Nông nghiệp sạch, hướng phát triển bền vững

Chuyển từ một nền nông nghiệp lạc hậu sang một nền nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, đảm bảo yếu tố môi sinh, môi trường là một lựa chọn tất yếu để đưa nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, góp phần, xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu có tính chiến lược này đang được tỉnh tập trung thực hiện bằng việc hợp tác với Đài Loan - vùng lãnh thổ có nền KHKT nông nghiệp tiên tiến để đi tắt đón đầu, ứng dụng khoa học công nghệ, tiền vốn và phương thức sản xuất hiện đại…

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng đoàn Công ty Việt Mỹ và chuyên gia Đài Loan khảo sát vùng trồng rau an toàn ở xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh)
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng đoàn Công ty Việt Mỹ và chuyên gia Đài Loan khảo sát

vùng trồng rau an toàn ở xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh)

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp lớn trong cơ cấu kinh tế. Với tập quán sản xuất lạc hậu, tùy tiện, không tuân thủ nguyên tắc ứng xử với thiên nhiên, qua thời gian đã dần làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất, thậm chí đất đai, không khí và nguồn nước còn bị ngộ độc nghiêm trong bởi sự bồi lắng của các loại thuốc BVTV nguồn gốc hóa học có độc tính cao.

Theo đó, các loại nông sản cũng bị nhiễm độc, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người; không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu. Nông nghiệp sạch mà chúng ta đang từng bước tiếp cận là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, đảm bảo tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người.

Đài Loan là một vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển cao, trình độ KHKT công nghệ hiện đại và đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đã và đang triển khai đầu tư nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh ta… Với những điều kiện thuận lợi đó, tỉnh ta đã tổ chức đoàn công tác gồm lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT, một số ngành cấp tỉnh và các huyện, thị, các địa phương cơ sở do đồng chí Phó chủ tịch tỉnh Lê Đình Sơn dẫn đầu đi tham quan, học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự hợp tác đầu tư từ phía bạn.

Ngay sau hội nghị giới thiệu tiềm năng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Hà Tĩnh, đoàn chuyên gia Đài loan và đoàn công tác của tỉnh ta do Sở NN&PTNT chủ trì đã tiến hành khảo sát tại các vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi trong xây dựng mô hình điểm ở một số địa phương trong tỉnh.

Xã Đức La (Đức Thọ), một trong những địa phương có tiềm năng phát triển vùng rau sạch với quy mô lớn.
Xã Đức La (Đức Thọ), một trong những địa phương có tiềm năng phát triển vùng rau sạch với quy mô lớn.

Bước đầu, hai bên đã thống nhất một số dự án đầu tư như: Xây dựng nhà máy chế biến rác thải và sản xuất phân bón với mặt bằng khoảng 15 ha; xây dựng nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh từ than bùn; nhà máy thu mua, gia công và xuất khẩu gạo; sản xuất rau quả công nghệ cao tại 2 huyện Kỳ Anh và Can Lộc; trồng 1.000 ha rừng cây xoan đâu để lấy lá và quả chiết xuất thành thuốc BVTV sinh học. Hiện cả hai bên đang khẩn trương tiến hành các phần việc của mình để triển khai các dự án trong thời gian sớm nhất.

Theo đồng chí Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh thì điều thuận lợi nhất, đó là Hà Tĩnh và Đài loan có sự tương đồng rõ rệt về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, dẫn đến sự tương đồng về các chủng loại cây trồng, vật nuôi và sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nguồn lao động nông thôn dồi dào, được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức trong sản xuất kinh doanh, cũng là một thế mạnh quan trọng để chúng ta thực hiện đúng định hướng trong quá trình hợp tác.

Bên cạnh đó chúng ta cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế không nhỏ khi so sánh với điều kiện sản xuất của Đài loan. Đó là, về tập quán và phương thức canh tác, nước bạn là một trong những quốc gia có nền KHCN tiên tiến, phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại vào loại bậc nhất thế giới; 100% lượng phân bón trong đất là phân hữu cơ vi sinh. Vì vậy độ phì trong đất cao, đảm bảo yếu tố tái sản xuất của đất; môi trường trong sạch…

Về cơ chế đối với sản xuất nông nghiệp, bạn có sự quan tâm đặc biệt đến phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường; đầu tư thích đáng cho hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; có chính kích thích sản xuất sách hợp lý, đảm bảo cho người nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình, từ đó có trách nhiệm đối với đời sống cộng đồng.

Vì vậy, chỉ với 02% số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp, Đài Loan vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước và còn có xuất khẩu. Trong khi đó Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, tất cả các yếu tố nói trên đều chưa đáp ứng, đặc biệt điều đáng quan ngại nhất, đó là đất đai và nguồn nước hầu hết bị nhiễm độc nghiêm trọng, khó có thể khắc phục được trong một sớm một chiều.

Mặc dù vậy, đây vẫn là một bước khởi động hết sức quan trọng, xuất phát từ sự trăn trở bấy lâu nay của các đồng chí lãnh đạo tỉnh về một cuộc cách mạng làm thay đổi phương thức sản xuất từ một nền nông nghiệp lạc hậu, kém hiệu quả sang một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, làm nền tảng để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân.

Đồng chí Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh đã coi đây là một “cú hích”, một sự bứt phá quan trọng để tiến hành tái cấu trúc lại nền nông nghiệp của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm và triển khai kịp thời việc xúc tiến các phần việc của địa phương.

Hồ chứa nước Sông Trí và hệ thống hồ đập ở Kỳ Anh được coi là yếu tố có vai trò quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án

Hồ chứa nước Sông Trí và hệ thống hồ đập ở Kỳ Anh được coi là yếu tố có vai trò quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương cơ sở được chọn làm điểm xây dựng các mô hình dự án, cần dồn hết tâm sức và trí tuệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư xúc tiến triển khai các dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Đối với Sở NN&PTNT - ngành chủ quản, thành lập ngay ban công tác do đồng chí Giám đốc sở làm Trưởng ban, đồng chí Phó giám đốc làm Phó ban trực, chịu trách nhiệm chính trong giám sát, chỉ đạo thực hiện từ nay đến khi các dự án đạt hiệu quả.

Đối với nhà đầu tư, cần có chương trình, kế hoạch cụ thể để huy động các nguồn lực, dồn sức triển khai các dự án. Thường xuyên phối hợp với ngành chủ quản trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần báo cáo, đề xuất để giải quyết kịp thời. Thực hiện tốt chế độ giao ban, báo cáo hàng tuần, giữa tháng và hàng quý để lãnh đạo tỉnh nắm bắt thông tin và có định hướng chỉ đạo.

Cuộc “cách mạng xanh” này có thành công hay không, tất cả đang được hứa hẹn từ chính sức lực và trí tuệ, niềm tin và trách nhiệm của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast