Nỗi niềm Sơn Hồng

Sau đợt truy quét, thu giữ trên 40 m3 gỗ ở xã Sơn Hồng (Hương Sơn), chúng tôi đã có chuyến vượt rừng lên Sơn Hồng để nắm lại tình hình nơi đây. Hiện tại, chính quyền và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt nên nên nạn phá rừng đã bị chặn đứng; khắp những đường thôn và đường chính của tuyến Tây –Lĩnh - Hồng, không hề có dấu vết của gỗ lậu. Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển rừng được bền vững ở xã biên giới nghèo khó có đến trên 4.000 nhân khẩu vốn sống dựa vào rừng xưa nay như Sơn Hồng, quả thật đang là một bài toán đau đầu cho huyện, xã.

Đường về Sơn Hồng. Ảnh: TL
Đường về Sơn Hồng. Ảnh: TL

Nổi niềm Sơn Hồng!

Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Duy Trinh cho biết: Sau khi phát hiện, thu giữ trên 40 m3 gỗ tạp phi ở khu vực Sơn Hồng, chúng tôi đã kịp thời lên phương án tiếp tục giữ rừng bằng mọi biện pháp như rà soát, đóng cửa tất cả xưởng xẻ gỗ không có giấy phép; theo dõi quản lý đầu vào tại các xưởng cưa đang hoạt động; hạn chế tối đa việc cho dân vào rừng, tịch thu các phương tiện phá rừng; thành lập thêm một số trạm bảo vệ rừng và tổ chức trực 24/24 giờ để ngăn chặn lâm tặc…

Khai thác gỗ lậu từng là vấn nạn ở Sơn Hồng
Khai thác gỗ lậu từng là vấn nạn ở Sơn Hồng

Dù biết người dân ven rừng còn gặp nhiều khó khăn nhưng hễ thấy vận chuyển gỗ trái phép là bắt ngay, cho dù chỉ một vài mẫu gỗ nhỏ lẻ. Nhờ vậy, hiện nay tình trạng phá rừng đã hoàn toàn được chấm dứt. Tuy nhiên, ở xã miền núi biên giới đất nông nghiệp ít ỏi như Sơn Hồng, để giải quyết công ăn việc làm bền vững cho trên 1.000 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu để người dân khỏi phá rừng là bài toán khó mà bản thân huyện, xã chưa thể giải được. Mặc dù chúng tôi đã đề ra hướng giải pháp giúp dân như phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng… nhưng còn nan giải về vốn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của cấp trên bằng các chương trình dự án nhằm giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nhân dân, góp phần nâng cao đời sống cũng như để bảo vệ, phát triển rừng một cách bền vững…”.

Trong vai những người đi mua gỗ, chúng tôi đi khắp Sơn Hồng, nhưng quả thật, đúng như lời Chủ tịch Nguyễn Duy Trinh trao đổi, những nơi chúng tôi đến, không hề có bất kỳ thanh gỗ nào. Gặp một “lâm tặc” đang trên đà giải nghệ, chúng tôi dò la mua mấy bộ chân ghế, gã nói: “Trước đây, các bác lên thì em có thể thu xếp được ít nhiều, nhưng thời gian này kiểm lâm, Biên phòng và chính quyền họ làm gắt gao quá nên không ai vào rừng được. Nghề gỗ mấy lâu nay coi như tịt. Bây giờ, người dân chỉ vào rừng chặt nứa, chặt giang bán kiếm tiền mua gạo thôi”.

Chủ tịch UBND xã Sơn Hồng Đoàn Anh Thân nói: Dân Sơn Hồng xưa nay sống chủ yếu dựa vào rừng bởi đất sản xuất nông nghiệp quá ít, trung bình mỗi khẩu chưa đầy 300m2, và ruộng đất đồi núi nên năng suất rất thấp. Nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ đủ ăn dăm tháng nên họ buộc phải vào rừng để kiếm gạo cho các tháng còn lại. Thời gian gần đây chúng tôi làm căng, gỗ lớn không thể khai thác vận chuyển được, nên một số lâm tặc lén lút chặt những cây lim nhỏ, đẽo vuông vắn, cắt ngắn gọn (dùng để làm các loại chân bàn, ghế, tủ…-PV) để dễ bề vận chuyển. Nếu trót lọt, một bộ chân bàn, chân tủ ấy cũng có vài ba trăm ngàn- số tiền khá lớn đối với dân nghèo nơi đây. Khi cuộc sống của người dân ven rừng quá khó khăn thì áp lực đối với việc bảo vệ rừng càng thêm nặng…”.

Và giải pháp...

Khi được hỏi, giải pháp nào để vừa ngăn chặn được tình trạng dân xâm hại rừng, vừa phát triển kinh tế bền vững cho dân, ông Thân khẳng định: “Tiềm năng của Sơn Hồng không phải là không có nhưng vấn đề là phải có vốn, có dự án. Nếu nhà nước đầu tư vốn thì nhân dân chúng tôi có thể phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như phát triển nghề chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu, cây ăn quả, cây cao su… Đặc biệt, hiện nay ở Sơn Hồng đã có nông trường trồng cao su của Công ty cao su Hương Khê, đây là tín hiệu đáng mừng cho chúng tôi bởi tuy mới thành lập hơn một năm nhưng dự án này đã thu hút hàng trăm lao động là con em địa phương có việc làm ổn định. Ngoài dự án cao su, chúng tôi còn đón nhận thêm được dự án nhỏ trồng rừng theo nguồn vốn 147 cho gần 100 hộ tham gia. Bình quân mỗi hộ được hưởng lợi từ dự án này có gần 1ha keo, đang phát triển tốt. Nếu các dự chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng… được đầu tư thì đời sống nhân dân chúng tôi mới cải thiện được; lúc đó, rừng cũng sẽ được bảo vệ, phát triển bền vững”.

Rừng Sơn Hồng lại thắm xanh đầy sức vẫy gọi
Rừng Sơn Hồng lại thắm xanh đầy sức vẫy gọi

Một nông dân ở thôn 14 nói: “Thôn chúng tôi gồm 46 hộ nhưng chỉ có 6 hộ có một ít diện tích ruộng, còn lại 40 hộ khác không hề có tấc đất tấc ruộng nào cả nên đời sống vô cùng khó khăn. Vì thế, chúng tôi buộc phải vào rừng. Có vào rừng thì mới có tiền mua gạo nuôi sống gia đình. Thế nhưng thời gian này, tỉnh, huyện, xã cấm triệt để không cho dân chúng tôi vào rừng nữa nên nhiều gia đình trở nên khốn đốn. Tôi nghe thông tin, tới đây Nhà nớưc sẽ cho dân tiền để trồng cam bù, phát triển chăn nuôi nhưng không biết đến bao giờ mới có. Chúng tôi rất mong sớm có các dự án để chúng tôi có cái mà sống. Khi các dự án sản xuất, chăn nuôi được đầu tư, dân chúng tôi có việc làm, có thu nhập thì cũng chẳng dại gì mà lén lút chặt phá rừng mà làm gì”.

Những mầm cao su chở mang niềm hy vọng thoát nghèo của người dân Sơn Hồng
Những mầm cao su chở mang niềm hy vọng thoát nghèo của người dân Sơn Hồng

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hồng, Phạm Ngọc Anh tâm sự: “Nói thực ra, tiềm năng để phát triển kinh tế của xã Sơn Hồng không phải không có nhưng tiềm năng chưa được đầu tư để đánh thức. Có dự án, trên đất này có thể trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi bò, nuôi lợn… Đất Sơn Hồng có thể làm được nhiều dự án lắm. Ví dụ như dự án trồng cao su của Công ty cao su Hương Khê, tuy mới vào đầu tư nhưng đã triễn vọng trông thấy. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay, Nông trường cao su Sơn Hồng đã trồng mới được 180 ha, và theo kế hoạch, hết năm nay sẽ nâng tổng diện tích lên 300 ha; giải quyết công ăn việc làm, có thu nhập khá cho gần 300 lao động địa phương, trong đó hơn 100 người đã trở thành công nhân của Công ty nên chúng tôi rất phấn khởi. Nếu tiếp tục được đầu tư thực hiện theo quy hoạch thì trên đất Sơn Hồng sẽ phát triển được 1.700 ha cao su đại điền cùng với 1.927 ha cao su tiểu điền, nâng tổng số diện tích cao su trên địa bàn lên gần 4.000ha. Lúc đó, cuộc sống của người dân chúng tôi sẽ có sự đổi thay lớn.

Rời Sơn Hồng khi những tia nắng cuối chiều như mật dát vàng trên những đồi cao su đang sức vươn mơn mỡn, bổng dưng trong tôi chợt dâng lên một niềm vui là lạ khi nghĩ đến và tin rằng các dự án sẽ được đầu tư vào nơi đây trong thời gian tới để giúp Sơn Hồng đánh thức tiềm năng, phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, bảo vệ vùng biên của tổ quốc được yên bình, vững chắc…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast