Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc

Vài năm gần đây dịch bệnh gia súc, gia cầm ở Hà Tĩnh đã gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi. Nguyên do xuất phát từ người chăn nuôi, ngành thú y và chính quyền địa phương chưa có được tiếng nói chung. Vì vậy, công tác phòng chống dịch trước mắt cùng như lâu dài rất cần cả hệ thống vào cuộc.

"Lỗi hệ thống"

Phát hiện ổ dịch kịp thời để khống chế dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là hết sức quan trọng. Thế nhưng, ở Hà Tĩnh, khi dịch bệnh bùng phát, lan rộng thì cơ quan chức năng mới phát hiện. Gần đây, tại hai xã Thạch Văn và Thạch Hội (Thạch Hà) xẩy ra dịch lợn tai xanh. Ngày 18/11, hàng chục con lợn của nhà ông Nguyễn Minh Điềm ở xã Thạch Hội có triệu chứng bỏ ăn, sốt cao, phân táo… Ông Điềm hốt hoảng mời cán bộ thú y xã đến trực tiếp điều trị nhưng mãi hơn một tuần sau vẫn không khỏi. Sau đó, cán bộ thú y này mới báo cáo lên Chi cục thú y về lấy mẫu bệnh phẩm đi kiểm tra. Tương tự, đàn lợn của gia đình anh Lê Văn Trung ở xã Thạch Văn cũng bị dịch bệnh tai xanh nhưng 5 ngày sau gia đình mới báo cáo lên cho cơ quan chuyên môn để xử lý…

Chốt không người thì gia súc vùng dịch được tuồn ra ngoài là điều hiển nhiên. Ảnh chụp hồi 15h ngày 13/12 tại xã Thượng Lộc (Can Lộc)
Chốt không người thì gia súc vùng dịch được tuồn ra ngoài là điều hiển nhiên. Ảnh chụp hồi 15h ngày 13/12 tại xã Thượng Lộc (Can Lộc)

Như vậy công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn hết sức chủ quan. Bắt đầu là trách nhiệm của người chăn nuôi. Sau khi mời cán bộ thú y xuống chữa trị nhưng không khỏi, tiếc của có người bán tống, bán tháo đàn lợn dịch trước khi đoàn xuống kiểm tra. Có hộ khi phát hiện gia súc của mình bị bệnh liền tự mua thuốc về chữa trị, lợn chết đào hố chôn ngay trong vườn nhà... Mặt khác, trách nhiệm của cán bộ thú y cơ sở nói riêng và vai trò của ngành thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh trong những năm qua chưa như mong muốn. Tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm hàng năm hết sức “khiêm tốn”. Khi xẩy ra dịch bệnh, cán bộ thú y tỉnh, huyện mới sốt sắng xuống địa bàn đôn đốc các địa phương khẩn trương tiêm phòng dịch. Mặc dù, kết quả tiêm phòng được một số địa phương báo cáo lên đạt khá cao nhưng so với tổng đàn trong thực tế thì còn thấp hơn nhiều.

Xẩy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm là trách nhiệm lớn của chính quyền địa phương. Hầu như địa phương nào thường xuyên xảy ra dịch là do nơi đó cấp ủy, chính quyền còn đứng ngoài cuộc. Công tác tiêm phòng dịch không được chú trọng, dịch bệnh xẩy ra là lẽ đương nhiên! Một số cán bộ lãnh đạo chính quyền còn phó mặc cho người chăn nuôi khi có dịch xẩy ra… Nói chung công tác không chế và dập dịch ở một số địa phương còn qua loa, đại khái.

Sau khi phát hiện dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương lập chốt canh 24/24 giờ để cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào ra vùng dịch…. Tuy nhiên, một số cán bộ trạm thú y huyện chia sẻ: Có chốt nhưng gia súc, gia cầm bị bệnh vẫn bị tuồn ra ngoài vì lực lượng canh gác ở các chốt rất mỏng. Chế độ cho những người trực chốt ít ỏi nên chỉ được vài ngày đầu còn lại là bỏ bê không bám sát. Đó là chưa nói đến vấn đề tiêu cực tại các chốt canh. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm qua chốt một cách dễ dàng?!

Cần có giải pháp "nóng"

Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm bùng phát tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã làm thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người chăn nuôi. Năm 2010, tình hình dịch bệnh cũng rất phức tạp, trong đó một số địa phương như Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc…dịch tai xanh, lở mồm long móng ở gia súc và cúm gia cầm liên tục xảy ra.

Làm thế nào để có được thông tin kịp thời, chích xác, lôi kéo được cả hệ thống vào cuộc? Ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN&PTTN Hà Tĩnh cho rằng, để khắc phục “lỗi hệ thống” trên thì trước tiên phải phát hiện dịch bệnh kịp thời, sau đó là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bài học của huyện Cẩm Xuyên trước đây cũng là do sự thờ ơ của chính quyền nên dịch bệnh ở gia súc, gia cầm xẩy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn.

Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm là lập ngay một đường dây nóng, tuyên truyền đến tận người dân. Ai, địa phương nào cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất sẽ được thưởng, ngược lại địa phương, cán bộ thú y nào báo cáo dịch bệnh chậm sẽ có hình thức xử lý.

Nhận được thông tin Chi cục thú y phải tham mưu kịp thời để tỉnh chỉ đạo các địa phương vùng dịch vào cuộc quyết liệt. Việc quản lý vùng dịch cần phải phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành và địa phương. Công tác quản lý, kiểm soát vùng dịch là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn việc hướng dẫn, giám sát là chức năng của ngành thú ý. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân có gia súc, gia cầm bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tăng cường công tác quản lý hành nghề thú y và thuốc thú y để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast