Phòng bệnh trên tôm nuôi: Lo ngay kẻo muộn!

Cục Thú y trung ương vừa thông báo, tình hình dịch bệnh đốm trắng do virus gây ra trên tôm đang diễn ra hết sức phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau) với diện tích thiệt hại trên 2.000 ha...

Vấn đề kỳ này

Tại Hà Tĩnh, hiện đang bước vào thời điểm tập trung thả tôm giống vụ xuân hè (diện tích hơn 2.300 ha, nhu cầu tôm giống khoảng 2 triệu con), trong khi khả năng cung cấp giống tôm tại chỗ hết sức hạn chế (trên 95% nhu cầu con giống phục vụ nuôi thương phẩm phải nhập từ các tỉnh khác về), đó là chưa kể tình trạng cung cấp và sử dụng con giống chưa qua kiểm dịch, giống mang mầm bệnh - một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh, lây lan dịch bệnh tôm trên địa bàn những năm gần đây. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vệ sinh thú y tại các vùng nuôi chưa được quan tâm thực hiện theo quy định. Những hạn chế đó càng cho thấy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi thời gian tới là rất cao.

Do không kiểm soát được con giống nên năm 2011, nhiều đồng tôm ở Nghi Xuân và Kỳ Anh bị dịch đốm trắng gây hại
Do không kiểm soát được con giống nên năm 2011, nhiều đồng tôm ở Nghi Xuân và Kỳ Anh bị dịch đốm trắng gây hại

Nhằm ngăn chặn, không để dịch bệnh trên tôm bùng phát, lây lan trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn cho vụ nuôi tôm xuân hè năm 2012, vấn đề cần quan tâm hiện nay của cấp ủy, chính quyền các huyện ven biển ở Hà Tĩnh như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh là sớm chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương tập trung cao cho công tác phòng chống dịch.

Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình nuôi tôm, sản xuất hay ương dưỡng giống trên địa bàn tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; cung cấp, sử dụng con giống có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch theo quy định; khi có dấu hiệu bệnh phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y; tuyệt đối không được giấu dịch, để dịch lây lan ra diện rộng.

Cùng đó là chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng nuôi đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y trong nuôi tôm theo quy định; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bổ cứu các cơ sở làm chưa tốt, không để sử dụng các loại hóa chất cấm, hóa chất có nguồn gốc bảo vệ thực vật sử dụng trong cải tạo, khử trùng ao nuôi tôm.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong việc xuất nhập và sử dụng con giống trên địa bàn.

Cùng với sự chủ động của các huyện ven biển và thành phố, rất cần ngành chủ quản là Sở NN&PTNT Hà Tĩnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn (thú y) phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan để hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tôm; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tôm, nhất là việc áp dụng các biện pháp đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi tập trung (thâm canh, bán thâm canh), cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn; thực hiện công tác kiểm dịch, thu mẫu xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm bố mẹ khi nhập vào cơ sở sản xuất giống và xét nghiệm định kỳ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng tại cơ sở sản xuất - kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống và giống lưu thông trên địa bàn để ngăn chặn, xử lý các trường hợp mang mầm bệnh, tuyệt đối không để giống mang mầm bệnh nhập vào địa phương; xét nghiệm mầm bệnh đối với tôm giống trước khi xuất bán; tái kiểm dịch đối với tất cả các lô giống nhập vào địa bàn không đảm bảo theo quy định; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan chức năng xử lý theo quy định đối với các trường hợp sử dụng, vận chuyển và cung cấp con giống chưa qua kiểm dịch.

Một vấn đề không thể xem nhẹ là phải chuẩn bị, cung ứng đầy đủ hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch.

Năm 2011, năng suất, hiệu quả nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta chưa cao có phần do việc quản lý chất lượng giống đưa vào thả nuôi, nhất là giống di ương ngoại tỉnh về chưa tốt. Việc chủ động phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong vụ xuân hè này, trong đó đặc biệt chú trọng quản lý chất lượng đầu vào sẽ góp phần mang lại một vụ tôm thắng lợi!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast