820 ha khoai lang. Tổng sản lượng lương thực phấn đấu đạt 29 vạn tấn. Về chăn nuôi, phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại 35 ngànn tấn, tỷ lệ bò lai Zêbu đạt 29%; nâng tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 40% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vụ sản xuất đông xuân năm nay đang đứng trước nhiều khó khăn.

Bà con nông dân huyện Can Lộc làm đất sản xuất đông xuân
Bà con nông dân huyện Can Lộc làm đất sản xuất đông xuân

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt lo lắng: “Chưa có năm nào vụ đông xuân lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Ngoài diễn biến thời tiết bất thường, sâu bệnh cũng được dự báo diễn biến phức tạp; hệ thống kênh mương phục vụ tưới bị lũ tàn phá nghiêm trọng; giống dự trữ trong dân hư hỏng hết; giá giống, vật tư phân bón tăng lên từng ngày".

Giải thích cho vấn đề giống khan hiếm và giá thành tăng cao, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết: “Do nhu cầu sử dụng giống trên cả nước lớn, cộng với việc vừa qua một lượng giống không nhỏ bị lũ cuốn trôi nên nguồn giống phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân năm nay rất khan hiếm, giá giống cũng tăng lên rất cao, đặc biệt là các giống lúa lai như Nhị ưu 838 tăng từ 65.000đ/kg lên 70.000đ/kg; giống Khải phong số 1 tăng từ 83.000đ/kg lên 90.000đ/kg”.

Giá vật tư phân bón cũng tăng đáng kể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá tất cả các mặt hàng phân bón từ đầu tháng 11/2010 đến nay tăng từ 20 - 30%. Đơn cử như phân bón Việt Nhật tăng từ 9.000đ/kg lên gần 11.000đ/kg; đạm từ 6.000đ/kg lên 8.000đ/kg…

Hàng nghìn km kênh mương bị lũ vùi lấp đang được các địa phương ở Hà Tĩnh khắc phục để phục vụ sản xuất đông xuân
Hàng nghìn km kênh mương bị lũ vùi lấp đang được các địa phương ở Hà Tĩnh khắc phục để phục vụ sản xuất đông xuân

Bên cạnh đó, việc hàng chục ngàn km kênh mương thuỷ lợi nội đồng bị lũ phá hỏng nhưng chưa được khắc phục cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện vụ đông xuân đạt kế hoạch đề ra. Vấn đề khí hậu, thời tiết cũng được dự báo là sẽ diễn biến bất thường, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng; lúa có thể sẽ trổ sớm và gặp rét.

Kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) lo lắng: “Năm nay, ngoài việc hai trận lũ lịch sử làm hỏng hết giống dự trữ của nông dân; hệ thống kênh mương nhiều nơi khắc phục chưa bảo đảm; giá giống, vật tư, phân bón tăng cao kỷ lục; một số diện tích ruộng bị lũ vùi lấp..., nông nghiệp Hà Tĩnh còn đứng trước nguy cơ tiềm ẩn bệnh lùn sọc đen trên lúa bởi năm ngoài toàn tỉnh đã bị nhiễm 2.500 ha ở 6 huyện, thành phố, trong đó có gần 1.500 ha phải tiêu huỷ nên khả năng tái phát là rất lớn. Bên cạnh đó, theo dự báo, sắp tới Hà Tĩnh sẽ phải hứng chịu nhiều đợt rét đậm, rét hại đúng vào thời vụ bắc mạ và gieo thẳng lúa xuân trung, xuân muộn... nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất đông xuân...”.

Để giúp nông dân vùng lũ Hà Tĩnh sản xuất vụ đông xuân thắng lợi bù lại sản lượng lương thực hao hụt do đợt hạn hán năm 2010 và đợt lũ lịch sử hồi tháng 10 vừa qua gây ra, thiết nghĩ, trung ương cần tiếp tục hỗ trợ cho Hà Tĩnh về giống cây trồng, vật nuôi; chỉ đạo các ngành chức năng bình ổn giá phân bón cho bà con; có phương án hỗ trợ Hà Tĩnh trong công tác phòng chống sâu bệnh, hạn hán trong thời gian tới.

Ngành NN&PTNT khuyến cáo bà con nông dân cần phải sản xuất đúng lịch thời vụ để tránh tình trạng lúa trổ sớm ảnh hưởng đến năng suất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast