"Phun thuốc trừ cỏ, lúa không làm đòng" là do cây bị ngộ độc khi độ ẩm cao!

Sau khi Hà Tĩnh Online phản ánh tình trạng nhiều hộ dân ở một số xã của huyện Cẩm Xuyên sử dụng thuốc trừ cỏ Anco 600DD và Raco 600DD dẫn đến lúa không làm đòng, Tòa soạn nhân được những ý kiến băn khoăn, muốn làm rõ hơn vấn đề. Để rộng đường dư luận, sáng 10/5, PV có buổi làm việc với Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh xung quanh vấn đề này.

- Những ngày qua, dư luận Cẩm Xuyên lại “nóng” lên chuyện nhiều hộ dân ở một số xã trên địa bàn phun thuốc trừ cỏ Anco 600DD và Raco 600DD khiến lúa không làm đòng. Ông có thể cho biết rõ hơn về sự việc này?

Trước hết chúng tôi xin chia sẻ với bà con nông dân về những tổn thất trên đồng ruộng, đồng thời mong muốn bà con nông dân hợp tác tốt hơn với các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Cẩm Xuyên để có định hướng đúng trong thời gian tới về việc sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm mục đích hạn chế những rủi ro do thuốc trừ cỏ gây ra trên đồng ruộng.

Sau khi phun thuốc được ít ngày, người dân Cẩm Xuyên phát hiện cây lúa bị nghiêng, rả sang bốn phía
Sau khi phun thuốc được ít ngày, người dân Cẩm Xuyên phát hiện cây lúa bị nghiêng, rả sang bốn phía

- Được biết Anco 600DD và Raco 600DD đều là những loại thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN&PTNT. Vậy tại sao khi phun thì lúa lại có hiện tượng không đóng đòng, thưa ông?

Thuốc trừ cỏ Anco 600DD do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang cung ứng và thuốc Rada 600DD do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật 1 trung ương cung ứng. Đó là 2 tên thuốc thương phẩm có thành phần hoạt chất 2,4D (min 96%) Dimethyl Amine được Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng. Đây là loại thuốc trừ cỏ nội hấp, ức chế quá trình quang hợp của cây cỏ. Thuốc tiêu diệt chủ yếu các loại cỏ lá rộng và nhóm chác lác (cỏ đồng tiền, cỏ cháo, ràu dừa, rau mương...) trên ruộng lúa và nhiều loài cỏ lá rộng trên vườn cây ăn trái, đồn điền, đất hoang, với liều lượng dùng 1,2 -1,5 lít/ha.

Trong điều kiện thời tiết ấm, thời gian sử dụng trên ruộng lúa 20 ngày sau khi gieo hoặc 10 ngày sau khi cấy. Có nghĩa là thời điểm xử lý lúa gieo đạt 4 - 6 lá. Lúa cấy đã bén rễ hồi xanh và phải giữ mực nước 3 - 4 cm trong 3 - 4 ngày sau khi xử lý thuốc nhưng đặc biệt lưu ý là tuyệt đối không xử lý thuốc khi thời tiết lạnh, thiếu ánh sáng.

Từ đặc điểm của thuốc, đối chiếu với thời tiết bất thường trong vụ đông xuân 2010 - 2011 (với 36 ngày rét đậm, rét hại, số giờ nắng đến ngày 10/4 là 161,2 giờ (so với cùng kỳ đông xuân 2009 - 2010 là 369,8 giờ), nền nhiệt độ thấp, tổng tích ôn 3 tháng đầu năm 2011 chỉ bằng 70% so với cùng kỳ nhiều năm. Do nhiệt độ thấp kéo dài, cường độ bức xạ thấp, độ ẩm không khí và độ ẩm đồng ruộng cao dẫn đến thuốc phân hủy chậm và tác động xấu đến cây trồng. Đây là một "tai nạn nghề nghiệp" rất khó lường trước sự biến động bất thường của thời tiết.

- Là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về vấn đề thuốc BVTV, Chi cục phản ứng với vấn đề này như thế nào và hướng xử lý cụ thể sẽ ra sao, thưa ông?

Từ đầu tháng 3, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm BVTV rà soát tình hình ngộ độc thuốc trừ cỏ, những diện tích bị nhẹ đã có hướng dẫn chăm sóc và nhiều diện tích đã phục hồi trên cở sở phát triển các nhánh mới. Trong tháng 4, Chi cục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh khi tham gia đoàn kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng trên đồng ruộng, lấy mẫu giám định chất lương (hiện đang chờ kết quả phân tích). Về hậu quả trên đồng ruộng, quan điểm của Chi cục là thực hiện nghiêm túc các nội dung đã quy định tại Thông tư số 38/2010-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ NN&PTNT về hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV.

Nhiều diện tích lúa bị xoăn lá, không đóng đòng do ngộ độc thuốc trừ cỏ
Nhiều diện tích lúa bị xoăn lá, không đóng đòng do ngộ độc thuốc trừ cỏ

- Vụ hè thu 2010, tại đồng ruộng xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) xảy ra hiện tượng sử dụng thuốc kích thích GA3 quá liều lượng làm “lúa lên như mía”, và nay thêm một sự việc tương tự tái diễn. Ông có cho rằng việc quản lí hoạt động kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn Cẩm Xuyên đang có vấn đề?

Việc quản lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn Cẩm Xuyên đang có vấn đề: Tổng số chứng chỉ hành nghề cấp cho hộ buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn là 15 hộ nhưng có 8 hộ hết hạn sử dụng (không đủ điều kiện buôn bán). Trong khi đó, theo thống kê bước đầu của Trạm BVTV Cẩm Xuyên có 43 hộ buôn bán kể cả dạng "buôn bán theo thời vụ".

Việc quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV được quy định tại khoản 2, Điều 32, Chương VII - Thông tư số 38/2010-BNNPTNT ngày 28/6/2010 của Bộ NN&PTNT là: "Chính quyền cấp xã, phường chịu trách nhiệm quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn về BVTV và KDTV tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và xử lý các hành vi vi phạm". Vì vậy, để công tác quản lý hiệu quả hơn cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền từ huyện tới các xã, phường, thị trấn.

- Sau những sự cố đáng tiếc vừa qua, ông có thể đưa ra vài lời khuyên trong việc sử dụng thuốc BVTV cho bà con nông dân hiện nay?

Qua công tác điều tra hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV hàng năm thì thấy hơn 70% nông dân sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật đã được nhà sản xuất hướng dẫn trên nhãn thuốc. Từ thực tiễn sản xuất, chúng tôi đề nghị bà con nông dân, chính quyền các địa phương, đặc biệt hệ thống khuyến nông cơ sở phối hợp tốt với Trạm BVTV để được tư vấn chính xác. Chúng tôi cũng chỉ đạo Trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã và khuyến cáo bà con nông dân không nên sử dụng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm có hoạt chất 2.4 D trong vụ đông xuân kể cả những vụ đông xuân ấm.

- Xin cảm ơn ông và hy vọng những sự việc đáng tiếc như thế không còn tái diễn!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast