Phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nông nghiệp

Sáng 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chủ trì buổi làm việc với Sở NN&PTNT về quy hoạch sản phẩm hàng hóa chủ lực và tổ chức bộ máy. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Minh Kỳ, Lê Đình Sơn và Nguyễn Nhật.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường thì việc xác định các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Với các tiêu chí đặt ra, danh mục các sản phẩm hàng hóa chủ lực được xác định: lúa hàng hóa; lạc; rau, củ, quả thực phẩm chất lượng cao; bưởi phúc trạch; cam chanh; cao su; gỗ rừng trồng; bò; lợn; hươu; tôm và hải sản đánh bắt xa bờ.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự nhấn mạnh: việc xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm tạo ra vị thế cạnh tranh trên thị trường của nông nghiêp tỉnh nhà
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự nhấn mạnh: việc xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm tạo ra vị thế cạnh tranh trên thị trường của nông nghiêp tỉnh nhà

Mục tiêu phấn đấu đến 2015, giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực ước đạt 1.436 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và đạt 1.925 tỷ đồng trong năm 2020, chiếm 47% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo đó, diện tích trung bình hàng năm từ giai đoạn 2011- 2015 đến giai đoạn 2016- 2020 liên tục tăng nhanh về diện tích, sản lượng và chất lượng.

Trên cơ sở định hướng phân vùng sản xuất, các quy hoạch cho từng sản phẩm, tạo thành bộ quy hoạch về phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực đến tận xã, làm cẩm nang cho điều hành, chỉ đạo phát triển sản xuất. Theo đó, chú trọng nhất là nguồn giông chất lượng, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó ưu tiên du nhập, chọn lọc, khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn hàng hóa và phù hợp với BĐKH. Bên cạnh đó, chú trọng các giải pháp về chuyển đổi ruộng đất; kết cấu hạ tầng; ứng dụng KHCN; đào tạo nguồn lực; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu; chính sách…

Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/2011/NQ- HĐND của HĐND tỉnh về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc sở. Hiện nay, sở có 8 phòng chuyên môn thuộc sở; 9 chi cục; 16 đơn vị sự nghiệp; 10 Ban quản lý dự án chuyên trách và không chuyên trách. Để kiện toàn bộ máy tổ chức, việc sát nhập, giải thể và thành lập mới một số đơn vị trực thuộc sở đã theo đúng lộ trình, một số đơn vị đã trình cấp thẩm quyền thẩm định và tiến tới bàn giao. Các khó khăn trong quá trình triển khai liên quan đến công tác chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ; chính sách; việc quản lý chuyên môn sau phân cấp một số đơn vị về huyện.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự nhấn mạnh: việc xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực trong nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm tạo ra vị thế cạnh tranh trên thị trường của nông nghiêp tỉnh nhà. Đồng thời, đây cũng là hướng đi đúng trong lộ trình tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo chiều sâu, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo đà phát triển KT- XH tỉnh. Vì vậy, việc hoạch định chiến lược cho lộ trình phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa là cơ bản.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cho rằng, bên cạnh quy hoạch cho từng vùng, từng địa phương, ngành chuyên môn cần chọn lựa những sản phẩm tiêu biểu, có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thị trường để kết nối với sản phẩm hàng hóa của cả nước; chú trọng gắn kết giữa sản xuất- chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh cơ chế chính sách, nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Trước hết, quan trọng nhất là phải quan tâm đến nguồn giống, nhất là đối với lúa, lợn, tôm và hươu; nâng cấp, cải tạo, xây mới các nhà máy chế biến. Đối với tổ chức lại bộ máy tổ chức của Sở NN&PTNT phải được thực hiện một cách nghiêm túc, dân chủ theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast