Phòng trừ kịp thời, hiệu quả sâu bệnh hại cây trồng vụ đông xuân

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh vừa cho biết, hiện nay, lúa đông xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh, lạc xuân ở giai đoạn mọc mầm - phân cành; tất cả đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua điều tra của cán bộ chuyên môn đã phát hiện các đối tượng dịch hại.

Trên cây lúa, bệnh đạo ôn đã phát sinh, gây hại nhiều trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh với tỷ lệ trung bình 7 – 10%, nơi cao 40 – 50%, chủ yếu trên giống QR2, diện tích nhiễm khoảng 10 ha; các địa phương khác từ 3 – 5%, nơi cao 10 – 12% (Nghi Xuân, Vũ Quang). Ruồi đục nõn chủ yếu gây hại trên trà xuân muộn với tỷ lệ trung bình 5 - 7%, nơi cao 12 - 15%, tập trung ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ… Riêng trà xuân muộn gieo thẳng 2 – 3 lá, rệp xanh cũng phát sinh, gây hại trên toàn tỉnh, tỷ lệ trung bình 7 - 10% dảnh, nơi cao 40 - 60% dảnh.

Kịp thời phát hiện sâu bệnh sẽ giúp công tác phòng trừ đạt hiệu quả hơn
Kịp thời phát hiện sâu bệnh sẽ giúp công tác phòng trừ đạt hiệu quả hơn

Dự báo thời tiết thời gian tới sẽ ấm dần lên nên trong khi bà con nông dân tập trung chăm bón để tạo điều kiện cho lúa phát triển thì đồng thời cũng tạo cơ hội cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại như: bệnh đạo ôn, rệp xanh, ruồi đục nõn, bọ trĩ…

Để chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, Chi cục BVTV Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chức năng, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại; vận động người dân thường xuyên thăm đồng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tập trung chăm bón, tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển tốt và khi phát hiện các đối tượng dịch hại thì tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc hóa học.

Cụ thể, đối với bệnh đạo ôn: khi phát hiện bệnh thì ngừng bón thúc đạm, duy trì mực nước 3 - 4 cm trong ruộng và tiến hành phun các loại thuốc như: Fujione 40WP (pha 17 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 - 3 bình/sào), Fu Nhật 40WP (pha 17 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 - 3 bình/sào), Beam 75WP (pha 4 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 - 3 bình/sào), Filia 525SC (pha 10 - 12 ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 - 3 bình/sào).

Đối với rệp xanh, bọ trĩ: tập trung chăm sóc để lúa sinh trưởng, phát triển khoẻ, duy trì mực nước 3 - 5 cm trên ruộng; khi mật độ rệp cao có khả năng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa tiến hành phòng trừ bằng các thuốc Actara 25 WG (pha 1 g thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào), Tasieu 1.0EC (pha 10 ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào), Sutin 5EC (pha 25 ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào), Dibamec 1.8EC (pha 10 ml thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào).

Đối với ruồi đục nõn: chủ động phát hiện và phun sớm bằng các loại thuốc có hoạt chất Fipronil như: Regent 800WG (pha 0,8 gam vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào), Tango 800WG (pha 1 gam thuốc vào bình 10 lít nước, phun 2 bình/sào)...

Kỹ sư Lê Anh Ngọc - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Tĩnh cho rằng, để đảm bảo năng suất, chất lượng các loại cây trồng vụ đông xuân 2011 - 2012, ngay bây giờ, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần chủ động làm tốt công tác phòng trừ dịch hại. Về phía trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã, trên cơ sở các loại thuốc do Chi cục định hướng, cần căn cứ vào tình hình thực tế tại cơ sở để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương và bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast