Phòng tránh bệnh lùn sọc đen tái phát và gây hại trong vụ đông xuân

Với 2.488 ha lúa bị bệnh lùn sọc đen gây hại trong vụ hè thu vừa qua, Hà Tĩnh đã phải chi gần 8,6 tỷ đồng cho việc xử lý, trong đó, gần 5,8 tỷ đồng chi hỗ trợ tiêu hủy 1.488 ha của các hộ dân (4 triệu đồng/ha). Nhà nước thiệt một thì người dân thiệt mười. Vụ đông xuân 2010 - 2011 mới chỉ bắt đầu. Việc chủ động phòng tránh bệnh lùn sọc đen tái phát và gây hại đang đặt ra cấp thiết cho ngành chuyên môn và chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh.

Sau khi lần đầu tiên xuất hiện và gây hại trên 285 ha ngô trong vụ đông năm 2009 ở các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, bệnh lùn sọc đen đã tái phát và phá hủy trên nhiều ruộng lúa trong vụ hè thu 2010 vừa qua. Từ vài héc – ta ban đầu ở xã Cẩm Lạc, bệnh lùn sọc đen bắt đầu bùng phát thành dịch trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Cẩm Xuyên, sau đó nhanh chóng lan sang nhiều địa phương khác như: Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, Lộc Hà, Đức Thọ.

Tính chung, Hà Tĩnh đã có 2.488 ha lúa hè thu bị dịch lùn sọc đen gây hại, trong đó có 1.448 ha buộc phải tiêu hủy bằng việc cắt bỏ thân lá rồi cày dập gốc rạ. Kỳ Anh là địa phương có diện dịch nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy lớn nhất tỉnh với 842,26 ha, tiếp đó là Cẩm Xuyên 487 ha, Thạch Hà 53,6 ha, Can Lộc 29 ha, thành phố Hà Tĩnh 23 ha, Lộc Hà 9 ha…

Dù đã cắt bỏ lúa bị bệnh và cày vùi gốc rạ nhưng chưa ai dám khẳng định bệnh lùn sọc đen sẽ không tái phát trong vụ đông xuân này
Dù đã cắt bỏ lúa bị bệnh và cày vùi gốc rạ nhưng chưa ai dám khẳng định bệnh lùn sọc đen sẽ không tái phát trong vụ đông xuân này

Đến nay, các nhà chuyên môn mới chỉ xác định: bệnh lùn sọc đen phát sinh chủ yếu do vi-rút lùn sọc đen phương Nam gây nên thông qua môi giới truyền bệnh là con rầy lưng trắng; còn việc rầy lưng trắng có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, từ vùng này hay vùng khác để gây bệnh hay không thì vẫn còn là một câu hỏi lớn chưa dễ trả lời.

Cách nhận biết bệnh lùn sọc đen trên cây lúa có thể tóm lược ở một số giai đoạn chính như: ban đầu, cây có triệu chứng thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường; lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non, gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định, trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Cây lúa bị bệnh không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen.

Kỹ sự Nguyễn Tuấn Thanh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, các địa phương ở Hà Tĩnh đang tiến hành bắc mạ trà lúa xuân sớm vụ đông xuân 2010 – 2011. Để chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen trên lúa tái phát trong vụ đông xuân này, Chi cục đề nghị các địa phương cùng với chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy nhanh tiến độ làm đất gắn với vệ sinh đồng ruộng, đặc biệt là triệt để tiêu diệt lúa chét nhằm hạn chế nguồn bệnh trên cây trồng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, phường, thị trấn thống kê chính xác diện tích mạ tại các địa phương theo hướng cụ thể đến từng trà lúa và từng thôn/xóm để có kế hoạch nhận thuốc phun trừ rầy lưng trắng khi chúng manh nha xuất hiện (theo Quyết định 3397/QĐ-UBND ngày 23/11/2010 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông xuân 2010 – 2011). Ngoài ra, chính quyền các huyện, thành, thị cần chủ động phối hợp với cơ quan bảo vệ thực vật cùng cấp lồng ghép chương trình tập huấn bệnh vi – rút lùn sọc đen trong chương trình tập huấn kỹ thuật sản xuất vụ đông xuân 2010 – 2011.

"Lùn sọc đen là một trong 3 loại bệnh đặc biệt nguy hiểm khi đến nay chưa có thuốc đặc trị. Bởi thế, cây lúa mắc bệnh không có giải pháp nào khác ngoài việc bắt buộc phải tiêu hủy", kỹ sư Thanh nhấn mạnh.

Vụ đông xuân 2010 – 2011 ở Hà Tĩnh mới chỉ bắt đầu và chưa ai dám khẳng định liệu bệnh lùn sọc đen không tái phát và gây hại trên cây lúa. Hơn bao giờ hết, chính quyền các xã/phường/thị trấn ở Hà Tĩnh cần khuyến cáo và hướng dẫn bà con nông dân chủ động phòng tránh trong khả năng tự có của mình trước khi cần đến sự hỗ trợ từ chính quyền cấp trên và ngành chuyên môn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast