Phát triển cao su tiểu điền bền vững gắn với an sinh xã hội

Những năm qua, chủ trương phát triển cây cao su của Hà Tĩnh đã mang lại những kết quả rõ nét. Triển vọng của loại cây công nghiệp mũi nhọn này tiếp tục được thức dậy mạnh mẽ khi tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển cao sau tiểu điền (CSTĐ) với mục tiêu gắn hiệu quả kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội.

Sau 14 năm triển khai thực hiện trồng cây cao su trên đất Hà Tĩnh thông qua 2 Công ty nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, đến nay, diện tích cao su đại điền (CSĐĐ) đạt 8.378 ha. Qua theo dõi cho thấy, cây cao su sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây trồng khác trên đất Hà Tĩnh. Năm 2010, doanh thu từ cao su trên diện tích 1.891 ha đạt 108 tỷ đồng, lợi nhuận 32 tỷ đồng.

Lãnh đạo một số cơ quan hữu quan chứng kiến công nhân Công ty Cao su Truông Bát cạo mủ
Lãnh đạo một số cơ quan hữu quan chứng kiến công nhân Công ty Cao su Truông Bát cạo mủ

Tuy nhiên, diện tích trồng cao su trên địa bàn hiện còn khiêm tốn so với tiềm năng quỹ đất của tỉnh. Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có trên 171.000 ha đất lâm nghiệp quy hoạch rừng sản xuất, trong đó có trên 39.000 ha do UBND xã quản lý, 32.00 ha do hộ gia đình quản lý và sử dụng.

Nhằm phát huy lợi thế về đất đai, lao động của tỉnh và thế mạnh của cây cao su, song song với phát triển cây CSĐĐ, UBND tỉnh đã có định hướng đẩy mạnh phát triển CSTĐ để GQVL, tăng thu nhập cho bà con nông dân; gắn lợi ích kinh tế hộ với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong quy hoạch phát triển cao su của tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2010 – 2020 thì diện tích phát triển CSTĐ được quy hoạch khoảng 10.000 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc và một số diện tích ở Cẩm Xuyên.

Từ cuối năm 2009, được sự đồng ý của Tập đoàn Cao su Việt Nam về chủ trương cho Công ty Cao su Hà Tĩnh và Công ty Cao su Hương Khê liên kết trồng cao su với các hộ dân địa phương với phương thức người dân góp đất, công ty đầu tư toàn bộ và hưởng lợi theo tỷ lệ 20/80. Công ty góp vốn 100% trong cả chu kỳ kinh doanh cây cao su (bao gồm: khai hoang, trồng mới, chăm sóc, khai thác, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm). Công ty có trách nhiệm tuyển dụng con em trong độ tuổi lao động để sản xuất trên diện tích góp đất và được hưởng chế độ như công nhân lao động nhà nước. Nếu quá tuổi lao động, công ty tiếp tục khoán cho các hộ nếu có nhu cầu nhận trồng, chăm sóc, khai thác chế biến cao su.

Thực hiện chủ trương trên, Công ty Cao su Hà Tĩnh đã liên kết trồng 200 ha với các hộ dân vùng trà sơn (Can Lộc) và 500 ha với các hộ dân huyện Hương Sơn. Công ty Cao su Hương Khê đã được thuê 829 ha đất rừng trồng tại xã Sơn Hồng (Hương Sơn) để trồng cây cao su; đến nay, đã thành lập nông trường tại xã Sơn Hồng và thực hiện trồng 70 ha.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh ra quân trồng cao su.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh ra quân trồng cao su.

Mặc dù việc liên kết giữa các công ty cao su với các hộ dân để phát triển CSTĐ mới chỉ trong giai đoạn ban đầu nhưng đã cho thấy tính hiệu quả của nó. Người dân có việc làm, thu nhập ổn định. Công ty vừa mở rộng diện tích, vừa giải quyết khó khăn quĩ đất trồng cao su. Với cách làm này, các hộ dân được tham gia thực hiện và quản lý dự án, đồng thời tạo động lực cho CSTĐ phát triển, góp phần định hình diện tích cao su theo định hướng quy hoạch của tỉnh.

Ông Hán Duy Anh – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, cho biết: “Từ thực tiễn phát triển cây cao su lâu nay và qua học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, cho thấy, để đảm bảo tính bền vững và an sinh xã hội, chúng ta cần bố trí quy hoạch phát triển CSĐĐ và tiểu điền với tỷ lệ cân đối, nhằm tạo sự hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau. Vấn đề quan trọng hiện nay cần tiến hành là rà soát quĩ đất tới tận thôn, xã để có cơ sở xây dựng đề án phát triển CSTĐ tại địa phương, phát huy giá trị tư liệu sản xuất đặc biệt này trong phát triển KT-XH”.

Cây cao su có vòng đời 25-27 năm. Sau khi trồng 6-7 năm sẽ cho khai thác mủ với năng suất bình quân từ 1,5-2 tấn/ha. Sau 25 năm khai thác, gỗ cao su được sử dụng làm các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Khối lượng gỗ từ 90-120 m3/ha. Năm 2010, giá mủ cao su bình quân 50 triệu đồng/tấn; giá gỗ bình quân 1,2 triệu đồng/m3. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận bình quân trên 1ha cao su là 17,6 triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Anh, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là động lực lớn để thúc đẩy phát triển cây CSTĐ; song, việc liên kết phải thực hiện trên cơ sở đảm bảo công bằng về lợi ích trước mắt và lâu dài, cần phải đánh giá đúng giá trị của từng loại đất khi tham gia góp vốn.

Để phát triển CSTĐ bền vững gắn với an sinh xã hội, đòi hỏi các cấp, ngành, trong đó có vai trò của chính quyền cơ sở ở Hà Tĩnh cần hành động quyết liệt, làm tốt chức năng quản lý nhà nước, đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp gắn với tổ chức thực hiện đúng trình tự, bước đi tạo niềm tin và ý chí quyết tâm XĐGN từ tiềm năng quĩ đất trong mỗi địa phương, đơn vị cũng như hộ gia đình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast