Phong trào xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu

6 tháng đầu năm, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả thiết thực. Đến nay, hệ thống tổ chức ở tất cả các cấp đã hoàn thiện; hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản đầy đủ; nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM ngày càng được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện một bước; sản xuất có hướng phát triển mới cả về tính chất, quy mô.

Từ cơ chế, chính sách “mở”

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương, Hà Tĩnh là 1 trong 3 tỉnh dẫn đầu trong việc triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM (Hà Tĩnh, Thái Bình và Quảng Ninh). Kết quả đạt được khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cả 19 tiêu chí đều có sự chuyển biến tích cực, trong đó, nổi bật là công tác quy hoạch và xây dựng 2 đề án. Chương trình NTM đã đi vào lòng người, được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Người dân đã xác định được xây dựng NTM là vì mình và mình là chủ thể, từ đó tự giác thực hiện trong mọi phong trào.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình nuôi tôm tại huyện Lộc Hà

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình nuôi tôm tại huyện Lộc Hà

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tăng 226 tiêu chí NTM. Một số huyện có mức tăng khá như: Can Lộc tăng 65 tiêu chí, Kỳ Anh tăng 29 tiêu chí, Cẩm Xuyên tăng 29 tiêu chí, Hương Khê tăng 26 tiêu chí, Hương Sơn tăng 25 tiêu chí. Đến nay, có 8 xã đạt từ 14 – 16 tiêu chí; 27 xã đạt từ 9 – 13 tiêu chí; 118 xã đạt từ 5-8 tiêu chí; 82 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Để phong trào xây dựng NTM đi vào chiều sâu, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách khuyến khích người dân xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất, như: QĐ 853 về phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh; QĐ 19 về cơ chế huy động, cơ chế lồng ghép, quản lý các nguồn vốn trong xây dựng NTM. Đặc biệt, để khuyến khích người dân phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã có QĐ 26 về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng NTM; kế hoạch số 1237 về việc triển khai Nghị định số 61 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với tỉnh, 11/12 huyện, thị xã đã bố trí ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM năm 2012; 12/12 huyện, thị ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh đã ban hành chính sách dài hạn từ 2 năm đến 5 năm.

Đến đòn bẩy phát triển KT-XH

Những chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện được ban hành kịp thời đã tiếp sức cho người dân trong xây dựng NTM. 6 tháng đầu năm, có thêm 192 mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao gắn với thực hiện NTM. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi 79 mô hình, trồng trọt 75 mô hình, thủy sản 20 mô hình, tiểu thủ công nghiệp dịch vụ 13 mô hình, mô hình sản xuất khác 5 mô hình; thành lập mới được 34 trang trại, 78 tổ hợp tác, 59 HTX, 27 doanh nghiệp. Nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực, quy mô tập trung theo hướng thâm canh, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế ngày càng được nhân rộng. Lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô lớn bằng các hình thức liên doanh, liên kết ngày càng phát triển và khẳng định hướng đi đúng. Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 60 cơ sở chăn nuôi ký kết hợp đồng chăn nuôi lợn thương phẩm liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, nâng tổng số cơ sở chăn nuôi lợn thương phẩm liên kết với doanh nghiệp lên 84 cơ sở; xây dựng 3 cơ sở chăn nuôi lợn nái cấp bố mẹ liên kết với doanh nghiệp có quy mô từ 250-350 con/lứa tại Kỳ Anh, Can Lộc, Vũ Quang.

Mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn bằng hình thức liên doanh, liên kết của gia đình anh Phan Văn Đức, xã Hương Minh, Vũ Quang cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn bằng hình thức liên doanh, liên kết của gia đình anh Phan Văn Đức, xã Hương Minh, Vũ Quang cho hiệu quả kinh tế cao.

Đầu tư cho hạ tầng giao thông được coi là cái gốc để hiện thực hóa các đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Từ đó, phong trào làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phát triển rộng khắp, bộ mặt nông thôn khởi sắc trên nhiều vùng quê. Đến nay, tổng số km đường giao thông nông thôn đã nhựa và bê tông hóa trong toàn tỉnh đạt 53,4%; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 97,9% được nhựa hoặc bê tông hóa; một số xã đã có hệ thống giao thông nông thôn (từ đường trục thôn trở lên) được nhựa hoặc bê tông hóa đạt 100% (Gia Phố - Hương Khê; Tùng Ảnh, Trường Sơn, Yên Hồ - Đức Thọ...). Nhiều huyện có chính sách ỗ trợ 100% xi măng làm đường giao thông nông thôn, như: Can Lộc, Đức Thọ, Lộc Hà. Các phong trào kiên cố hóa kênh mương, chỉnh trang khu dân cư, khu trung tâm xã được triển khai khá mạnh.

Và sự vào cuộc của toàn xã hội

Điểm nổi bật của Hà Tĩnh được trung ương đánh giá cao và nhiều tỉnh bạn đến học tập đó là việc giao các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ các xã xây dựng NTM. Để tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị tham gia chỉ đạo và huy động nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng cùng chung sức xây dựng NTM, UBND tỉnh ban hành QĐ số 277 về việc giao các đơn vị đỡ đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã có 98 tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu tài trợ xây dựng nông thôn mới cho 105 xã trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó 58 đơn vị đã ký kết đỡ đầu, tài trợ với 58 xã và triển khai một số hoạt động đỡ đầu thiết thực hiệu quả như: Đảng ủy các cơ quan cấp tỉnh, Đảng ủy khối doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động tỉnh…Ngoài ra, các cá nhân, đơn vị tài trợ đã đăng ký qua Văn phòng Điều phối hơn 17 tỷ đồng.

Ký kết phối hợp xây dựng NTM giữa Báo Hà Tĩnh với xã Ích Hậu

Ký kết phối hợp xây dựng NTM giữa Báo Hà Tĩnh với xã Ích Hậu

Cùng với sự đỡ đầu, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã tăng cường vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của con em xa quê, các tổ chức cá nhân khác và đạt được kết quả khá. Tổng số tiền đăng ký tài trợ, đỡ đầu 6 tháng đầu năm là 166 tỷ đồng, trong đó, đăng ký thông qua huyện 10 tỷ đồng, đăng ký hỗ trợ trực tiếp cho xã 156 tỷ đồng (bằng tiền 102 tỷ đồng; giá trị hiện vật, công trình quy ra tiền 54 tỷ đồng).

Mặc dù Hà Tĩnh được trung ương đánh giá cao, tuy nhiên, xét một cách tổng thể, kết quả đạt được trong xây dựng NTM vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền các cấp và người dân. Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Võ Kim Cự cho rằng để chương trình NTM thực sự chuyển biến mạnh, có chiều sâu, các xã cần phối hợp với các phòng, ban, ngành cấp huyện tập trung bàn kỹ và triển khai các chuyên đề; xác định sản phẩm chủ lực trong sản xuất, chăn nuôi; tiếp tục triển khai công tác quy hoạch, chuyển đổi ruộng đất; ưu tiên nguồn lực cho phát triển giao thông; triển khai phát triển sản xuất, chăn nuôi một cách căn cơ, bài bản, cụ thể.

6 tháng đầu năm 2012, có 40 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch, nâng số xã được phê duyệt lên 233/235 xã, còn lại 02 xã Kỳ Lợi và Thạch Hải do đặc thù nằm trong KKT Vũng Áng và Khu vực mỏ sắt Thạch Khê nên chưa phê duyệt; 133 xã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch theo Thông tư 13 (đạt 56%); 213 xã đã công bố quy hoạch; 220 xã đang triển khai cắm mốc chỉ giới quy hoạch, trong đó 81 đã hoàn thành (đạt 34%).

Cùng với phê duyệt đồ án quy hoạch, 6 tháng đầu năm có 79 xã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển sản xuất, nâng số xã được phê duyệt 2 đề án lên 231/235 xã. Còn 4 xã chưa phê duyệt: Kỳ Lợi (Kỳ Anh), Thạch Hải (Thạch Hà), Hương Quang và Hương Điền (Vũ Quang) do nằm trong vùng dự án tái định cư phải di dời.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast