Nỗi niềm nghề “nuôi bọt nước”

Người ta vẫn gọi nghề nuôi trồng thủy sản là nghề “nuôi bọt nước”, bởi lẽ từ trắng tay trở thành tỷ phú, từ tỷ phú lại hóa ra trắng tay là câu chuyện muôn thuở của cái nghiệp “đánh bạc với trời này”. Bao nhiêu công sức đổ ra tưởng chừng được đền đáp khi ngày thu hoạch cận kề thì “cơn ác mộng” lũ lịch sử kéo đến, cuốn băng cả cơ nghiệp xuống sông xuống biển. Một lần nữa những người “nuôi bọt nước” lại rơi vào cảnh lao đao, khốn cùng…

Mất trắng sau một đêm…

Can Lộc được coi là một trong những vựa cá của tỉnh với diện tích nuôi trồng là 750 ha, trong đó có Trại cá giống Tiến Lộc, một đầu mối cung cấp nguồn giống khá lớn. Cho đến bây giờ, khi cơn lũ lịch sử đã đi qua hơn nửa tháng, không khí vẫn vắng vẻ, đìu hiu. Trên những khuôn mặt đã nhiều kham khổ của cái nghề nhiều giông bão lại càng thất thần, tiều tụy vì “cơn ác mộng” vừa qua.

Vợ chồng anh Lĩnh (Tiến Lộc - Can Lộc) đang cố vét những con ốc còn sót lại trong ao cá sau mùa lũ
Vợ chồng anh Lĩnh (Tiến Lộc - Can Lộc) đang cố vét những con ốc còn sót lại trong ao cá sau mùa lũ

Để phát triển quy mô sản xuất, vợ chồng anh Trần Tiến ở xóm 11, xã Vượng Lộc đã đổ không ít tiền để nâng cấp, cải tạo ao hồ trở thành trang trại vào loại lớn trong vùng với 1 ha nuôi cá nước ngọt. Trung bình mỗi năm các giống cá mè, trôi, chép, rô phi đưa lại cho gia đình anh từ 60 - 70 triệu đồng. Chưa kịp mừng vì con đường làm giàu hé mở thì chỉ sau một đêm, cả chục triệu đồng tiền mua cá giống thả từ đầu vụ đã trôi theo dòng nước lũ.

Anh Tiến chia sẻ: “Nhiều năm làm nghề này, trải qua biết bao thăng trầm nhưng tôi chưa từng bị rơi vào cảnh khốn cùng như bây giờ. Chỉ mấy ngày nữa là đến mùa thu hoạch thì lũ đến, tôi đã đăng lưới bảo vệ nhưng nước lên cả đêm, nhanh và chảy xiết nên chẳng vớt vát được đồng tiền vốn nào. Trong hồ có những con cá mè nặng đến 5-6 kg rồi chị ạ. Đứng nhìn tiền của bị cuốn trôi, xót xa lắm!”. Đó là chưa kể hệ thống ao nuôi cũng bị nước lũ tàn phá nặng nề, tính ra, anh chị bị thiệt hại trên 50 triệu đồng.

Đồng cảnh ngộ, vợ chồng anh Lĩnh, công nhân Trại nuôi cá giống Tiến Lộc cũng đau đớn khi nghĩ đến hồ nuôi trống rỗng của nhà mình. Nhận khoán từ Trại cá giống Tiến Lộc 1,2 mẫu, nghề nuôi cá giống mang lại nguồn thu nhập chủ yếu của cả hai vợ chồng từ nhiều năm nay. Mỗi năm trừ các chi phí, anh chị còn thu lãi trên 20 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến, vợ chồng anh đang bơm nước để cải tạo hồ, những gì còn sót lại sau cơn lũ chỉ toàn rong rêu, rác rưởi và loài ốc sắt nhỏ li ti nằm lẫn lộn trong lớp bùn đất nhão nhoét.

Vừa nhặt nhạnh những thứ còn sót lại vào xô để bán lấy chút tiền, anh Lĩnh vừa nói trong chua xót: “Đấy, chị xem, thành quả của một mùa nuôi chỉ còn lại chừng ấy ốc. Định xong vụ này tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng, ai ngờ 5 tạ cá mà bây giờ không còn thấy một bóng đớp nào. Giờ nợ lại chồng nợ, có muốn đầu tư lại cũng hết tiền rồi”. Theo lời anh kể, ở trại cá này chưa bao giờ có trận lụt lớn đến vậy, nhà nào cũng mất trắng chỉ sau một đêm. Cá từ hồ tràn ra đặc nước, thậm chí “chiếm” cả QL1A đoạn đi qua trại cá.

Tại Thạch Hà, ông Trần Xuân Hòa - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “NTTS là một trong những thế mạnh của địa phương, mỗi năm ngành NTTS thu về cho ngân sách hàng trăm triệu đồng. Tất cả 870 ha với hơn 315 tấn thủy sản ngọt và mặn lợ đều bị tràn bờ sau hai trận lũ khủng khiếp. Hàng trăm hộ nuôi phải “khóc ròng” vì trở thành tay trắng, có người lỗ đến 500-600 triệu đồng”.

Hai trận lũ lịch sử trong tháng 10 đã gần như “xóa sổ” toàn bộ diện tích NTTS trên toàn tỉnh. Có đến 4.593,5 ha nuôi trồng bị ngập lụt, trong đó: nuôi cá nước ngọt là 3.567 ha với 2.528 tấn, trong đó hàng triệu giống tôm, cá các loại; 1.026 ha mặn lợ với 519,2 tấn. Mưa lũ cũng cuốn trôi gần 30 lồng nuôi. Nặng nề nhất là các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… ước tính, thiệt hại về ngành NTTS trên 93 tỷ đồng.

Khó khăn về nguồn giống và vốn đầu tư

Đó là khẳng định của nhiều hộ nuôi trên toàn tỉnh. Mặc dù thời tiết nắng ấm trở lại, nhiều hộ nuôi đã tiến hành cải tạo ao hồ, gia cố lại bờ bao nhưng hiện hồ ao vẫn đành ngâm chờ vì chưa có cá giống. Anh Nguyễn Danh Nghệ - Trại trưởng Trại cá giống Tiến Lộc cho biết: “Chúng tôi có 40 ao nuôi với 12,7 ha, mỗi năm trại cá cung ứng cho thị trường khoảng 15-18 tấn cá giống và 1,5 tấn cá hương. Sau trận lụt, ao đã trống không, chẳng còn gì nữa. Hồ không thể để không, chúng tôi đang liên hệ mua cá giống ở một số tỉnh miền Bắc nhằm gây lại đàn cá giống, cung ứng kịp thời cho bà con nhưng chắc chắn lượng giống năm nay sẽ khan hiếm và có nhiều khả năng bị đội giá”.

Đợt lũ vừa qua, ao cá giống của gia đình ông Nguyễn Đình Tuyết (phường Trần Phú - TP Hà Tĩnh) cũng có chung “số phận” khi gần 3.000m2 với 6 tạ cá thịt, 400 kg cá giống gần như mất trắng. Ông chia sẻ: “Tuy có chủ động được một số lượng giống để cung ứng cho thị trường nhưng sau lũ lụt, cơ sở của tôi vẫn chưa vực lại được khả năng cung cấp giống như trước. Trước mắt, tôi chỉ cải tạo hồ nuôi, tìm nguồn giống ương lại để chuẩn bị cho vụ nuôi sau chứ vụ này thì không kịp nữa”.

Ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục NTTS Hà Tĩnh cho biết: “Do thời tiết từ nay đến cuối năm không thuận lợi cho NTTS, nên chúng tôi khuyến cáo người dân tập trung vệ sinh, cải tạo lại ao nuôi, ai còn sót lại cá thì tiếp tục nuôi vỗ chờ bán vào dịp tết. ở các ao sâu, ít rét thì chỉ nên thả lại những giống cá lớn từ 10-15 con/kg. Đối với tôm thẻ chân trắng thì không nên thả lại”.

Cũng theo ông Hoàng, vấn đề nan giải nhất bây giờ là nguồn giống vì không chỉ riêng tỉnh ta mà các đầu mối cung ứng giống lân cận như: Nghệ An, Quảng Bình cũng bị thiệt hại. Thêm vào đó, người dân vẫn chưa thể lấy lại được cân bằng sau những mất mát do lũ gây ra, trong khi đầu tư cho NTTS lại đòi hỏi một nguồn vốn lớn. Để có số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng gây dựng lại cơ nghiệp là một điều không hề dễ dàng đối với người NTTS hiện nay.

Khó lòng “với tới” chính sách hỗ trợ…

Chi cục trưởng Chi cục NTTS Hà Tĩnh khẳng định: “Chỉ trừ một số ít doanh nghiệp và trang trại lớn thì quy mô NTTS của tỉnh ta vẫn nhỏ và manh mún, nuôi theo hộ gia đình là chủ yếu. Nếu theo những tiêu chí trên thì chỉ có các trang trại lớn và doanh nghiệp mới được hỗ trợ, còn người nông dân nghèo thì hầu như không mấy ai có diện tích nuôi trồng đạt 2 ha”.

Theo Quyết định 3092/QĐ-UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ thủy sản sau lũ lụt quy định rõ: các hộ nuôi có quy mô từ 2 ha trở lên bị thiệt hại 70% trở lên hỗ trợ 3 triệu đồng/ha (tối đa không quá 10 triệu đồng). Như vậy, điều kiện cần và đủ để các hộ NTTS được hỗ trợ là sản lượng bị thiệt hại không dưới 70% và diện tích nuôi trồng không nhỏ hơn 2 ha. Dẫu biết rằng rất khó để giải quyết được một cách thỏa đáng các chính sách hỗ trợ liên quan đến NTTS, song, có một thực tế khá “chênh” đang tồn tại đó là những đối tượng cần được hỗ trợ lại khó lòng “với tới” những tiêu chí đã đề ra.

NTTS không chỉ là nghề nhiều mạo hiểm mà còn đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và thời gian thu lãi khá. Trong khi các chủ nuôi lớn dù mất mát nhưng “lực” vẫn đủ mạnh để tìm nguồn vốn “quay đầu”; còn người nông dân phải đổ cả gia sản đầu tư cho hồ nuôi và đó cũng chính là nguồn kinh tế chủ lực của gia đình. Trong lúc này, họ rất cần sự tiếp sức từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh để vượt qua khó khăn, làm lại từ đầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast