Phát triển cao su tiểu điền trên đất Hà Tĩnh

Cây cao su bén duyên và đạt những kết quả bước đầu trên đất Hà Tĩnh là một thành công lớn trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, phát triển cao su tiểu điền, một yếu tố đảm bảo tính bền vững lại chưa được đầu tư thích đáng. Đẩy mạnh phát triển cao su tiểu điền, đưa diện tích cao su đại điền và tiểu điền đạt tỷ lệ cân đối là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong thời gian tới.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Hà Tĩnh có trên 170 ngàn ha đất lâm nghiệp đã được quy hoạch sản xuất, đây là nguồn lợi rất lớn trong phát triển cây công nghiệp từ vốn rừng. Sau nhiều trăn trở tìm hướng đi cho ngành lâm nghiệp và người dân làm nghề rừng vốn đang loay hoay với bài toán khai thác tiềm năng, năm 1997, những cây cao su đầu tiên chính thức được bén rễ trên đất rừng tỉnh ta do Lâm trường Truông Bát, tiền thân của Công ty TNHH Một thành viên cao su Hà Tĩnh đưa vào trồng thử nghiệm.

Bên cạnh cao su đại điền, cần đẩy mạnh phát triển tương xứng cao su tiểu điền
Bên cạnh cao su đại điền, cần đẩy mạnh phát triển tương xứng cao su tiểu điền

Đến cuối năm 2010, diện tích cao su đã phát triển lên 8.400 ha, với 3 đơn vị chủ trì thực hiện: Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê và Tổng đội TNXP - XDVKTM Phúc Trạch. Trong số đó có gần 2.000 ha đã và đang được khai thác với năng suất khá cao.

Sau 14 năm triển khai đã khẳng định, cây cao su hoàn toàn thích nghi được với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt hiệu quả kinh tế thu được cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Một hạn chế trong phát triển cây cao su ở tỉnh ta, đó là thực trạng thiếu cân bằng giữa diện tích cao su đại điền và cao su tiểu điền, một trong những yếu tố quyết định tính bền vững cho quy trình sản xuất cao su dựa trên nền tảng đảm bảo an sinh xã hội.

Trong số trên 170.000 ha đất lâm nghiệp thì có 39.000 ha do UBND xã quản lý và 32.000 ha do hộ gia đình quản lý, trong đó có gần một nửa đủ điều kiện để phát triển cao su tiểu điền. Vậy nhưng, đến nay, diện tích cao su tiểu điền toàn tỉnh mới chỉ có 180 ha, bằng 2% tổng diện tích cao su, phân bố rải rác trên địa bàn các huyện Can Lộc, Hương Sơn và Vũ Quang.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình có 8.600 ha cao su tiểu điền trên tổng diện tích cao su 16.600 ha, chiếm 52%; tỉnh Quảng Trị có 12.300 ha cao su tiểu điền trên tổng diện tích cao su 16.300 ha, chiếm 75%.

Đáng chú ý là điều kiện tự nhiên của các địa phương này gần như tương đồng với địa bàn Hà Tĩnh. Cao su tiểu điền không phát triển, dẫn đến tình trạng người nông dân, ngoài một số đầu quân vào các công ty cao su làm công ăn lương, thì bị thất nghiệp trong khi vườn nhà bỏ hoang, hoặc phải làm thuê ngay trên chính đất đai của mình.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Thực tế cho thấy, phát triển diện tích cao su tiểu điền là một yêu cầu khách quan để đảm bảo tính bền vững và an sinh xã hội, khai thác tối đa tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị thu nhập và xuất khẩu hàng hóa nông - lâm sản, đảm bảo cho người dân tham gia trồng cao su được hưởng quyền lợi tối đa. Tuy nhiên, để tạo được một bước chuyển biến tích cực trong phát triển cao su tiểu điền cho những năm tới, sẽ còn gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, đó là, người dân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư phát triển cây cao su hộ gia đình do thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, trong khi đó đầu tư ban đầu cho cây cao su đòi hỏi phải có số vốn lớn, yêu cầu kỹ thuật thâm canh cao lại thường gặp rủi ro.

Thứ hai là các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Cao su chưa thực sự quan tâm và chưa có bước đi thích hợp, cụ thể cho phát triển cao su tiểu điền. Phần lớn diện tích trồng cao su tiểu điền là ở vườn hộ nên thường nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng còn yếu kém gây trở ngại trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Những khu vườn rừng này là nguồn tư liệu quý giá để phát triển cao su tiểu điền
Những khu vườn rừng này là nguồn tư liệu quý giá để phát triển cao su tiểu điền

Nhiều diện tích vườn hộ đã trồng các loại cây nguyên liệu chưa đến thời điểm thu hoạch nên chưa thể chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cao su. Còn nhiều những khó khăn khác như: việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng; nhiều diện tích đất rừng chưa được cấp bìa đỏ.

Ông Trần Đức Lộc ở xã Thường Nga (Can Lộc) cho biết, hiện gia đình ông liên kết với Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh trồng 5 ha cao su tiểu điền. Ngoài số vốn liên kết của Công ty, gia đình đang cần một số vốn khá lớn để đầu tư mở rộng diện tích và chăm sóc cao su, nhưng hiện vẫn chưa được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng.

Còn ông Trần Xuân Hương ở xã Sơn Thủy (Hương Sơn) kiến nghị, để có thu nhập từ cây cao su, kể từ khi trồng phải mất 7 năm. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn dài hạn cho người dân, ít nhất là trong vòng 7 năm. Đối với những diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần phải giải quyết sớm để bà con yên tâm đầu tư sản xuất…

Đây cũng là tâm tư của nhiều hộ dân đã, đang và sẽ tham gia liên kết phát triển cao su tiểu điền. Tất cả những khó khăn này, nếu không kịp thời giải quyết thì chủ trương của tỉnh về phát triển cao su tiểu điền sẽ khó thực hiện đúng yêu cầu.

Tại Hội thảo “Phát triển cao su tiểu điền Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2020”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc phát triển ngành cao su nói chung và cao su tiểu điền nói riêng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều giải pháp, bên cạnh phát triển cao su đại điền, phải có chiến lược mở rộng diện tích cao su tiểu điền, để ít nhất diện tích cao su tiểu điền cũng phải tương đương với diện tích cao su đại điền, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Muốn thực hiện được mục tiêu đó, cần phải có những giải pháp và bước đi đồng bộ, quyết liệt. Các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan từ tỉnh đến cơ sở cần nghiên cứu và thống nhất các chủ trương, chính sách và định hướng phát triển trong “Đề dẫn về định hướng, giải pháp phát triển cao su tiểu điền tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2020”. Coi việc phát triển cao su tiểu điền là một giải pháp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các địa phương, các đơn vị chủ rừng có quy hoạch phát triển cây cao su và các hộ dân trồng cao su khi thực hiện phát triển cao su tiểu điền cần đảm bảo các quy định về phát triển cao su trên đất lâm nghiệp và các quy định khác về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Cần phải có sự rà soát và tổ chức quy hoạch chi tiết, có chiến lược sử dụng đất hợp lý. Làm tốt chức năng quản lý nhà nước; có cơ chế, chính sách phù hợp gắn với tổ chức thực hiện đúng quy trình, bước đi, tạo được niềm tin và ý chí quyết tâm của người dân trong đổi mới cách nghĩ cách làm, xóa đói giảm nghèo từ tiềm năng đất đai của địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast