Những nông dân hiến đất làm đường

Trong xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng chiếm một khoảng thời gian và khối lượng công việc vô cùng lớn. Đặc biệt, trong khi quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, việc người nông dân tình nguyện hiến đất phục vụ lợi ích công cộng càng có ý nghĩa vô cùng lớn.

Có mặt tại trục đường liên thôn đang thi công tại xã Đức Lạng, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi phần lớn đất đai mở rộng con đường đều do chính người dân các xóm tự nguyện hiến đất. Từ bờ ao, rụi rậm đến tường rào, cây cối, thậm chí là một góc công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi… bà con đều sẵn sàng tháo dỡ để làm đường.

Anh Bình tình nguyện hiến trên 400m2 để xóm mở đường
Anh Bình tình nguyện hiến trên 400m2 để xóm mở đường

Ngay đầu đoạn đường của thôn Tân Đồng, chúng tôi dễ dàng tìm ra người chủ đã cho đi trên 400m2 đất canh tác của gia đình. Anh là Lê Thanh Bình – một nông dân đã canh tác trồng màu ở đây trong suốt nhiều năm qua. Mỗi năm, khi mưa thuận gió hòa, với hai mùa lạc đậu, anh có thể thu về 1,2 tạ lạc và gần 1 tạ đậu. Tính ra, cũng gần được 4 triệu đồng. Với người nông dân, đó là một khoản tiền không hề nhỏ.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, mùa này, khi đậu hàng xóm đã phát triển nên hàng nên lối thì phần đất của anh đã được máy ngoặm đất làm đường. Vợ chồng anh quyết định hiến cho xóm 437m2 để mở rộng trục đường liên xóm mà không mảy may đỏi hỏi bất kỳ một khoản tiền hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương. Anh Bình bảo: Tui không vì thấy xóm làng đậu lên xanh, có thu hoạch mà buồn, mà so đo. Có đường mở thì sẽ có nhiều thứ được hơn chứ, con, rồi chấu tui sau ni sẽ được hưởng cả, không mất đi mô mà sợ…”

Cũng nằm trên trục đường này, ngay xóm bên cạnh, gia đình anh Võ Đình Nam là một tấm gương điển hình của phong trào hiến đất làm giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng nông thôn mới. Trước đây, việc đi lại của cả xóm này chỉ trông chờ vào một lối đất mòn giáp ranh giữa vườn anh Nam và khu đất trồng màu của xóm. Giờ đây, sau khi có phong trào hiến đất mở đường, một con đường rộng 12m bắt đầu hình thành.

Phần đất và cây cối mà anh Nam hiến làm đường có giá trị hàng trăm triệu đồng
Phần đất và cây cối mà anh Nam hiến làm đường có giá trị hàng trăm triệu đồng

Tại phần đất của gia đình anh Nam, con đường chia vườn thành hai mảnh. Rất nhiều cây cối đã trồng từ 5 - 7 năm đều bị chặt hạ. Theo giá đất hiện tại, với gần 300m2 đất ở (chưa kể đến đất sản xuất), anh có thể bán trên 150 triệu đồng. Vậy nhưng, không hề so đo tính toán, gia đình anh Nam sẵn sàng vì cộng đồng với nguồn hỗ trợ chưa đầy 8 triệu đồng. Theo anh, cái quan trọng là mình không chỉ bằng tiền, mà bằng những gì mình có, mình đã đóng góp được sức mình cho sự đổi mới, phát triển của quê hương.

Tại xã Đức Lạng, kể từ khi chính quyền phát động toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, phần lớn bà con đều nhiệt tình hưởng ứng. Bằng cách này hay cách khác, mỗi thôn, mỗi xóm đều có những cách làm hay, những việc làm cụ thể để tham gia một cách hào hứng và hiệu quả. Chỉ riêng việc làm giao thông nông thôn, toàn xã đã có trên 150 hộ tình nguyện hiến đất làm đường. Hộ ít thì vài chục mét, hộ nhiều lên đến hàng trăm, trong đó, người dân thuộc 6 thôn: Tân Đồng, Tân Sơn, Minh Quang, Minh Đức, Yên Thọ, Hà Cát chỉ trong một thời gian ngắn đã đồng ý cắt trên 30 ngàn m2 đất để mở rộng đường sá.

Anh Nguyễn Đình Chiểu – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết thêm: Nhiều hộ mặc dù chưa có chủ trương giải phóng mặt bằng nhưng nhìn trước sự cần thiết sẽ phát triển, họ đã tự nguyện thu hẹp lại khuôn viên nhà mình để nhường đất cho mở rộng đường nông thôn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã thấy được ý thức tự nguyện của người dân nơi đây như thế nào.

Cũng trong câu chuyện hiến đất làm đường, Đức Thọ là địa phương được biết đến với nhiều đơn vị như: Tùng Ảnh, Đức An, Đức Lạng, Yên Hồ… làm tốt công tác vận động quần chúng. Phần lớn, người dân nơi đây đều đã và đang thực sự xem mình là người trong cuộc, là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới.

Điều đáng ghi nhận ở đây là người dân đều vô tư hiến đất mà không hề mảy may toan tính thiệt hơn. Thậm chí, rất nhiều nông dân đều là những hộ nghèo, thu nhập thấp, … Tuy nhiên, họ vẫn sẵn sàng hiến đất vì những lợi ích cộng đồng.

Con đường có được từ phần đất của gia đình ông Quyền
Con đường có được từ phần đất của gia đình ông Quyền

Gia đình ông Tống Sỹ Quyền ở xã Đức An (Đức Thọ) là một câu chuyện đáng nêu gương. Là một cựu chiến binh, thu nhập trông chờ vào làm vườn và mấy sào ruộng, gia đình còn nhiều khó khăn với 6 người con đều làm nông nghiệp. Tuy vậy, khi có đường đi qua, ông vẫn quyết định hiến trên 500m2 vuông đất từ khu vườn cha ông để lại. Đành rằng, có đường đi qua, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều. Tuy nhiên, nhận thức ra điều này để cho đi cả tải sản cha ông là điều đâu phải dễ. Ông Quyền bảo: Bây giờ đường này cần mở tiếp tui cũng tiếp tục cho đất mà làm…

Chính sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền các địa phương, các đoàn thể, nhất là hội nông dân các cấp trong quá trình tuyên truyền, vận động… là một trong những yếu tố quan trọng để làm thay đổi nhận thức của bà con.

Ông Trần Hải – Chủ tịch HND huyện Đức Thọ cho biết: “Qua mỗi lần tuyên truyền tận hộ gia đình, mỗi cuộc họp thôn xóm, thậm chí là các hội thi hội diễn, thơ ca hò vè…, người dân đã thực sự thấm nhuần và hiểu ra vấn đề. “Nông dân sống lặng thầm như đất” nhưng trong mỗi việc làm, mỗi công cuộc đổi mới, khi người dân đổi thay tư duy, chính người nông dân cũng góp sức không nhỏ trong sự phát triển đó”.

Những con đường trước đây chỉ 1 - 2m giờ đã được mở rộng 7 - 8m. Ngõ xóm làng quê đang đổi thay từng ngày. Bên cạnh những đoạn đường có sự hỗ trợ hàng tỷ đồng của những người con xa quê như thế này…, Đức Thọ đang đổi mới từng ngày nhờ chính nội lực trong dân. Giao thông nông thôn đang làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc, trong xây dựng nông thôn mới, người dân nông thôn đang góp không nhỏ sức mình vào sự đổi mới của mỗi làng quê hôm nay.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast