Những tuyến đường, cây cầu làm thay đổi diện mạo vùng quê

Trong tiến trình phát triển KT-XH, một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu đó là xây dựng hạ tầng giao thông góp phần tạo cơ sở, nguồn lực cho sự phát triển, nhằm giảm sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị. 15 năm qua, Ban quản lý dự án Phát triển Giao thông nông thôn (GTNT) Hà Tĩnh đã góp phần đáng kể tham gia quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn, làm thay đổt diện mạo một vùng quê.

Cầu Mỹ Thịnh có tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được hoàn thành vào tháng 12-2009 thực sự là niềm mong ước từ bao đời nay của người dân Hương Sơn.
Cầu Mỹ Thịnh có tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được hoàn thành vào tháng 12-2009 thực sự là niềm mong ước từ bao đời nay của người dân Hương Sơn.

Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, dân số nông thôn chiếm hơn 85%. Đời sống người dân vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiệm trọng... Mỗi cơn bão, trận lũ đi qua cuốn theo nhiều cây cầu, nhiều tuyến đường gây cách trở giao thông khiến đời sống người dân nhiều vùng quê càng thêm lạc hậu...Xác định quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông chính là đáp số cho quy hoạch phát triển kinh tế, giảm dần sự cách biệt vùng miền. Trên quan điểm quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, trước hết là mạng lưới giao thông thiết yếu, vừa giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương của người dân, vừa phát triển, quy hoạch dân cư, phát triển KT-XH, các dự án Giao thông nông thôn 1, 2 , 3 và sau này là các dự án ADB, WB đã dần tạo cơ sở nền tảng cho Hà Tĩnh hình thành một mạng lưới giao thông nông thôn bền vững, hiệu quả, vượt xa ngoài sự mong đợi.

15 năm phát triển của mạng lưới giao giao thông nông thôn Hà Tĩnh gắn liền với vai trò to lớn của Ban quản lý dự án phát triển GTNT tỉnh nhà. Được thành lập năm 1995 theo Quyết định số 923/QĐ-UB ngày 13-7-1995 của UBND tỉnh, Ban quản lý dự án có chức năng tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển giao thông do Bộ Giao thông vận tải, UBND Tỉnh và Sở giao thông vận tải giao, lập các dự án đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn Hà Tĩnh, tư vấn quản lý dự án, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các chủ đầu tư theo quy định của Nhà nước, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, tổ chức triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án phát triển GTNT còn đóng vai trò như là một cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển và điều hành các dự án Giao thông nông thôn của tỉnh... Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban quản lý dự án đã có nhiều nổ lực, cố gắng, hoàn thành tốt vai trò trách nhiệm, góp phần cho các công trình được triển khai một cách thuận lợi, hiệu quả nhất. Xác định rõ, công tác khảo sát, lập dự án, thiết kế bản vẽ thi công là khâu trọng yếu quyết định chất lượng công trình. Vì vậy, Ban quản lý dự án đã làm tốt việc lựa chọn đơn vị tư vấn theo tiêu chí phải là chuyên ngành, có kinh nghiệm và đáp ứng quy mô công trình theo kiểu không chọn những nhà tư vấn lớn làm công trình nhỏ và ngược lại. Việc cải cách các thủ tục hành chính cũng đã được triển khai nghiêm túc, nhờ đó, việc phê duyệt dự án được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo cho các công trình sớm thi công. Hồ sơ thiết kế giai đoạn dự án đầu tư đến hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đều được soát xét kỹ nên chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, các quy trình thực hiện đấu thầu, chỉ định thầu thực hiện đúng theo quy định, hồ sơ mời thầu phát hành công khai đã tạo điều kiện cho các nhà thầu tham gia rộng rãi. Nhờ đó, Ban quản lý dự án có thể lựa chọn ra được những nhà thầu có năng lực, đáp ứng yêu cầu thi công công trình.

Đường GTNT Sơn Long - Đức Giang đang gấp rút thi công
Đường GTNT Sơn Long - Đức Giang đang gấp rút thi công

Để công tác giám sát thi công được tổ chức thực hiện đúng yêu cầu luật định, Ban quản lý dự án đã lựa chọn các đơn vị tư vấn có đủ năng lực giúp Ban tiến hành giám sát tiến độ, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại các công trình; bố trí cán bộ phụ trách thường xuyên bám sát hiện trường, đốc thúc, nhắc nhở đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ…

Dưới sự quản lý, điều hành của Ban quản lý dự án, các Dự án giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh ta đã được triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả. 15 năm qua, các dự án giao thông nông thôn 1, 2, 3 với tổng kinh phí trên 220 tỷ đồng đầu tư xây dựng hàng chục km đường nhựa, 123 cây cầu lớn nhỏ, nâng cấp cải tạo gần 1000 km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó là các dự án ADB5, dự án đường đến Trung tâm xã...đã tham gia đáng kể vào kiên cố hoá hệ thống giao thông nông thôn, chuyển từ hệ thống giao thông thiết yếu sang phát triển hệ thống giao thông chiều sâu, không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân mà còn là những công trình khắc phục, phòng chống bão lụt hiệu quả...Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau 15 năm, giao thông nông thôn Hà Tĩnh đã đạt được kết quả to lớn. Từ chỗ chỉ có 30 km đường nhựa, đến nay, toàn tỉnh đã có 4500 km đường cứng, bê tông, hàng trăm cây cầu lớn nhỏ.... Trung bình mỗi năm, nhân dân Hà Tĩnh đó đóng góp 100 tỷ đồng cho GTNT. Riêng trong 10 năm qua, toàn tỉnh đó huy động trên 1500 tỷ đồng cho giao thông nông thôn.

Một trong những minh chứng cho sự phát triển của giao thông nông thôn Hà Tĩnh không chỉ là những con số biết nói trên đây, mà còn là ở chất lượng của các công trình... Từ chỗ những cây cầu có giá trị dưới 5000 USD, nay đã có những cây cầu được đầu tư hàng trăm nghìn USD, thậm chí là hàng triệu USD như cầu Cánh Cạn, Cầu Lộc Yên, Cầu Miễu và cả những cây cầu trên tuyến quốc lộ 15A như cầu Đông, Cầu Khe Giao. Những cây cầu kiên cố có thể phòng chống bão lụt, vững vàng qua những cơn lũ lớn, là cầu nối niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền trong thiên tai, hoạn nạn...

Có thể thấy rằng, Giao thông nông thôn Hà Tĩnh 15 năm qua là một bức tranh sinh động phản ánh sự thay đổi của đời sống KT-XH vùng nông thôn Hà Tĩnh. Đó không chỉ là sự thay đổi đơn thuần về mặt cơ học, là sự tăng thêm số lượng những mét đường, những cây cầu... mà trên tât cả là sự thay đổi chiều sâu về tư duy, nếp nghĩ, về những giảI pháp có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển nông thôn mới hiện nay...Giao thông nông thôn đã trở thành một tiêu chí của nông thôn mới, của văn hoá làng xã, của sự phát triển đời sống vật chất và tinh thần người nông dân, góp phần đáng kể vào sự nghiệp CNH- HĐH tỉnh nhà...Và, trong tất cả những thành tựu chung đó có sự đóng góp không nhỏ của tập thể cán bộ, kỹ sư Ban quản lý dự án phát triển GTNT Hà Tĩnh, những người đang ngày đêm nổ lực vì những tuyến đường, cây cầu “nối nhịp bờ vui”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast